Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An vừa cứu sống nữ bệnh nhân 34 tuổi bị bệnh viêm cơ tim cấp biến chứng sốc tim nguy cơ tử vong cao.
Theo Bệnh viện Hữu nghị đa khoa (HNĐK) Nghệ An, ngày 18.4, Khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận bệnh nhân N.T.V.A. (SN 1989) với chẩn đoán sốc chưa rõ nguyên nhân - theo dõi sốc tim.
Khi vào khoa, bệnh nhân V.A. có diễn biến bệnh tiến triển nặng, xuất hiện rối loạn nhịp thất nặng, suy tim tiến triển, huyết áp phụ thuốc vận mạch, trợ tim.
Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết chị V.A. có tiền sử khỏe mạnh, không có bệnh lý nền. Các triệu chứng khởi phát từ năm ngày trước khi nhập viện, biểu hiện ban đầu là sốt nhẹ, đau họng, nổi mụn mủ vùng mặt, sau đó mệt, đau tức ngực tăng dần.
Chị V.A. nhập viện Đa khoa Tây Nam trong tình trạng mệt nhiều, da môi nhợt, kèm đau tức ngực trái, huyết áp thấp, mạch nhanh, tiểu ít. Sau khi được xử trí vận mạch trợ tim, hội chẩn từ xa, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện HNĐK Nghệ An để cấp cứu.
Các bác sĩ nhận định tình trạng bệnh của chị V.A. diễn biến nghiêm trọng, nguy cơ tử vong cao trong những giờ tiếp theo nên đã kích hoạt báo động đỏ, tổ chức hội chẩn toàn viện với chẩn đoán: viêm cơ tim biến chứng sốc tim có rối loạn nhịp thất nặng - suy thận cấp.
Sau hội chẩn, bệnh nhân V.A. được chỉ định ECMO VA "thức tỉnh", lọc máu liên tục, đồng thời sử dụng kháng sinh, kiểm soát HA, chống đông theo ECMO, điều chỉnh điện giải, bilan dịch, dinh dưỡng, bù albumin, truyền khôi hồng cầu, tiểu cầu, hội chẩn liên viện, siêu âm đánh giá chức năng tim.
Sau khi được hỗ trợ ECMO "thức tỉnh" kết hợp lọc máu liên tục, tình trạng huyết động của bệnh nhân V.A. được cải thiện tốt, ngừng được thuốc vận mạch, trợ tim sau 1 ngày.
Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được chỉ định ngừng ECMO VA, chức năng tim, thận của bệnh nhân đã hồi phục tốt, hô hấp ổn định và đủ điều kiện ra viện .
Bác sĩ Trần Phương, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết, đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn. Với nguyên lý hoạt động tương tự như một máy tim phổi nhân tạo, ECMO (Extracorporeal Membrane Oxygenation - phương pháp điều trị sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể) sẽ giúp duy trì sự sống cho người bệnh, đồng thời tạo thời gian cho tim được nghỉ ngơi và hồi phục, đồng thời bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình chạy ECMO.
ECMO là phương pháp điều trị tiên tiến, hiện đại, cứu sống các bệnh nhân nguy kịch như viêm cơ tim cấp biến chứng sốc tim, viêm phổi ARDS nguy kịch… Tuy nhiên, ECMO là biện pháp hỗ trợ cơ học xâm lấn, phải can thiệp vào mạch máu lớn nên dễ xảy ra những biến chứng trong quá trình can thiệp.
Các biến chứng thường gặp như thiếu máu, tan máu, giảm tiểu cầu, nhiễm trùng huyết, huyết khối, phù phổi cấp, thiếu máu chi dưới bên đặt đường vào động mạch của máy ECMO... Biến chứng thiếu máu chi có thể dẫn tới nguy cơ cắt cụt chi.
ECMO "thức tỉnh" giúp bác sĩ phát hiện sớm biến chứng này và có biện pháp can thiệp kịp thời cho bệnh nhân, rút ngắn thời gian hồi phục. Ngoài ra, khi thực hiện ECMO thức tỉnh, bệnh nhân không phải thở máy xâm nhập, không phải dùng các thuốc an thần nên sẽ hạn chế tối đa các biến chứng do thở máy gây ra như viêm phổi thở máy, chấn thương áp lực do thở máy, xẹp phổi, stress…