“Gần như tất cả điểm nóng môi trường hiện nay đều xuất phát từ quy hoạch không có dự báo”, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng thừa nhận trước HĐND thành phố tại phiên chất vấn vừa diễn ra.
Đợt ngập lụt lịch sử ngày 10.12 đang làm toàn thành phố Đà Nẵng giật mình thức tỉnh về sự mong manh của hệ thống thoát nước.
Hệ thống thoát nước triệu USD đang lạc hậu
Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng cho biết từ trước đến nay, thành phố đã được đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ để phục vụ việc này. Ví dụ, dự án thoát nước vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 1998 - 2008 được đầu tư khoảng 15 triệu đô, dự án hạ tầng ưu tiên giai đoạn 2008 - 2013 đầu tư khoảng 70 triệu đô, dự án phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2019 khoảng 143 triệu đô. Tổng kinh phí là trên 5.200 tỉ từ trước đến nay để phục vụ việc thoát nước cho thành phố, với nhiều tuyến cống thoát nước chủ lực hoàn thành như ven sông Hàn, ven biển, ven hồ và dọc các trục đường chính như Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Hải Phòng…
“Hệ thống này trong nhiều năm đã cơ bản thoát nước tốt cho thành phố, đặc biệt là các khu vực ngập úng truyền thống. Tuy nhiên, qua giám sát xét thấy hệ thống thoát nước của thành phố đã có biểu hiện lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển của đô thị, nhiều tuyến chưa phát huy tác dụng, khả năng đáp ứng trước thời tiết cực đoan như đợt ngập lịch sử vừa qua”, ông Tiến cho hay.
Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng tiết lộ, đợt mưa ngập ngày 10.12 vừa rồi ông có đi kiểm tra thì thấy tình trạng chỗ có bơm thì không ngập nước, chỗ ngập nước thì không có máy bơm.
“Việc này cho thấy tính đồng bộ chưa đảm bảo. Và đáng nghĩ hơn là bài toán muôn thuở của chúng ta, mùa nắng thì xách ra làm thủ tục, mà mùa mưa thì ra thi công. Rồi việc nạo vét cũng có vấn đề, đề nghị UBND thành phố xem lại. Một năm thành phố chi ra 82 tỉ, năm 2018 chi 85 tỉ cho công tác nạo vét nhưng không hiệu quả. Đề nghị kiểm tra xem có hiệu quả hay không, có nạo vét hết không?Bây giờ cứ thấy mùi hôi, có con muỗi bay lên là bịt hết các hố ga, vậy thì nước thoát đi đâu được”, ông nói.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cũng thừa nhận: “Một ngày thành phố thải ra hơn 200 ngàn m3 nước thải. Trong lúchiện nay chỉ có 4 nhà máy xử lý nước thải với công suất khoảng 150 ngàn m3/ ngày đêm. Riêng khu vực biển có 1.245 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong khi đó chỉ có 45 đơn vị, cơ sở được cấp đánh gia tác động môi trường; 201 cơ sở kinh doanh có giấy phép đấu nối; còn lại đều không có sự giám sát.
Trong khi đó, về hệ thống thu gom, tuyến ống đầu tư năm 2008 chỉ có đường kính từ 250 - 800mm và có 20 cửa xả ra biển. Điều đó cho thấy với năng lực thu gom nước thải hiện nay thì chắc chắn nước thải sẽ tràn ra biển, đặc biệt là vào những cơn mưa đầu mùa”.
Đà Nẵng ngập nước, tồn ứ rác thải đang là nỗi lo của một đô thị hướng tới danh hiệu môi trường.
Về rác, ông Hùng thống kê: “Bình quân một ngày thành phố thải ra khoảng 900 tấn rác, theo tính toán đến năm 2025 sẽ là 1.800 tấn. Riêng trên quận Hải Châu hiện nay tồn tại hơn 20 quán trà sữa; bình quân một tháng các quán này thải ra khoảng hơn 100m3 rác từ ly nhựa đến ống hút. Bãi rác Khánh Sơn đến nay chứa đến 2,7 triệu tấn rác. Chi phí xử lý rác theo tính toán là 37USD//1 tấn. Có nghĩa rằng với số lượng rác hiện nay thải ra thì bình quân 1 năm thành phố phải tiêu tốn hơn 300 tỉ đồng cho vấn đề xử lý rác
“Bãi biển Đà Nẵng được mệnh danh là đẹp nhất hành tinh, nhưng sau trận mưa lũ vừa qua cũng tràn ngập rác. Qua thu gom và phân loại cho thấy rác phần lớn là từ rác sinh hoạt, vật liệu sử dụng trong gia đình như chăn, chiếu, mùng, mền…đều bị cuốn ra qua các cửa xả ra biển”.
