Elon Musk đã từ chối thẳng thừng lời đề nghị điều hành Twitter của John Legere, cựu CEO nhà mạng T-Mobile.
Điều hành T-Mobile trong 7 năm trước khi rời công ty vào năm 2020, John Legere tweet rằng Elon Musk có thể hỗ trợ sản phẩm và công nghệ, trong khi ông quản lý công việc kinh doanh hàng ngày.
"Tôi đắt giá nhưng những gì bạn trả cho Twitter cũng vậy", John Legere tweet.
"Không", Elon Musk trả lời, trước khi tiếp lời bằng cách cho rằng "cốt lõi của Twitter là công ty phần mềm & máy chủ và công nghệ cần phải phát triển nhanh chóng, đòi hỏi một nhà công nghệ".
Sau khi bị từ chối, John Legere đề nghị Elon Musk “vui lòng xem xét lời khuyên miễn phí" của ông.
"Tôi tin rằng Twitter có thể là thị trường cho tự do ngôn luận minh bạch và một công ty tăng trưởng có lợi nhuận. Điều đó sẽ đòi hỏi tầm nhìn mà còn cả sự lãnh đạo và quản lý", John Legere tweet.
Elon Musk hoàn tất thỏa thuận mua lại Twitter với giá 44 tỉ USD hôm 28.10 và ngay lập tức sa thải cựu Giám đốc điều hành Parag Agrawal, Giám đốc tài chính Ned Segal, Giám đốc chính sách Vijaya Gadde.
Hàng loạt giám đốc khác đã rời khỏi Twitter những ngày gần đây, bao gồm cả Yoel Roth, cựu giám đốc phụ trách sự tin cậy và an toàn của nền tảng.
Elon Musk cũng đưa ra những thay đổi khác, trình làng dịch vụ cao cấp được cải tiến, trong đó người dùng có thể trả 8 USD/tháng để nhận dấu tick màu xanh đã được xác minh và các lợi ích khác.
Dịch vụ đó đã tạm thời ngoại tuyến vào cuối tuần qua khi Twitter xử lý số lượng lớn tài khoản mạo danh, bao gồm Eli Lilly & Co, Nintendo, Lockheed Martin và những hãng khác.
Twitter phải vật lộn với các tài khoản mạo danh kể từ khi cho phép những người đăng ký trả tiền có dấu tick màu xanh lam đã được xác minh.
Một tài khoản tự xưng là Nintendo Inc đã đăng hình ảnh Super Mario giơ ngón tay giữa, trong khi tài khoản khác đóng giả gã khổng lồ dược phẩm Eli Lilly & Co tweet rằng insulin hiện được cung cấp miễn phí, buộc công ty này phải đưa ra lời xin lỗi.
Một tài khoản giả mạo Tesla với mục đích nói đùa về hồ sơ an toàn của nhà sản xuất ô tô điện.
Elon Musk nói rằng dịch vụ có thể sẽ "hoạt động trở lại vào cuối tuần này".
Trước đó, Elon Musk đã đưa ra một số lời khuyên cho các CEO (giám đốc điều hành) khác là hãy tweet nhiều hơn.
Elon Musk cho biết trong cuộc họp công khai với các nhà quảng cáo trên tính năng Twitter Spaces: “Tôi sẽ khuyến khích các CEO cùng CMO (giám đốc tiếp thị) thương hiệu hoạt động tích cực hơn trên hệ thống. Tôi sẽ khuyến khích mọi người mạo hiểm hơn, đó chắc chắn là những gì tôi đã làm trên Twitter với Tesla, bản thân tôi, SpaceX và nó đã diễn ra khá tốt".
Elon Musk đã tạo ra một thứ gì đó mang thương hiệu cho riêng mình trên Twitter, dễ dàng trở thành một trong những CEO nổi tiếng và dễ nhận biết nhất trên mạng. Ông nổi tiếng với việc đăng meme, những trò đùa cợt nhả và thậm chí có một vài mối thù trên Twitter.
Ngoài ra, Elon Musk thường đóng vai trò là người phát ngôn duy nhất cho Tesla, SpaceX và bây giờ là Twitter. Ông ấy thông báo về các vụ phóng tên lửa, cập nhật phần mềm Tesla và các tính năng mới của Twitter gần như hàng ngày.
Elon Musk đã giải thể bộ phận quan hệ công chúng của Tesla từ nhiều năm trước và sa thải hầu hết thành viên trong đội đại diện cho Twitter chỉ vài ngày sau khi tiếp quản công ty truyền thông xã hội.
Chuyên gia truyền thông xã hội Matt Navarra nói rằng Elon Musk đã phát hiện ra một cách để tạo ra nhiều sự phủ sóng miễn phí trên phương tiện truyền thông miễn phí từ việc trở thành "nhân vật lớn trên mạng", nhưng có những dấu hiệu cho thấy phong cách của ông trên mạng xã hội có thể gây rắc rối với Twitter.
David Cohen, Giám đốc điều hành Cục quảng cáo tương tác, đã hỏi Elon Musk rằng các nhà tiếp thị nên nghĩ thế nào về thương hiệu cá nhân của tỷ phú 51 tuổi người Mỹ và nó có thể tác động đến hình ảnh Twitter như thế nào.
