Xách túi quà Tết tới nhà bố mẹ vợ, anh Thành bỏ về luôn khi thấy nhạc phụ đang say sưa kể với hàng xóm về cây quất hoành tráng do anh rể cả mua.
"Túi quà của mình có mỗi bưởi, miến, rượu, mứt, con gà trống, mang vào lúc đó có khi làm bố vợ mất hứng", anh Thành (Hoài Đức, Hà Nội) kể.
Vốn đã không ưa tính hay huênh hoang của rể cả, anh Thành càng thấy "ngứa mắt" khi anh này thuê xe tải chở về cây quất to choán hết 1/3 gian ngoài nhà bố mẹ vợ.
"Năm ngoái, khi tất cả con cháu tề tựu chúc Tết mừng tuổi ông bà và các cụ vào hôm mùng 2, mình mừng tờ 100 nghìn đồng thì ông anh rể rút ra tờ 200 nghìn đồng, cay lắm", anh Thành ấm ức kể.
Năm nay, sau khi vét hết ngân sách gia đình để bổ sung thêm một con gà Đông Tảo và thùng bia vào món quà biếu Tết của mình, anh Thành không quên thi thoảng bình luận về cây quất như "cây này lùm xùm, thế không đẹp" hay "cái cây che mất cả bình ly nở đúng độ của bà ngoại"...
Cũng vì chuyện này mà anh Thành rất kỵ gặp hay nói chuyện với người anh đồng hao. "Dù là đi picnic, du lịch xa hay chỉ là muốn cho bọn trẻ sang nhà nhau chơi, rủ thế nào anh ấy cũng không chịu đi cùng nếu có ông anh rể", vợ anh Thành bày tỏ.
Có bố mẹ vợ giàu có, lại thêm cậu em đồng hao làm giám đốc một công ty bất động sản đang ăn nên làm ra, đối với anh Đức (ở Đông Anh, Hà Nội) việc biếu quà Tết nhà ngoại luôn là một vấn đề đau đầu.
"Năm ngoái, trong khi mình vừa nghỉ chỗ làm cũ, đang đợi tìm việc mới, thu nhập lẫn thưởng Tết đều bằng không nên chỉ biếu bố mẹ vợ gọi là thì cậu em này đánh ôtô tặng các cụ cả bộ sofa mới, xách thêm cả rượu, bánh kẹo xịn. Dù ông bà ngoại vẫn tỏ ra quý mình nhưng rõ ràng các cụ mừng và hãnh diện hẳn về món quà sang kia", anh Đức bộc bạch. Cũng vì cảm giác thua kém, anh không hào hứng tới những buổi quây quần cả đại gia đình bên ngoại năm ấy.
Anh Đức cho biết, năm nay, có thu nhập khá hơn, anh quyết định mua biếu nhạc phụ một chiếc TV đắt tiền, dù vợ ra sức gàn, nói rằng kinh tế mình còn khó và ông bà đã có TV rồi, không thích chiếc to như vậy.
Có ba cô con gái và năm nào cũng được nhận quà biếu Tết từ các chàng rể, ông Hải (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, nhiều khi ông cũng lâm vào tình trạng khó xử.
Trong khi hai anh con rể đầu có thu nhập cao thì anh rể út làm công nhân với lương bổng không đáng bao nhiêu. Có năm, biết con rể không có tiền nhưng vẫn mừng tuổi bố mẹ vợ mỗi người tiền triệu, ông Hải rất lo nhưng không dám không nhận, sợ anh tự ái.
"Không phải cứ các rể biếu quà nhiều mà mừng. Cuộc sống các con thế nào, mình biết cả. Rể phải chi quá sức để cố cho bằng anh, bằng em thì chỉ là điềubuồn, chứng tỏ chúng nó còn so đo, cạnh tranh nhau chứ chưa có tinh thân gắn bó thực sự. Mà kinh tế khó khăn, chi phóng tay thế thì chỉ khổ con, cháu mình thêm", ông Hải bộc bạch.
Chuyên gia tâm lý Văn Thanh Sỹ, đường dây tư vấn tâm lý 1088 TP. HCM cho biết, chuyện cạnh tranh giữa các chàng rể trong những gia đình có nhiều con gái là có thật. Về bản năng, người đàn ông luôn có tính cạnh tranh, hiếu chiến và đó là phần trẻ con trong nam giới, dù họ ở tuổi nào.
Trong việc này, xét ở góc độ tích cực, rõ ràng người con rể muốn có một món quà thể hiện sự quan tâm của mình, làm đẹp lòng cha mẹ vợ. Tuy nhiên, có thể khi chuyển tấm lòng thành đó thành món đồ vật chất thì nó lại tạo sự đố kỵ, mất lòng một số thành viên trong gia đình.
Để giải tỏa và hạn chế tác dụng phụ đó, theo chuyên gia, người vợ đầu tiên nên thể hiện sự trân trọng với thành tâm của chồng. Nếu thấy món quà biếu của chồng vượt quá ngân sách gia đình hay chưa phù hợp, chị em cũng đừng nặng lời, phán xét chồng là "sĩ diện", "chơi trội" hay cấm đoán "anh không được làm như vậy"... Thay vào đó, hãy khéo léo mách nước cho anh ấy những món quà hợp ý bố mẹ, nhẹ nhàng thỏa thuận về các khoản cần chi tiêu trong dịp Tết.
"Nếu người vợ cư xử không khéo, gia đình dễ hục hặc và mất hòa khí, đó là điều không đáng. Và thực tế tư vấn cho thấy, không ít anh chồng sau khi bị vợ gàn, chỉ trích hành động biếu quà Tết quá tay thì từ năm sau, anh ta thờ ơ luôn với việc lễ Tết cha mẹ vợ", ông Văn Thanh Sỹ chia sẻ.
Theo ông, trong nhiều trường hợp, chính bố mẹ vợ lại phải ứng xử khéo léo để không thể hiện "bên trọng bên khinh", tạo cho con rể cảm giác chạnh lòng hay đố kỵ nhau.
Nhà tâm lý cho biết, cũng có một số trường hợp, những cuộc chạy đua quà cáp lại vì mục đích trục lợi. Bản thân ông từng tư vấn cho một người vợ cảm thấy khó xử khi biết chồng cố tình "chơi trội" khi biếu quà Tết để lấy lòng bố mẹ mình. Người phụ nữ tên Kiều này kể rằng, bố mẹ chị chỉ có hai cô con gái và đang quản lý một công ty lớn ở Sài Gòn. Biết năm tới họ sẽ bổ nhiệm một chức danh quan trọng và muốn mình nắm giữ vị trí này, chồng chị Kiều đã lên kế hoạch mua một món đồ xa xỉ tặng nhà ngoại.
"Tôi không muốn ba mẹ mình bị 'há miệng mắc quai', cũng sợ chồng lao vào vòng tham vọng nhưng chẳng biết nên làm gì", chị Kiều than thở. Nhà tâm lý cho rằng, trong tình huống này, chị có thể đến nói chuyện với bố mẹ đẻ trước, kể với họ về kế hoạch định tặng quà của chồng và nhờ phụ huynh làm sao vui mừng, khéo léo nhận tấm lòng của chàng rể nhưng sau đó tặng lại cho chính cháu ngoại (con anh chị).
"Điều mấu chốt ở đây là người vợ đừng cho cha mẹ biết ý định tặng quà trục lợi của chồng. Là cầu nối và người hiểu nhất cả cha mẹ lẫn chồng mình, người phụ nữ sẽ hóa giải được vấn đề", nhà tâm lý bày tỏ.
Theo VnExpress