UBND TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) thừa nhận việc ký chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông P. là có sai sót. Việc này dẫn đến thiệt hại trên 1,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, UBND TP.Cà Mau “chối” trách nhiệm bồi thường.

UBND TP.Cà Mau làm sai nhưng chối trách nhiệm bồi thường

Việt Tâm | 19/12/2018, 10:09

UBND TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) thừa nhận việc ký chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông P. là có sai sót. Việc này dẫn đến thiệt hại trên 1,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, UBND TP.Cà Mau “chối” trách nhiệm bồi thường.

Đất đã thu hồi vẫn được ký cho sang nhượng

Vừa qua, TAND TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) mở phiên xét xử sơ thẩm về việc tranh chấp bồi thường thiệt hại theo luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước giữa nguyên đơn là ông L.Đ.P. (ngụ TP.Cà Mau) và bị đơn là UBND TP.Cà Mau.

Theo hồ sơ vụ việc, vào ngày 22.8.2011, ông P. có nhận chuyển nhượng của ông Châu Văn Phong (ngụ P.9, TP.Cà Mau) phần đất có diện tích 88m2, giá là 480 triệu đồng.

“Vì bận công việc cá nhân nên lúc nhận chuyển nhượng, tôi có nhờ người bà con bên vợ là ông C.H.Q. đứng tên dùm trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến tháng 10.2011, vợ chồng tôi đã chuyển quyền sử dụng đất lại đúng tên của tôi”, ông P. chia sẻ.

Đến năm 2016, do kinh tế gặp khó khăn nên ông P. chuyển nhượng lại phần đất trên cho người khác. Và cũng từ đó ông mới biết là phần đất của ông bị giải tỏa xây dựng đường Vành Đai 1 với diện tích 55,6m2. Người chủ cũ là ông Phong đã nhận tiền đền bù vào năm 2004, phần đất còn lại chỉ là 32,4m2.

Đơn yêu cầu của ông P. gửi UBND TP.Cà Mau- Ảnh: Nguyệt Danh

Theo ông P., lẽ ra khi đất của ông Phong nằm trong quy hoạch đường Vành Đai 1 thì UBND TP.Cà Mau phải ra quyết định thu hồi và điều chỉnh lại diện tích đất này khi cho ông Phong nhận tiền bồi thường. Đằng này, cán bộ chuyên môn của UBND TP.Cà Mau không làm điều đó, mà lại làm sai quy định.

Ngày 27.2.2018, UBND TP.Cà Mau có văn bản số 424 thừa nhận việc làm trên là do thiếu trách nhiệm quản lý đất đai của Phòng TN-MT TP.Cà Mau. “Trong quá trình thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng, do sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn chưa chặt chẽ nên không phát hiện diện tích đất nằm trong dự án xây dựng đường Vành Đai 1, dẫn đến ông Phong chuyển nhượng toàn bộ đất cho người khác”, văn bản 424 nêu rõ.

Vì vậy, ông P. khởi kiện yêu cầu UBND TP.Cà Mau phải bồi thường cho ông về vật chất toàn bộ nhà, đất và tinh thần... Trong đó, bồi thường giá trị toàn bộ nhà đất bằng 1,8 tỉ đồng; bồi thường thiệt hại đi lạihơn 1 năm qua là 30 triệu đồng. Tổng cộng, ông P. yêu cầu UBND TP.Cà Mau bồi thường là 1,83 tỉ đồng.

Ai sẽ bồi thường thiệt hại?

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện ủy quyền của UBND TP.Cà Mau, ông Lê Thanh Danh trình bày: Về diễn biến sự việc đúng như trình bày của ông P. Trước đó, UBND TP.Cà Mau có văn bản 424 thừa nhận có sai sót. Tuy nhiên, UBND TP.Cà Mau xét thấy yêu cầu của ông P. là không có cơ sở vì không nằm trong quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Ông Trần Duy Khương, Giám đốc chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Cà Mau, thừa nhận việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông P. là có sai sót như ông P. trình bày là đúng. “Tuy nhiên, do giấy chứng nhận của ông P. ở phần điều chỉnh hết trang không ghi thêm được nên văn phòng đăng ký mới đề nghị làm sổ mới thì phát hiện tình trạng nêu trên…”, ông Khương lý giải.