Cũng nhận định về nguyên nhân làm Đà Nẵng ngày càng ngập lụt, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm - nguyên Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.Đà Nẵng cho rằng chủ yếu là do quy hoạch và con người.
Ông Diệm cho rằng Đà Nẵng cho phát triển nóng quá, nhiều khu đô thị lấy hết đất ruộng ở vùng phía nam, nơi vốn dĩ là vùng chứa tự nhiên mỗi khi có lũ về. Do đồng ruộng bị lấp, chủ đầu tư san lấp cao hơn vùng đô thị cũ nên ngập nước là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, kiến trúc sư cũng cho rằng vấn đề nhận thức con người cũng là nguyên nhân gây nên ngập lụt như không tổ chức nạo vét cống rãnh. Một số dự án đào thi công, nạo vét không khơi thông dòng chảy, một số trạm bơm không hoạt động… Ý thức người dân còn kém, nên ném rác, đổ xà bần khắp các mương, cống.
Chưa dự báo được sự phát triển của đô thị
Thừa nhận về yếu kém trong việc xử lý môi trường hiện nay, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng nói: “Xin bà con cử tri chia sẻ là trong quá trình phát triển nhanh nên còn nhiều bất cập. Trách nhiệm của thành phố cần rà soát lại quy hoạch nước thải và phải phân kỳ để đầu tư có hiệu quả, đồng bộ. Đặc biệt là chú ý giải pháp chống ngập”.
Phân tích rõ hơn về nguyên nhân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Thành Tiến chỉ ra rất nhiều vấn đề bất cập của đô thị lớn nhất miền Trung này.
Theo ông Tiến, nguyên nhân ban đầu có thể thấy được là do tính toán quy hoạch thoát nước của thành phố chưa dự báo hết được khả năng ứng phó với điều kiện thời tiết biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay; chưa dự báo được sự phát triển của đô thị.
Rác thải tràn ngập bờ biển Nguyễn Tất Thành vào năm 2017.
Quá trình phát triển đô thị đã làm giảm đi số lượng hồ điều tiết tự nhiên trong thành phố, từ 42 hồ còn 32 hồ, tương đương với diện tích hồ còn khoảng gần 200 hecta với dung tích chưa khoảng 3,5 triệu m3.
Thứ ba là không thực hiện công tác duy tu, nạo vét trong thời gian dài; đồng thời chưa kiểm soát tốt tình trạng xả thải nước ngầm lẫn bùn đất của các công trình thi công. Chưa có biện pháp hạn chế xả thải của nhiều dự án lớn gây quá tải hạ tầng lên hệ thống thoát nước của đô thị.
“Hiện nay công tác quản lý, công tác dự báo có vấn đề. Nếu chúng ta có dự báo tốt thì sẽ sẵn sàng ứng phó với thời tiết cực đoan hơn. Gần như tất cả điểm nóng môi trường hiện nay đều xuất phát từ quy hoạch không có dự báo”, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng thừa nhận. Ông còn nói rằng chính ông "cũng bất ngờ"là tất cả các thông tin cảnh báo, phát hiện sự cố ô nhiễm đều do người dân,trong khi thành phố có cả một hệ thống chính trị, có HĐND các cấp và các địa phương giám sát.
Bắt đầu từ quy hoạch và nhận thức
Để giải quyết căn cơ vấn đề thoát nước đô thị Đà Nẵng, ông Nguyễn Thành Tiến đề nghị cần rà soát đánh giá lại tổng thể quy hoạch hệ thống thoát nước của thành phố, qua đó nhận diện những khu vực yếu thế, những khu vực phát triển tập trung đô thị để cập nhật, bổ sung, tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố sắp tới. Trên cơ sở quy hoạch, tính toán, nâng cấp các tuyến cống hiện trạng và đầu tư tuyến cống mới đảm bảo năng lực thoát nước cho phù hợp.
