Sau khi nhau tiền đạo bám vào vết mổ lấy thai cũ và bị cài răng lược trên vết mổ cũ thì chị L. mới được các bác sĩ phát hiện. Điều này khiến cho sản phụ sẽ mất một lượng máu lớn và khả năng tử vong cao trên bàn mổ để bắt con.

Cứu sống sản phụ bị nhau cài răng lược bằng kỹ thuật mới

30/09/2019, 20:31

Sau khi nhau tiền đạo bám vào vết mổ lấy thai cũ và bị cài răng lược trên vết mổ cũ thì chị L. mới được các bác sĩ phát hiện. Điều này khiến cho sản phụ sẽ mất một lượng máu lớn và khả năng tử vong cao trên bàn mổ để bắt con.

Sản phụ L.T.X.L.đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Ảnh: N.P

Chiều 30.9, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay vừa phẫu thuật cứu sống thành công mẹ con sản phụ bị nhau cài răng lược phức tạp bằng kỹ thuật chèn bóng ở động mạch chậu. Đây là một kỹ thuật lần đầu tiên bệnh viện áp dụng cho việc mổ bắt con.

Theo người nhà sản phụ L.T.X.L.(35 tuổi, ngụ Bạc Liêu), sản phụ này từng mổ bắt con 2 lần. Trong lần mang thai thứ 3 này, khi thai nhi ở tuần thứ 29. chị L. đi khám thì phát hiện nhau tiền đạo bám vào vết mổ lấy thai cũ có khả năng cài răng lược trên vết mổ cũ. Do đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để theo dõi.

ThS.BS Lê Thị Kiều Dung – Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, chị L. được theo dõi đến tuần thừ 35 thì phát hiện nhau đã xâm lấn đến bàng quang, thai phụ bị đau trằn rất khó chịu. Gần đến tuần thứ 36, đánh giá khả năng sống sau sinh của thai nhi tốt, các bác sĩ quyết định phối hợp liên chuyên khoa để phẫu thuật mổ bắt con, và dự kiến phải cắt bỏ tử cung để bảo tồn tính mạng cho sản phụ. Các bác sĩ hội chẩn và quyết định sử dụng kỹ thuật chèn bóng vào động mạch chậu trong để mổ bắt con nhằm giảm lượng mất máu, giảm thiểu rủi ro cho sản phụ.

Tuy nhiên, TS.BS Võ Tấn Đức – Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết việc thực hiện kỹ thuật này đặt ra rất nhiều thách thức cho ê kíp phẫu thuật, vì phải chèn bóng vào thời điểm nào để không ảnh hưởng đến thai nhi. Mặt khác, thời gian giữa 2 quá trình mổ lấy thai và cắt tử cung chỉ cho phép giới hạn trong khoảng 15-20 phút; càng kéo dài, khả năng mất máu càng nhiều, càng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh

Do đó, ngay trước ngày phẫu thuật, khoa tiết niệu đã bắt đầu soi bàng quang và đặt ống thông vào niệu quản, định vị cơ quan này để tránh làm tổn thương trong lúc mổ.

Trong quá trình phẫu thuật mổ bắt con, các bác sĩ khoa phụ sản được sự phối hợp của bác sĩ gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh đã tiến hành mổ mổ bắt con nhanh chóng và nhẹ nhàng. Ngay lập tức, nhóm bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tiếp tục chèn bóng vào động mạch chậu trong, giúp nhóm phẫu thuật viên sản khoa trở lại sau đó cắt tử cung an toàn. Trước khi kết thúc phẫu thuật, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh rút bỏ bóng chèn và kiểm soát chảy máu.

“Rất may mắn cuối cùng các bác sĩ đã mổ bắt được cháu bé ra ngoài khỏe mạnh, còn sản phụ chỉ mất một lượng máu rất ít so với phẫu thuật thông thường, hồi phục nhanh chóng, không ghi nhận thiếu máu hay bất kỳ biến chứng nào. Vài ngày sau phẫu thuật, cả mẹ và bé đều được xuất viện trở về quê nhà”, bác sĩ Đức cho biết.

"Nếu không áp dụng kỹ thuật chèn bóng ở động mạch chậu thì sản phụ đứng trước nguy cơ mất máu nhiều, rủi ro cao trong quá trình phẫu thuật, thậm chí có thể tử vong. Vì đây là cuộc mổ lớn, dự đoán thời gian mổ kéo dài sẽ làm gia tăng lượng máu mất, gây biến chứng hậu phẫu.”, bác sĩ Đức cho biết thêm.

Theo ThS.BS Lê Thị Kiều Dung sản phụ sinh mổ nhiều lần, sinh nhiều, có tiền căn nạo phá thai nhiều lần… có nguy cơ nhau cài răng lược rất cao. Do đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc tự ý lựa chọn ngả sinh con mà không theo chỉ định y khoa phù hợp. Bên cạnh đó, thai phụ nên đi khám sớm để kịp thời phát hiện và có phương án điều trị thích hợp, tránh trường hợp đặt tính mạng của cả mẹ và con trước nhiều thử thách.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cứu sống sản phụ bị nhau cài răng lược bằng kỹ thuật mới