Ở cuộc giải trình trước Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ ngày 8.6 tới, ông James Comey, cựu sếp FBI sẽ tố cáo Tổng thống Mỹ Donald Trump ‘nhờ bỏ qua’ cuộc điều tra cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ.

Cựu sếp FBI sẽ tố cáo ông Donald Trump ‘nhờ bỏ qua’ cuộc điều tra cố vấn an ninh quốc gia Mỹ

01/06/2017, 18:19

Ở cuộc giải trình trước Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ ngày 8.6 tới, ông James Comey, cựu sếp FBI sẽ tố cáo Tổng thống Mỹ Donald Trump ‘nhờ bỏ qua’ cuộc điều tra cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ.

Tranh minh họa việc Tổng thống Donald Trump sa thải sếp FBI

Theo báo New York Times ngày 31.5, người thân cận của ông Comey nói dự kiến ông Comey sẽ giải trình vào ngày 8.6 tới. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Comey, cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nói chuyện công khai kể từ sau khi bị ông Donald Trump sa thải ngày 9.5.

Đây sẽ là “bài thuốc thử” Nhà Trắng có sẵn sàng hợp tác với cuộc điều tra vụ tai tiếng nhóm tranh cử của ông Donald Trump thông đồng với các quan chức chính phủ Nga, để Nga can thiệp vào kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận: Tin tặc và cỗ máy tuyên truyền của Nga đã can thiệp để kết quả bầu cử tổng thống Mỹ nghiêng về ông Trump, và các nhà điều tra muốn biết có phải người của ông Donald Trump góp tay vào nỗ lực này.

Nga đã phủ nhận các cáo buộc này.

Tài liệu bí mật của sếp FBI là “quả bom hẹn giờ”

Khi còn làm sếp FBI, ông Comey từng bí mật ghi lại những cuộc trao đổi với ông Donald Trump cùng các quan chức cấp cao ở Nhà Trắng, nhằm tư liệu hóa những cuộc nói chuyện này.

Một cựu công tố viên của một cơ quan bảo vệ pháp luật quen biết với ông Comey nói rằng tài liệu bí mật của ông Comey là “bom hẹn giờ”, lưu ý rằng ông tự tay ghi lại các tài liệu này và giữ bản sao của chúng trong văn phòng của ông ở trụ sở FBI, đồng thời lưu cả bản sao đã được số hóa.

Theo New York Times dẫn lời một người được xem tài liệu bí mật của ông Comey, trong một lần nói chuyện hồi tháng 2.2017 ở Phòng Bầu dục, Tổng thống Donald Trump nói: “Tôi hy vọng ông để chuyện này trôi qua”, tức nhờ ông Comey "bỏ qua" vụ điều tra cựu trung tướng Michael Flynn, Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump và là một trong những quan chức Mỹ đã tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Washington hồi năm 2016.

Cuộc nói chuyện ở Phòng Bầu dục giữa Tổng thống Donald Trump và ông Comey diễn ra ngay sau khi tướng Flynn từ chức cố vấn an ninh quốc gia do bị sức ép, vì chuyện tướng Flynn báo cáo không đúng với Phó tổng thống Mỹ Mike Pence về cuộc điện thoại hồi cuối năm 2016 với ông Sergei Kislyak, Đại sứ Nga tại Washington.

New York Times cho biết, trong cuộc điện thoại này, ông Flynn trấn an Đại sứ Kislyak rằng Washington sẽ không gia tăng trừng phạt Nga. Ông còn hứa với nhà ngoại giao rằng một khi ông Donald Trump trúng cử tổng thống, chính phủ Mỹ sẽ xem xét lại chuyện cấm vận Nga.

Một số nghị sĩ Mỹ còn cho rằng ông Trump nỗ lực cản trở cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, bằng cách yêu cầu ông Comey thể hiện sự trung thành, hủy cuộc điều tra. Nhưng vì ông Comey không tuân lệnh nên ông bị tổng thống sa thải. Ông Trump càng gieo thêm nghi ngờ khi công khai chỉ trích cuộc điều tra của FBI, rồi cho các nhà ngoại giao biết vụ sa thải nhằm “tháo cởi sức ép” cho ông Comey.