Đối với khu vực trung tâm cũ như Hải Châu, Thanh Khê, ông Tiến cho rằng cần tiếp tục đầu tư để khớp nối hệ thống thoát nước hiện có nhằm tăng khả năng chia sẻ thoát nước,mở rộng tiết diện một số tuyến cống chính như tuyến đường Hùng Vương, Ông Ích Khiêm, Hải Phòng, Đống Đa, Phần Lăng…để đảm bảo tăng thêm dung tích chứa của các tuyến này và thông thoáng cho hệ thống thoát nước.
Ông Tiến cũng đề nghị đối với các khu đô thị mới, cần quy định cụ thể về diện tích hồ điều tiết để giải quyết bài toán thoát nước ở gần khu dân cư.
Ngoài ra, thành phố cần xây dựng kế hoạch duy tu, nạo vét định kỳ cho hệ thống thoát nước hiện trạng,kiểm soát nghiêm việc xả thải, thi công phần móng của các công trình xây dựng, có lộ trình thay thế đồng bộ các cửa thu nước kết hợp với công tác tuyên truyền để bảo vệ không cho rác thải lọt vào cống gây tắc nghẽn cục bộ.
Theo KTS Hồ DuyDiệm, nếu không thay đổi từ bây giờ, tương lai Đà Nẵng sẽ còn ngập kéo dài như hiện nay. Đà Nẵng cần điều chỉnh lại quy hoạch, không chỉ là điều chỉnh về thoát nước mà còn phải điều chỉnh nhiều vấn đề khác, trong đó có việc quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị. Ông Diệm cho rằng, hiện TP.Đà Nẵng triển khai rầm rộ các khu đô thị sinh thái nhưng thực tế là… dỏm. “Quy hoạch sinh thái là phải có cây xanh nhiều, hồ chứa nước nhiều, công trình công cộng nhiều và nhà ở ít. Nhưng thực tế, anh chia lô bán nền, hình thành các khu đô thị dày đặc nhà ở và không có các hồ điều tiết nước thì sẽ tiếp tục ngập thôi”.
Còn Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng bắt đầu từ nhận thức. “Với nhận thức hiện nay người dân luôn cho rằng xử lý môi trường thuộc về cơ quan chức năng là chưa đầy đủ mà người dân phải xem đây là trách nhiệm của mình”.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng
Về giải pháp về mặt kỹ thuật, ông Hùngcũng thông tin, đầu năm 2019 thành phố sẽ triển khai phân loại rác tại nguồn, trong vòng 3 tháng phải triển khai đồng loạt toàn thành phố.
“Cần thiết, thành phố cần ra một quyết nghị riêng về công tác bảo vệ môi trường ngoài hệ thống quy chuẩn hiện nay mà quốc gia ban hành”, ông Hùng đề nghị.
“Cuối cùng, giải pháp cực kỳ quan trọng, đó là việc giám sát. Hiện HĐND thành phố đã thông qua triển khai hệ thống quan trắc tự động, tôi cho rằng đây là một việc đột phá quan trọng góp phần cho thành phố chủ động hơn trong việc giám sát môi trường" -Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng phát biểuvà cho rằng trách nhiệm của các cơ quan quản lý có vấn đề.
Ông Tô Văn Hùng cho biết: Năm 2008, thành phố ban hành đề án thành phố môi trường, đến năm 2025 là hạn cuối hoàn thành đề án này. Sau 10 năm thực hiện thì thu được một số kết quả. Trước đây, có 13 điểm nóng môi trường thì hiện nay 7 điểm nóng đã được kiềm chế và khắc phục. Các điểm nóng còn lại thì hiện nay từng bước được tiếp cận và có giải pháp để tiến tới xử lý dứt điểm. Thành phố đã đạt được 5/10 tiêu chí mà trước đây đặt ra,hơn 100 mô hình hoạt động về bảo vệ môi trường đã được triển khai hoạt động. Việc phân cấp phân quyền trong bảo vệ môi trường cũng đã được triển khai triệt để,nguồn lực dành cho bảo vệ môi trường được đầu tư rất lớn...