Cuốn sách Anchor truyền tải thông điệp rằng điều quan trọng con người cần làm là phát triển khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu và sử dụng trí tuệ để biết rõ những hậu quả mà chúng ta có thể né tránh được.
Nhà khoa học nói gì về triết lý nhân quả
Tác giả Nguyên Phong (Vũ Văn Du) du học ở Mỹ từ năm 1968, tốt nghiệp cao học Sinh vật học, Điện toán. Ông từng là Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing của Mỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Đại học Carnegie Mellon. Ông được mọi người biết tới là giáo sư John Vu từng giảng dạy ở nhiều trường đại học trên thế giới.
Nguyên Phong là tác giả của bộ sách văn hóa tâm linh được dịch, viết phóng tác từ trải nghiệm, tiềm thức và quá trình nghiên cứu, khám phá các giá trị tinh thần Đông phương.
Một nhà khoa học nói về đời sống tâm linh như nghiệp báo, nhân quả. Tác giả Nguyễn Phong cũng từng rất ái ngại vì: "một người nổi tiếng như phi hành gia Edgar Mitchell khi đề xướng việc nghiên cứu các hiện tượng tâm linh, các quy luật vũ trụ ẩn tàng trong thiên nhiên, sự hiện hữu sinh vật ngoài hành tinh, sự tương quan giữa vũ trụ và con người mà còn bị dư luận truyền thông chỉ trích thì mấy ai tin được chuyện về tiền kiếp, hay luân hồi?
Nhưng rồi, ông quyết định cho ra đời cuốn sách "Muôn kiếp nhân sinh" vì ông nhận ra sâu sắc một điều "Tương lai mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi Quốc gia và hành tinh này sẽ ra sao trong thời gian tới là tùy thuộc vào thái độ ứng xử, nhìn nhận và thức tỉnh của từng cá nhân, từng tổ chức, từng Quốc giá đó. Nhân quả đừng để thấy mới tin. Nhân quả là bảng chỉ đường, hướng con người về thiện lương.
"Muôn kiếp nhân sinh" kể các câu chuyện về trải nghiệm tiền kiếp của một nhà tài chính nổi tiếng với tên gọi ẩn danh là Thomas. Xuyên qua thời đại Atlantis hùng mạnh, đến thời đại Ai Cập huyền bí, ... rồi về cuộc sống hiện đại.
Mạch chuyện kể xen lẫn không gian và thời gian được tác giả viết theo dòng lịch sử và "văn học hóa" một số chi tiết.
Nhiều nhà phê bình đã đánh giá cao "Muôn kiếp nhân sinh" vì cho rằng đây là tác phẩm triết lý xen lẫn kiến thức uyên thâm về tôn giáo, lịch sử, khoa học hiện đại. Đồng thời là một cuốn sách lôi cuốn, chuyển tải những thông điệp quan trọng thông qua những câu chuyện hấp dẫn.
"Muôn kiếp nhân sinh" còn là một cuốn bách khoa toàn thư với khối lượng kiến thức đồ sộ của hai triều đại lịch sử kỳ bí nhất hiện nay mà nhiều nhà khoa học còn tranh cãi và mải mê khám phá: Atlantis và Ai Cập. Tác giả cho rằng thế hệ con người hiện đại nên nghiên cứu những điều cổ xưa để cứu vãn tương lai. Bài học về sự suy tàn, diệt vong của hai triều đại đã từng hưng thịnh có thể ứng với cuộc sống hiện đại. Khi con người càng ngày càng cảm nhận rõ thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh, ... càng trở nên nghiêm trọng.
Gieo nhân nào gặt quả đó
Trước khi Atlantis bị nhấn chìm dưới đáy biển sâu, nền văn minh rực rỡ Ai Cập suy tàn, ... tác giả và ông Thomas đều nhận ra những dấu hiệu chung. "Trong cuối giai đoạn mỗi chu kỳ, thiên tai xảy ra mỗi ngày một khốc liệt như động đất, núi lửa, sóng thần, ... tiếp đến là sâu bọ phá hoại mùa màng gây ra nạn đói khắp nơi, rồi các đại dịch bệnh cũng theo chu kỳ bùng phát, lúc đầu chỉ ở vài nơi nhưng sau sẽ lan ra khắp thế giới và mỗi ngày một trầm trọng, ghê gớm hơn trước".
Thomas tâm sự với tác giả rằng: "Trong sự tiến bộ lại ẩn chứa mầm mống của tai họa không ai ngờ đến. Việc phát minh ra thuốc súng đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh khốc liệt. Sự tiến bộ khoa học về nguyên tử đưa ra thảm họa chiến tranh hạt nhân,..". Hay sự ra đời của chiếc điện thoại thông minh, trên phương diện công nghệ thì đó là một phát minh tuyệt vời nhưng hệ quả cũng tồi tệ không kém. Thomas cho rằng có những đứa trẻ quên ăn, quên ngủ và sống trong thế giới "ảo" này. Do đó chúng không thể trưởng thành, không có trách nhiệm với thế giới xung quanh, trở nên dửng dưng vô cảm vì đầu chúng bị thôi miên rồi.
Chính tác giả cũng cay đắng nhận ra học trò của mình cũng không còn chăm chỉ như trước. Nhiều người đến lớp vẫn bị xao nhãng, dù được nhắc nhở tập trung bài học nhưng rồi cũng lén lút nhắn tin cho nhau, đọc những tin tức trên chiếc điện thoai, đầu óc của họ đã vượt khỏi tầm kiểm soát bởi những tin tức trong chiếc điện điện thoại.
Tác giả và ông Thomas không có ý lên án công nghệ. Chỉ muốn thông qua câu chuyện trong cuốn sách này, truyền tải thông điệp rằng điều quan trọng con người cần làm là phát triển khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu và sử dụng trí tuệ để biết rõ những hậu quả mà chúng ta có thể né tránh được.
Nếu không ý thức rõ ngay từ lúc này, sự thông minh của chúng ta sẽ dần thay thế bởi những hiện tượng tâm thức "máy móc" mà chúng ta cho là tiến bộ. Chúng ta phải phân biệt giữa bộ óc thông minh và trí tuệ nội tại. Như trong cuốn sách, thời đại Atlantis đã phát triển được những thành tựu văn minh vượt hẳn ngày nay nhưng về nhận thức, con người sống trong thời đại đó vẫn u mê trong bạo lực, ích kỷ, vô cảm và thù hận, sau cùng diệt vong theo quy luật nhân quả.
Thông minh mà thiếu trí tuệ sẽ đưa con người vào những nhận xét mê lầm. Khi đó con người trở thành những cỗ máy, những xác sống. Bộ óc không biết suy nghĩ sẽ dễ dàng bị kiểm soát để làm những việc phi nhân tính. Nhân quả không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng tâm linh mà nó dần hình thành hệ quả chân lý tương tự như trong định luật vật lý "Bất cứ một lực tác động nào cũng đều có phản lực tương ứng".
Đọc xong cuốn sách, mỗi người lại có những trải nghiệm khác nhau nhưng đều hiểu sâu sắc một điều: Bất cứ một hành động nào cũng tạo ra một nhân, và đã có nhân thì ắt có quả. Đó là quy luật vũ trụ". Và muốn gặt quả ngọt trong tương lai, chắc chắn hôm nay phải gieo nhân tốt lành.
Trí Việt