Tàu cao tốc chồm lên sóng rời cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn. Dưới đáy biển, một vệt dài 15 hải lý, xưa nay chỉ có bóng thuyền in theo bóng mặt trời, nay có cả dòng điện chạy từ đất liền ra, thổi bừng sức sống của cả hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Cuộc trở mình của đảo Lý Sơn

Một Thế Giới | 07/02/2016, 05:00

Tàu cao tốc chồm lên sóng rời cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn. Dưới đáy biển, một vệt dài 15 hải lý, xưa nay chỉ có bóng thuyền in theo bóng mặt trời, nay có cả dòng điện chạy từ đất liền ra, thổi bừng sức sống của cả hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Đổi thay ‘nhanh như điện’
Lý Sơn, trước ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ấn nút đóng điện hòa mạng lưới quốc gia thông qua đường cáp ngầm dưới đáy biển, ngày 28.9.2014, còn nghèo nàn lắm. Cả hòn đảo lặng lẽ như những ngư dân đi đánh cá trên thuyền buồm giữa biển khơi. Tôi còn nhớ, dân đảo lúc đó chỉ được xài điện máy phát, một ngày 2 lần vào giữa trưa và đầu tối. Họa hoằn lắm, có vài người khách ghé đảo thăm.
Nói chung, cảm nhận của nhiều người dân ở đây nói với tôi một cách rất oái oăm rằng, kể từ cái dịp Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào biển nước ta, Lý Sơn mới được quan tâm, mới được cả nước biết đến và đổi đời cũng từ dịp đó.
Việc này biết trách ai. Có những sự thay đổi theo thời thế và lịch sử, cần một sự tác động mới nhận ra giá trị của nó.
Cuoc tro minh cua dao Ly Son-hinh-anh-1
 Đêm Lý Sơn sáng trưng ánh điện- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Thế là Lý Sơn được quan tâm. Người ta ùn ùn kéo về Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu của tổ quốc, cầu nối từ quá khứ lẫn hiện tại hướng ra Hoàng Sa. Những ngư dân ở đây được quan tâm, những nghiệp đoàn nghề cá được thành lập. Nhiều chính khách quốc gia cũng ra tận đây động viên, khích lệ tinh thần bà con.
Và niềm vui, dấu ấn lịch sử nhất đối với hòn đảo này là điện. Ngày 28.9.2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có mặt ở đây, đóng nút hòa mạng điện lưới quốc gia ra đảo thông qua đường cáp ngầm dưới biển. Lý Sơn trỗi dậy mạnh mẽ đến chóng mặt.
Cuoc tro minh cua dao Ly Son-hinh-anh-2
Khách sạn Mường Thanh đang được xây dựng trên đảo Lý Sơn- Ảnh: Lê Đình Dũng. 
Cả Lý Sơn bây giờ như một công trình xây dựng. Khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm. Theo ước tính của anh Đặng Kim Đồng, cán bộ phòng Văn hóa huyện Lý Sơn, có khoảng 8 khách sạn đã đăng ký đưa vào hoạt động mới. Ngoài ra, còn rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ khác đang xây dựng. Và có 29 nhà nghỉ homestay đủ tiêu chuẩn để cấp bảng hiệu.
Nếu như trước đây, khách ra Lý Sơn không có chỗ để ở thì bây giờ thoải mái chọn khách sạn với đầy đủ dịch vụ nghỉ ngơi. Bây giờ, khi tôi bước xuống cầu tàu, những người dân Lý Sơn không phải ra để nhận vài gùi hàng mà ra để đón và chào mời khách về khách sạn; những khách sạn còn thơm mùi sơn mới.
Chị Phan Thị Hạnh (thôn Tây, xã An Vĩnh) vừa mới xây xong nhà nghỉ hai tầng với 8 phòng, tổng chi phí gần 1,5 tỉ. Chị bảo, trước đây không có điện dân đảo không dám làm gì, nay có điện mới dám đầu tư làm nhà nghỉ.
Ở dưới dốc Tam Tòa, anh Nguyễn Văn Nhân (xã An Hải) vừa khai trương mới một quán cà phê. Anh kể: “Có điện cái là người Lý Sơn đua nhau làm dịch vụ, mở nhà hàng, khách sạn, quán xá…Bây giờ ở Lý Sơn đắt đỏ nhất là vật liệu xây dựng, sơn, xi, sắt, cát.
Khắp các tuyến đường trên Lý Sơn, giờ ở đâu cũng được đào xới lên để trải nhựa, bê tông hóa. Bóng dáng những anh kỹ sư điện mặc áo vàng trèo sửa ở các cột điện trông quen dần.
Cuoc tro minh cua dao Ly Son-hinh-anh-3
Có điện, Lý Sơn trỗi dậy thay đổi nhanh chóng từ cơ sở hạ tầng đến dịch vụ- Ảnh: Lê Đình Dũng. 
Đêm ở Lý Sơn, giờ không đìu hiu, mù mịt, lạnh lẽo như hai năm trước tôi đã đi. Trên đảo giờ ở đâu cũng nghe văng vẳng tiếng loa nhạc xập xình, đèn điện sáng trưng. Nam thanh nữ tú không còn ngồi dọc những bờ kè hóng mát rồi về ngủ sớm mà kéo nhau ra các quán cà phê, hay các quán karaoke giải trí, tán tỉnh. Cả hòn đảo rộng chỉ chừng 10km2, nhưng giờ, nếu bạn lười đi thì đã có sẵn vài chục chiếc taxi phục vụ.