Tổng thống Mỹ đã phủ nhận rằng ông không hề yêu cầu ông Comey bỏ qua vụ điều tra cố vấn an ninh quốc gia. Ông Donald Trump còn chối không có sự thông đồng nào với Nga, gọi cuộc điều tra là “trò săn phù thủy”.

Sau khi ông Comey bị sa thải, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein cử cựu Giám đốc FBI Robert Muller làm công tố viên đặc biệt để điều hành cuộc điều tra cấp liên bang. Theo người biết chuyện của New York Times, ông Comey đã nói chuyện với người của ông Muller, để bảo đảm lời chứng của ông không tác động đến cuộc điều tra của vị công tố viên đặc biệt.

Các cựu và đương kim quan chức bảo vệ pháp luật Mỹ nói đặc vụ FBI sẽ thẩm vấn nhiều quan chức Nhà Trắng. Và lời giải trình của ông Comey có thể liên quan đến cuộc điều tra của ông Muller.

FBI từ chối nộp các tài liệu bí mật của ông Comey cho Quốc hội Mỹ, viện lý do cuộc điều tra của ông Muller. Nhưng ông Comey đã cho biết ông sẵn sàng công khai làm chứng, và cho đến nay, ông Muller chưa tính đến chuyện bắt ông Comey.

Tướng Flynn (trái) và cố vấn Jared Kushner, con rể Tổng thống Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump có dám dùng Đặc quyền hành pháp?

Người phát ngôn Nhà Trắng không bình luận việc ông Trump có tính ngăn chặn cuộc giải trình của ông Comey hay không. Tổng thống Trump có thể vận dụng Đặc quyền hành pháp để ngăn chặn ông Comey.

Đặc quyền hành pháp là một quyền cho phép Tổng thống Mỹ cùng các quan chức nhánh hành pháp không chấp nhận các trát đòi hoặc những can thiệp của nhánh tư pháp hoặc nhánh lập pháp nhằm tiếp cận thông tin và người liên quan nhánh hành pháp. Đặc quyền hành pháp cho phép Tổng thống Mỹ có quyền cất giữ các tài liệu, không cho Quốc hội Mỹ và các tòa án liên bang xem với lý do vì vấn đề an ninh quốc gia.

Tổng thống Mỹ cũng có quyền không cho quan chức hành pháp ra làm chứng nhằm bảo vệ thông tin. Tổng thống dùng đặc quyền này với lý do các cố vấn của ông phải được tự do đóng góp lời tư vấn mà không sợ bị kiểm duyệt.

Khái niệm Đặc quyền hành pháp không được đưa vào Hiến pháp liên bang Mỹ hoặc trong bất kỳ bộ luật nào, nhưng Tòa án tối cao liên bang phán quyết quyền này là một phần trong nỗ lực tam quyền phân lập. Các tòa án công nhận quyền của tổng thống là giữ bí mật những cuộc nói chuyện của ông nhiều trường hợp.

Đây là một quyết định tế nhị vì có những hậu quả chính trị và hậu quả pháp lý. Giáo sư Mark J. Rozell của Đại học George Mason và là tác giả một cuốn sách về lịch sử Đặc quyền hành pháp, nói: “Nếu họ sử dụng quyền này, về chính trị thì sẽ có vẻ như là có điều gì đó phải che giấu và việc này càng làm khuếch đại tất cả những chỉ trích.

Giáo sư Rozell còn nói Tổng thống Donald Trump đã tự khóa việc vận dụng đặc quyền này, do ông Trump đã liên tục công khai đề cập những cuộc nói chuyện giữa ông với ông Comey: “Bạn làm sao có thể công khai quan điểm của mình, rồi để phản ứng với một cuộc điều tra pháp lý thì lại nói “Xin lỗi, tôi không thể nói chuyện đó?”.

Ông Rozell còn nói ông Trump “không cẩn thận”.

Trung Trực (theo New York Times, The Wall Street Journal)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu sếp FBI sẽ tố cáo ông Donald Trump ‘nhờ bỏ qua’ cuộc điều tra cố vấn an ninh quốc gia Mỹ