Tiêu chuẩn đánh giá các giải pháp dự thi gồm: giải pháp dự thi phải có tính mới, lần đầu được áp dụng tại Việt Nam…; khả năng ứng dụng rộng rãi, tiết kiệm, đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống, có tính bền vững…

Cuộc thi sáng chế 2018: Đi tìm giải pháp kỹ thuật mới, ứng dụng cao

Thu Anh | 16/08/2018, 12:45

Tiêu chuẩn đánh giá các giải pháp dự thi gồm: giải pháp dự thi phải có tính mới, lần đầu được áp dụng tại Việt Nam…; khả năng ứng dụng rộng rãi, tiết kiệm, đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống, có tính bền vững…

          

Ngày 16.8 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam tổ chức Cuộc thi sáng chế 2018 với chủ đề “Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hàng ngày”.

Phát biểu tại Lễ công bố, ông Đinh Hữu Phí (Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết sở hữu trí tuệ có vai trò làm gia tăng tài sản doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Năm 2018, cuộc thi với chủ đề “Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hàng ngày” có mục đích khuyến khích các hoạt động sáng chế, sáng tạo nhằm tạo ra các công nghệ, giải pháp kỹ thuật mới có tính ứng dụng rộng rãi, dễ dàng và tiết kiệm chi phí để đáp ứng các nhu cầu thiết thực của cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cũng tại Lễ công bố, ông Phan Ngân Sơn (Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ) đã thông báo thể lệ cuộc thi năm nay. Cụ thể, đối tượng dự thi là mọi công dân Việt Nam đang cư trú, sinh sống và làm việc tại Việt Nam sáng tạo ra giải pháp kỹ thuật là đối tượng được bảo hộ sáng chế thuộc mọi lĩnh vực kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, đời sống kinh tế - xã hội...; có thời điểm bộc lộ công khai lần đầu (ở trong nước và nước ngoài) hoặc áp dụng lần đầu tại Việt Nam sau ngày 31.5.2013 và chưa tham dự Cuộc thi Sáng chế do Bộ KH&CN tổ chức năm 2013, 2014.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, phát biểu tại Lễ công bố - Ảnh: T.Anh

Cuộc thi Sáng chế đầu tiên - được tổ chức vào năm 2013 dành cho một số tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam - đã nhận được 146 giải pháp dự thi thuộc nhiều lĩnh vực kỹ thuật khác nhau như cơ khí chế tạo, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ môi trường, công nghệ sinh học… Cuộc thi tiếp theo tổ chức vào năm 2014 có 173 giải pháp kỹ thuật.

Theo ông Đinh Hữu Phí, tại Việt Nam, qua 2 năm tổ chức Cuộc thi sáng chế (2013 và 2014), BTC nhận thấy các giải pháp có tính ứng dụng cao, thấy được tiềm năng, sáng tạo của các doanh nghiệp chuyên nghiệp và không chuyên.

Lấy ví dụ về giải pháp Máy gặt đập lúa (giải Nhất năm 2013) của Công ty TNHH Nhựa Hoàng Thắng (Cần Thơ), Cục trưởng cho biết với các tính năng, công suất cao, tiết kiệm nhân lực và nhiên liệu, giảm tỷ lệ hao hụt lúa và có giá trị rẻ hơn (bằng 50% giá các loại máy nhập ngoại cùng loại), máy đã được bà con nông dân sử dụng rộng rãi tại Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung.

Có cơ hội quảng bá trong nước và nước ngoài

Về vấn đề hỗ trợ các giải pháp sau cuộc thi, đại diện BTC cho biết sau 2 năm tổ chức, các giải pháp được giải đều được các Cơ quan chức năng của Bộ hỗ trợ. Tuy nhiên, khi áp dụng đại trà, phục vụ cuộc sống hàng ngày, giá thành thường hạ xuống và khó hợp tác nên giữa nhà đầu tư và nhà sáng chế thường khó có tiếng nói chung.

Bên cạnh đó,  BTC cũng cho biết giải pháp có khả năng ứng dụng rộng rãi, chi phí thấp... đều được giới thiệu, quảng bá trong nước và nước ngoài, được BTC hỗ trợ kết nối, quảng bá các giải pháp, áp dụng nhiều chương trình hỗ trợ khác của nhà nước để thúc đẩy khả năng thương mại hóa.

Cuộc thi bắt đầu từ tháng 8.2018 đến tháng 4.2019 với hàng loạt các chuỗi sự kiện, hội thảo định hướng được tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM nhằm hướng dẫn, đào tạo về sử dụng thông tin sáng chế và thông tin về cuộc thi cho các đối tượng quan tâm.

Vòng chung khảo, hội thảo tổng kết và Lễ trao giải, dự kiến được tổ chức vào tháng 4.2019. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 7 giải Khuyến khích.

Thu Anh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc thi sáng chế 2018: Đi tìm giải pháp kỹ thuật mới, ứng dụng cao