Cần phát triển trong màu xanh
Mọi sự thay đổi nóng đều dễ dẫn đến hệ quả xấu nếu không tỉnh táo để kịp điều chỉnh. Chỉ cần so sánh giữa đảo Cù Lao Chàm của Quảng Nam và Lý Sơn sẽ thấy được điều đó.
Cù Lao Chàm xanh ngắt với những thảm rừng đa dạng. Lý Sơn hiện chẳng còn gì ngoài cây tỏi!
Trăn trở về việc này, TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục biển và hải đảo Việt Nam từng nói rằng, Lý Sơn đã mất đi 3 cái cốt lõi: mất toàn bộ dãy san hô ở bãi bằng phục vụ cho việc trồng tỏi; mất quá nhiều rừng, trên đảo này hiện chỉ có 19,6% diện tích được phủ xanh; mất toàn bộ nghề nuôi trồng thủy sản trên đảo, mất đi những đặc sản mà ngày xưa chỉ có vùng này có để tiến vua.
TS. Hồi đã nhấn mạnh rằng ra biển không phải làm nông nghiệp. Mà đúng vậy, đảo là nơi để phát triển ngư nghiệp, du lịch, các dịch vụ về biển. Nhìn hòn đảo Lý Sơn giờ trọc lóc, cây tỏi trồng tràn lan, nước ngầm được khai thác triệt để để tưới tiêu thì nguy cơ hụt nước ngầm và nhiễm mặn rất đáng báo động.
Việc này cũng được ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thừa nhận: “Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản của các cơ quan chức năng còn hạn chế, việc quản lý nguồn nước ngầm còn nhiều khó khăn, chưa triệt để”.
Cuoc tro minh cua dao Ly Son-hinh-anh-4
Khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm ở Lý Sơn- Ảnh: Lê Đình Dũng. 
Là một hòn đảo nhỏ, nhưng Lý Sơn đang đối mặt với ô nhiễm rác thải ngày càng trầm trọng. Không những ý thức của người dân chưa cao mà cách quản lý của chính quyền chưa chặt chẽ và khoa học. Ở Lý Sơn vừa đưa vào vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn với thiết kế ban đầu là tiêu hủy 15 tấn rác/ngày. Thế nhưng, nhà máy xử lý rác này đang bị ngập ngụa trong rác khi chỉ tiêu hủy được 1,5-2 tấn/ngày.
Giá như, chính quyền huyện Lý Sơn biết học hỏi, tuyên truyền và siết chặt việc sử dụng túi nilon và các vật dụng từ nhựa như cách mà xã đảo Cù Lao Chàm đã làm thì việc ô nhiễm rác thải ở hòn đảo này sẽ được hạn chế trông thấy.
Cũng cần thấy rằng, sau khi có điện, người dân Lý Sơn đổ xô xây nhà nghỉ, khách sạn và các cơ sở dịch vụ. Tuy nhiên, nếu không có cách giữ nhịp ổn định thì việc không phát huy hiệu quả và dư thừa cơ sở lưu trú sẽ xảy ra. Chính cán bộ phòng Văn hóa huyện này đã ta thán với chúng tôi rằng, nhiều người dân xây nhà nghỉ mới rồi ra bến cảng chèo kéo khách về nghỉ; việc này đã dẹp nhiều nhưng vẫn xuất hiện, mà nếu có xử phạt cũng không nỡ vì quen biết nhau trên đảo cả, mà người ta xây nhà nghỉ ra rồi thì cũng để họ có chút kinh doanh. Thống kê của huyện này, năm 2015, có 95.000 lượt khách, chủ yếu là trong nước đến Lý Sơn.
Cuoc tro minh cua dao Ly Son-hinh-anh-5
Taxi có mặt khắp Lý Sơn- Ảnh: Lê Đình Dũng. 
Mong rằng, với vị trí quan trọng của mình, những người lãnh đạo ở Lý Sơn cũng như tỉnh Quảng Ngãi sẽ quy hoạch và định hướng phát triển một cách bền vững trong cuộc trở mình của đảo Lý Sơn. Hãy biến Lý Sơn thành một thiên đường xanh, một hòn đảo du lịch hấp dẫn ở tiền tiêu của tổ quốc trên biển cả.
Lý Sơn là đảo tiền tiêu có vị trí trọng yếu trên tuyến đường biển Việt Nam với diện tích khoảng 10km2, cách đất liền 15 hải lý, cách đường hàng hải quốc tế 90 hải lý, cách đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa) khoảng 121 hải lý, cách đảo Trường Sa khoảng 445 hải lý.
Trong Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn soạn năm 1776 có ghi: “Bên ngoài cửa biển xã An Vĩnh huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi có ngọn núi tên là Cù Lao Ré rộng hơn 30 dặm. Trước đây có dân phường Tứ Chính ở đây cày ruộng trồng đậu. Từ đất liền đi ra biển chừng 4 canh giờ là đến. Bên ngoài khu đảo này lại có khu đảo Đại Trường Sa, trước đây có nhiều hải sản và hàng hóa tàu thuyền. Nhà nước cho lập đội Hoàng Sa để đi thu lượm. Từ đất liền đi ra biển chừng 3 ngày là đến, ở đây gần với xứ Bắc Hải…".
(còn tiếp)
Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc trở mình của đảo Lý Sơn