Chỉ trong tuần này, Elon Musk đã tweet hình ảnh một người lính Đức Quốc xã, ví dụ về tweet mà các thương hiệu có thể muốn tránh quảng cáo bên cạnh.
Sự hiện diện của Elon Musk trên mạng xã hội đã gây ra nhiều vấn đề cho Tesla trong quá khứ. Đáng chú ý nhất, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã buộc tội Elon Musk vào năm 2018 về tội gian lận sau khi ông tweet rằng sẽ đưa Tesla trở thành công ty tư nhân, với "nguồn vốn được bảo đảm". Elon Musk sau đó buộc phải nộp phạt 20 triệu USD và bị tước bỏ vai trò chủ tịch tại Tesla.
Tesla cũng được yêu cầu trả thêm 20 triệu USD và SEC đã ra lệnh cho nhà sản xuất ô tô điện giám sát các hoạt động liên lạc công khai trong tương lai của Elon Musk. Kể từ đó, tỷ phú giàu nhất thế giới đã cố gắng kháng cáo vụ dàn xếp và phải đối mặt với một cuộc điều tra khác của SEC liên quan đến dòng tweet hỏi những người theo dõi vào năm ngoái rằng liệu ông có nên bán 10% cổ phần Tesla không.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng việc đăng bài trên mạng xã hội là quá rủi ro với hầu hết các CEO.
Gerard Filitti, cố vấn cấp cao tại The Lawfare Project (tổ chức tư vấn pháp lý và quỹ kiện tụng phi lợi nhuận quốc tế có trụ sở tại thành phố New York, Mỹ), nói dòng tweet có thể gây thiệt hại cho các công ty theo nhiều cách, từ xúc phạm khách hàng đến đe dọa công đoàn hoặc khởi động các cuộc điều tra theo quy định.
Anat Alon-Beck, giáo sư luật kinh doanh tại Đại học Case Western Reserve, nói những bình luận của các giám đốc điều hành trên mạng xã hội cũng có thể không truyền tải được đến các thế hệ trẻ với những giá trị và thế giới quan khác nhau.
"Mối nguy hiểm của mạng xã hội là quá tức thời và cảm thấy giống như một cuộc trò chuyện, đến nỗi ai cũng dễ dàng nói ra những điều thiếu suy xét", Ann Lipton, giáo sư luật kinh doanh tại Đại học Tulane, cho biết.
Elon Musk không phải là giám đốc điều hành duy nhất gây bất bình vì những tuyên bố công khai. Đầu năm nay, John Mackey, Giám đốc điều hành Whole Foods Market, cho biết ông đã tự "bóp nghẹt" bản thân 13 năm sau khi bình luận của ông trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh năm 2009 so sánh Obamacare với chủ nghĩa phát xít gây ra lời kêu gọi tẩy chay Whole Foods Market.
Whole Foods Market là chuỗi siêu thị của Mỹ chuyên bán các sản phẩm không chứa chất béo hydro hóa và màu nhân tạo, hương liệu, chất bảo quản, chất làm ngọt.
Bỏ rủi ro sang một bên, hầu hết giám đốc điều hành sẽ phải vật lộn để xây dựng loại hình thương hiệu thông qua tweet mà Elon Musk đã thành thạo, theo Erik Gordon - giáo sư luật kinh doanh của Đại học Michigan.
Erik Gordon nói: “Thông điệp của CEO thường được tạo ra và soạn thảo lại bởi một nhóm quan hệ công chúng, quan hệ nhà đầu tư. Các thông điệp của CEO nghe như thể chúng được viết bằng máy tính".
Vì vậy, dù Elon Musk có thể đã tạo dựng được một lượng người theo dõi khổng lồ bằng những dòng tweet và trò đùa độc đáo của mình, nhưng với hầu hết CEO thì rủi ro của việc tweet có thể là quá lớn.
Cuối tháng 8, công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Elon Musk và nhà mạng T-Mobile (Mỹ) đã hợp tác để có thể phủ sóng các thiết bị di động ở những khu vực hẻo lánh nhất thông qua mạng lưới vệ tinh.
Theo kế hoạch, mạng không dây của T-Mobile sẽ được định tuyến thông qua các vệ tinh Starlink của SpaceX ở quỹ đạo gần Trái đất.T-Mobile cho biết hầu hết smartphone từng kết nối với mạng này sẽ tương thích với dịch vụ mới bằng kết nối radio sẵn có.
SpaceX và T-Mobile đang tìm cách cung cấp dịch vụ nhắn tin, trong đó có SMS, MMS cùng các ứng dụng nhắn tin khác, ở hầu hết nước Mỹ, gồm cả Hawaii, Alaska hay vùng lãnh thổ Puerto Rico và các vùng lãnh hải.
Dự kiến hai công ty này sẽ triển khai giai đoạn thử nghiệm tại một số khu vực được lựa chọn vào cuối năm 2023, cũng như mở rộng thêm dịch vụ cuộc gọi và truy cập internet trong giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, T-Mobile và SpaceX cũng tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các đối tác khác nhằm mở rộng dịch vụ này trên phạm vi toàn cầu.
Elon Musk nhấn mạnh một trong những lợi ích quan trọng mà dịch vụ này mang lại là sóng điện thoại di động được phủ ở mọi nơi trên thế giới, qua đó có thể cứu được những người gặp phải tình huống đe dọa đến tính mạng ở những vùng hẻo lánh.