Ngoài ra, trong vụ việc này còn có thêm 1 chi tiết “lạ” là theo toàn bộ hồ sơ mà PV nắm được và tại phiên tòa sơ thẩm, ông Phong trình bày rằngông chỉ nhận tiền bồi thường là 88 triệu đồng nhưng trong phần chiết tính đền bù cho hộ ông Phong lại là 131,5 triệu đồng. Vậy, số tiền 131,5 triệu đồng có thực sự chi đền bù cho người dân? Nếu có đền bù thì số tiền còn lại 43,5 triệu đồng đã đi đâu?

Tại phiên tòa, HĐXX nhận định, quan hệ tranh chấp giữa các đương sự được xác định là bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Tuy nhiên, hành vi của cán bộ Phòng TN-MT TP.Cà Mau ký chỉnh lý biến động đất đai theo thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hoạt động quản lý hành chính nên không thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại theo luật.

Theo đó, HĐXX TAND TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau do Thẩm phán Đinh Cẩm Đàochủ tọa phiên tòa đãtuyên xử đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông L.Đ.P. kiện UBND TP.Cà Mau về việc yêu cầu bồi thường số tiền 1,83 tỉ đồng theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước…

Không chấp nhận bản án sơ thẩm vừa tuyên, ông P. cho biết sẽ kiện chống án. “Như hồ sơ đã đề cập, UBND TP.Cà Mau đã thừa nhận sai trong việc ký chuyển nhượng đất. Thiệt hại của tôi là rất rõ ràng. Nếu tòa tuyên như vậy thì ai là người chịu trách nhiệm bồi thường cho tôi?”, ông P. bức xúc.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết,năm 2004, giấy chứng nhận quyền sử dụng 88m2 đất của ông Châu Văn Phong bị thu hồi giải tỏa 55,6m2, chỉ còn lại 32,4m2. Đáng lẽ, UBND TP.Cà Mau cần thu hồi hoặc điều chỉnh lại thành 32,4m2. Nhưng thực tế UBND TP.Cà Mau không thực hiện trách nhiệm trên.

Theo luật sư Lễ, UBND TP.Cà Mau không thực hiện đúng quy định về quản lý đất đai đó là không thu hồi giấy cũ để cấp giấy chứng nhận mới đúng quy định pháp luật mà để cho ông Phong vẫn tiếp tục sử dụng giấy chứng nhận cũ có 88m2 để thực hiện chuyển nhượng trái luật.

“Đây chính là lỗi quản lý hành chính của UBND TP.Cà Mau không xử lý kịp thời về trách nhiệm quản lý hành chính của mình trong việc quản lý đất đai. Hành vi không thực hiện đúng pháp luật của UBND TP.Cà Mau đã trực tiếp xâm hại đến quyền lợi chính đáng của những người sử dụng đất tiếp theo”, luật sư Lễ nêu quan điểm.

Văn bản 424 của UBND TP.Cà Mau thừa nhận có sai sót trong việc chuyển nhượng đất - Ảnh: Nguyệt Danh

Luật sư Lễ cho rằngông P. là người thứ ba nhận chuyển nhượng nhưng không biết trước việc phần đất bị giải tỏa xây dựng đường Vành Đai 1 và cơ quan công chứng cũng không phát hiện việc này nên ông P. không có lỗi. Vì vậy ông P. có quyền yêu cầu các cơ quan, cá nhân gây thiệt hại cho ông phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Cũng theo luật sư Lễ, UBND TP.Cà Mau đã vi phạm điều 41 và điều 118 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP trong quản lý hành chính về đất đai; thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất!

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo khoản 8, điều 13 quy định: Phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính như sau: Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong các trường hợp: Giao đất, cho thuê đất thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư…

“Tòa án TP.Cà Mau xác định không thuộc quy định tại khoản 8 điều 13 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 dẫn đến đình chỉ vụ án là không đúng. Do đó, nguyên đơn có quyền kháng cáo để tòa cấp phúc thẩm xét xử đúng quy định pháp luật”, luật sư Lễ nhận định.

Nguyệt Danh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
UBND TP.Cà Mau làm sai nhưng chối trách nhiệm bồi thường