Sáng 2.6, BSCK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh vừa phẫu thuật thành công một trường hợp gãy cột sống do ngã từ độ cao 5 mét.
Nạn nhân là anh Trần Viễn Th. (SN 1986, ngụ H.Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), vào viện ngày 22.5 sau khi leo dừa bị té từ độ cao khoảng 5 mét. Sau tai nạn, bệnh nhân không thể ngồi dậy được, chân trái không thể cử động được và bị tê rất nhiều. Anh được đưa vào bệnh viện địa phương xử trí ban đầu và được chuyển đến BVĐKTƯCT với chẩn đoán: gãy lún L3 mất vững - dập tủy sống, theo dõi chấn thương bụng - ngực.
Kết quả chụp X-quang ban đầu cho thấy đây là trường hợp gãy nát thân đốt sống L3 có khả năng có mảnh xương vỡ chèn ép thần kinh gây dấu hiệu thần kinh khu trú. Kết quả chụp CT-scan cột sống thắt lưng cho thấy, thân đốt sống L3 gãy vỡ phức tạp với mảnh vỡ lồi về sau chèn ép thần kinh nặng. Đây là dạng gãy mất vững cơ học và mất vững thần kinh. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật giải ép và làm cứng cột sống.
Ngày 30.5, ê kíp phẫu thuật viên ngoại thần kinh đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Các bác sĩ xác định cấu trúc của thân đốt sống vỡ nát không thể cố định đơn thuần như những trường hợp gãy đơn giản. Đồng thời mảnh vỡ chèn vào thần kinh rất nặng nên phải cắt bỏ phần mảnh vỡ nửa trên thân đốt sống. Giải pháp này vừa để giải ép thần kinh triệt để đồng thời thay phần đốt sống đã vỡ bằng thân đốt sống nhân tạo bằng titanium để phục hồi chiều cao đã mất và làm vững lại cột sống.
Sau đó, các bác sĩ sẽ dùng chính xương tự thân của đốt sống đã vỡ làm xương ghép để tạo thuận lợi cho sự hàn xương xảy ra. Sau khi giải phóng chèn ép thần kinh, cột sống của người bệnh sẽ được đặt cố định “bên trong” bằng các vít titanium qua cuống cung từ L1 đến L5. Ca mổ kết thúc sau 4 giờ, mang lại hiệu quả tốt hơn dự kiến.
Hình ảnh cột sống của bệnh nhân trước và sau phẫu thuật- Ảnh: Phong Phạm
Hiện tại hậu phẫu ngày thứ 3, bệnh nhân đã giảm đau lưng nhiều, giảm tê và cử động được chân bên trái, có thể tự ngồi dậy để tập các động tác vật lý trị liệu hỗ trợ. Bệnh nhân là lao động chính trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên bệnh viện và các bác sĩ đã hỗ trợ giúp anh một phần viện phí và toàn bộ chi phí dụng cụ cần thiết cho ca mổ để có thể phẫu thuật sớm cho bệnh nhân .
Theo BSCK2 Chương Chấn Phước - Trưởng khoa Ngoại thần kinh (BVĐKTƯCT): “Có rất nhiều nguyên nhân gây nên chấn thương cột sống. Nguyên nhân hàng đầu là tai nạn giao thông, tai nạn lao động như ngã cao từ trên giàn giáo xuống đất gây vỡ, lún, xẹp đốt sống. Chấn thương cột sống lưng thấp và thắt lưng là thương tổn thường gặp.
Theo thống kê tại Mỹ, tỷ lệ chấn thương cột sống có khoảng từ 25-59/triệu dân/năm. Hậu quả nặng nề nhất của chấn thương cột sống ở đoạn này là gây mất vững cột sống và thương tổn rễ - tủy, dẫn đến liệt 2 chi dưới hoặc các biểu hiện của tổn thương rễ thần kinh”.
Với những trường hợp phức tạp như chèn ép tủy nặng, góc gù nhiều kèm di lệch phức tạp, phẫu thuật thay thân đốt sống nhân tạo giúp giải ép triệt để đồng thời tạo lại độ vững cho cột sống... Đốt sống nhân tạo bằng titan là một thành tựu gần đây của thế giới trong lĩnh vực phẫu thuật cột sống.
Trước đây, để thay thế đốt sống bị nát vụn, các bác sĩ sẽ lấy xương mác, xương sườn... của chính bệnh nhân để thay thế vào, sau đó tiến bộ hơn thì có thêm lồng titan bọc ngoài. Trong khi đó đốt sống nhân tạo gần giống như đốt sống bình thường, có các góc nghiêng phù hợp, có thể điều chỉnh chiều cao cho giống với các đốt sống khác.
Sau ca mổ bệnh nhân sẽ được đeo đai để hỗ trợ thời gian đầu, sau 6 tháng bỏ đai, bệnh nhân có thể đi lại như bình thường. Đốt sống nhân tạo này tương thích với cơ thể người, chắc chắn vì thế có thể tồn tại dài..
Phong Phạm