Một kế hoạch trung hạn với hàng trăm tỉ đang được chính quyền Đà Nẵng thực hiện nhằm cứu vãn và phục hồi di tích thành Điện Hải gắn liền với cuộc chống Pháp của danh tướng Nguyễn Tri Phương. Theo đó, bảo tàng nằm trong thành sẽ được dời đi, bến du thuyền của Vũ ‘nhôm’ trước thành dự kiến sẽ đền bù tầm 100 tỉ để lấy lại phục vụ chung.
>>Thành Điện Hải được công nhận di tích quốc gia đặc biệt
>>Thành Điện Hải - nơi chống quân xâm lược Pháp – Tây Ban Nha
Cứu thành
UBND TP.Đà Nẵng đã cơ bản thống nhất ý tưởng quy hoạch Quảng trường thành Điện Hải do Sở Xây dựng, Viện Kiến trúc quốc gia đề xuất nhằm cứu vãn di tích này.
Thành Điện Hải (mũ tên đỏ) bị bao vây, xâm phạm bởi các công trình công cộng và nhà dân - Ảnh: Gooogle map
Theo ý tưởng của Viện Kiến trúc quốc gia, quy hoạch quảng trường khu vực xung quanh thành Điện Hải bằng cách tổ chức thêm các ô đất giới hạn bởi các trục đường Lý Tự Trọng, Nguyễn Chí Thanh, Quang Trung, Bạch Đằng (các đường mặt tiền quanh thành); kết nối với khu đất HĐND thành phố, Trung tâm công nghệ phần mềm, khu đất Thư viện khoa học tổng hợp, khu vực cảng Sông Hàn, trường Lý Tự Trọng... trên cơ sở cải tạo đồng bộ vật liệu bề mặt, cảnh quan, cây xanh. Tổng diện tích nghiên cứu khoảng 17ha.
Tổ chức lối vào thành Điện Hải từ phía đường Quang Trung; tổ chức giao thông tiếp cận và giao thông khu vực xung quanh quảng trường, đề xuất đầu tư bãi xe ngầm tại khu đất sân tennis hiện trạng.
Thành Điện Hải nhìn từ tòa thị chính Đà Nẵng
Trong thành Điện Hải, chính quyền Đà Nẵng thời kỳ trước đã đưa bảo tàng lịch sử vào đặt tại đây; đồng thời xây dựng tòa thị chính bên ngoài sát chân thành
Riêng công trình Nhà hàng và bến du thuyền phía nam cảng Sông Hàn (của Phan Văn Anh Vũ), đơn vị tư vấn đề xuất chuyển đổi chức năng sang mục đích phục vụ cộng đồng (có thể chuyển thành trung tâm thông tin du lịch kết hợp văn hóa nghệ thuật đương đại) và cơ bản đã được đồng ý.
Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh khu đất số 5 đường Lý Tự Trọng để đầu tư xây dựng công viên công cộng kết hợp với nơi để xe nhằm mở rộng không gian di tích thành Điện Hải, đảm bảo mật độ cây xanh.
Có phương án khôi phục, mở rộng cổng phía nam di tích Thành Điện Hải, đồng thời nghiên cứu xây dựng các vịnh dừng, đỗ xe trên tuyến đường Quang Trung (đoạn từ đường Bạch Đằng đến đường Nguyễn Chí Thanh).
Bên trong thành Điện Hải, chính quyền Đà Nẵng các thời kỳ trước đã cho đưa Bảo tàng lịch sử thành phố vào đặt tại đây nên sẽ di dời bảo tàng này đi nơi khác.
Cụ thể, bảo tàng sẽ dời về trụ sở HĐND TP và mở rộng qua 44 và 31 Bạch Đằng, kết nối với Thư viện tổng hợp thành phố và đầu tư hoàn thành các hạng mục của bảo tàng.
Tiếp đó, chuyển trụ sở làm việc HĐND về 32 Bạch Đằng (hiện là trụ sở Trung tâm văn hóa thành phố) và sử dụng lâu dài, hoặc chuyển về Trung tâm hành chính thành phố trong trường hợp thực hiện hợp nhất với Văn phòng UBND thành phố và Văn phòng Đoàn ĐBQH.
Chuyển tạm Vườn ươm và đào tạo khởi nghiệp về 12 Bạch Đằng hiện Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng sử dụng tạm một phần…
Một góc thành còn nguyên vẹn
Tường và hào thành Điện Hải đang được phục hồi, tôn tạo
Quảng trường xung quanh di tích thành Điện Hải được khái toán tổng mức đầu tư khoảng 513 tỉ đồng. Hạng mục cải tạo khu vực cổng phía nam thành Điện Hải với kinh phí khoảng 25 tỉ đồng. Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng đề xuất kinh phí đầu tư Bảo tàng lịch sử thành phố khoảng 150 tỉ đồng.
Chi phí đền bù đối với công trình Nhà hàng bến du thuyền đã đầu tư khoảng 100 tỉ đồng, không bồi thường về đất do đất thuê trả tiền hằng năm.
Theo Sở KH-ĐT Đà Nẵng, có thể sử dụng vốn từ nguồn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016-2020. Việc đầu tư được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2018-2019) hoàn thành dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải. Giai đoạn 2 (năm 2019-2020) di dời Bảo tàng lịch sử; đầu tư quảng trường khu vực xung quanh thành Điện Hải; tổ chức thi tuyển và thực hiện thủ tục đầu tư mới Bảo tàng lịch sử theo phương án được lựa chọn từ cuộc thi. Giai đoạn 3 (năm 2020-2022) đầu tư xây dựng hoàn thành Bảo tàng lịch sử thành phố và đưa và hoạt động.
Quy hoạch Quảng trường Trung tâm Đà Nẵng
Vào tháng 5.2018, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng đã thống nhất phương án hình thành trục thương mại dịch vụ (quảng trường) bắt đầu từ dự án khu Thương xá Vĩnh Trung, chợ Cồn, Trung tâm thương mại trên khu đất sân vận động Chi Lăng, khu đất trường đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, dọc đường Hùng Vương kéo dài đến Quảng trường Trung tâm, chợ Hàn, đường Trần Phú – Bạch Đằng.
Tháng 8.2018, UBND TP đã giao Sở Xây dựng bổ sung ý tưởng trục thương mại dịch vụ dọc tuyến đường Hùng Vương từ Thương xá Vĩnh Trung đến đường Trần Phú – Bạch Đằng vào quy hoạch chung, đề xuất UBND TP chọn đơn vị tư vấn có uy tín và kinh nghiệp nghiên cứu phương án triển khai thực hiện.
Tuyến đường nghiên cứu quy hoạch Quảng trường Trung tâm Đà Nẵng - Ảnh: Google map
Sở Xây dựng đã trình UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch làm cơ sở đề xuất lựa chọn đơn vị tư vấn để triển khai.
Trong diễn biến khác, liên quan đến dự án Khu phức hợp cao cấp Vũ Châu Long ở vị trí đắc địa phía tây nhà hát Trưng Vương bỏ hoang nhiều năm nay, UBND TP.Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết TL 1/500 khu vườn dạo kết hợp bãi xe ngầm phía tây nhà hát Trưng Vương. Dự án đã đưa vào danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất nêu trong nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng.
Tương tự, dự án Viễn Đông Meridian Towers ở phía đông nhà hát Trưng Vương, UBND TP.Đà Nẵng đã tiến hành thu hồi và có quyết định phê duyệt quy hoạch thành công viên công cộng.
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng