Theo ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, Đà Nẵng rất vui mừng vì là tỉnh dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh, tuy nhiên đây cũng là áp lực rất lớn vì sẽ phải phấn đấu để tiếp tục giữ vững vị trí này.

Đà Nẵng tiết lộ bí quyết dẫn đầu về năng lực cạnh tranh

Một Thế Giới | 17/04/2015, 10:30

Theo ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, Đà Nẵng rất vui mừng vì là tỉnh dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh, tuy nhiên đây cũng là áp lực rất lớn vì sẽ phải phấn đấu để tiếp tục giữ vững vị trí này.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) và Đà Nẵng tiếp tục là tỉnh giữ vị trí đầu bảng. Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề lễ công bố này.
Đà Nẵng liên tiếp là tỉnh đứng đầu trong bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI). Là một trong những lãnh đạo của TP. Đà Nẵng, ông có cảm nhận gì về điều này?
Chúng tôi rất vui mừng vì là tỉnh đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, trong vui mừng cũng xen lẫn áp lực. Bởi vì mặc dù Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu trong hai năm 2013, 2014 nhưng trước đó, vào năm 2012 chúng tôi đã bị tụt đến 12 hạng. Hai năm trước đó là 2010, 2011 chúng tôi cũng dẫn đầu, cho nên áp lực để giữ được vị trí sẽ không hề đơn giản, rất khó khăn.
Tuy nhiên, chúng tôi xin khẳng định, lãnh đạo của Đà Nẵng luôn xác định mục tiêu xây dựng cộng đồng doanh nghiệp trở thành động lực quan trọng trong phát triển của TP. Đà Nẵng. Đây là mục tiêu chính xác và kết quả PCI đã nói lên điều đó. 
Chúng tôi xin chia sẻ niềm vui này với chính quyền thành phố và với cộng đồng doanh nghiệp thành phố.
Ông có thể tiết lộ bí quyết giúp Đà Nẵng đạt chỉ số năng lực cạnh tranh cao?
Nhiều năm qua TP Đà Nẵng đã thực hiện một số biện pháp. Trước hết là cải cách thủ tục hành chính của TP. Đà Nẵng càng ngày càng tốt. Trên tất cả các lĩnh vực, chúng tôi đã thực hiện triển khai cải cách thủ tục, những chỉ số thành phần thấp chúng tôi đã bàn bạc để đưa ra các giải pháp khắc phục.
Thứ hai, chúng tôi đã đưa ra chương trình hoạt động "năm Doanh nghiệp 2014", hướng về sự phát triển doanh nghiệp nên tạo được kết quả rất tốt trong cộng đồng doanh nghiệp của thành phố. 
Mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động nhưng nhiều doanh nghiệp cũng đã trụ vững, cũng đã phát triển. Đồng thời nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp, tiếp tục đăng ký tạo sự phát triển năng động của cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng.
Có thể nói, thành phố đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân, làm mọi doanh nghiệp có trách nhiệm với thành phố. Chính vì vậy doanh nghiệp đã trụ lại cùng phát triển. 
Năm 2014 doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng góp phần cho Đà Nẵng vượt chỉ tiêu thu ngân sách trên 10%, thuế doanh nghiệp đóng góp cũng chiếm 3/4 tổng thuế nội địa, tương đương 76,5%. Riêng doanh nghiệp dân doanh chiếm 1/3, xấp xỉ 33%, FDI khoảng 28%.
Da-Nang-tiet-lo-bi-quyet-dan-dau-ve-nang-luc-canh-tranh-hinh-anh-1
 Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không đánh giá thực chất ý kiến của toàn bộ doanh nghiệp trên cả nước mà chỉ là ý kiến của một nhóm doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Tôi cho rằng khi VCCI chọn lựa các doanh nghiệp để lấy ý kiến thì các doanh nghiệp đó đã đại diện cho nhóm doanh nghiệp ở các tỉnh. Còn nếu mở rộng hơn thì sẽ tốt hơn nhưng trong tất cả các cuộc khảo sát đều không thể triển khai số lượng đông.
Được biết, trong năm 2013, chỉ số năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh và mức độ hỗ trợ doanh nghiệp của TP Đà Nẵng là 2 chỉ số xếp hạng thấp nhất. Vậy trong năm 2014 vừa qua thì sao, thưa ông?
Trong năm 2013, Đà Nẵng có 2 chỉ số thành phần thấp trên 10 chỉ số, trong đó chỉ số thứ nhất là tính năng động tiên phong của chính quyền, sau đó chúng tôi đã có giải pháp đưa ra để khắc phục.
Đồng thời, chúng tôi cũng đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo, quyết liệt hơn so với chủ trương của Trung ương. Chẳng hạn như năm 2014, chúng tôi thực hiện năm doanh nghiệp nhưng chưa hiệu quả, sau đó đã tổ chức lại, có kết quả khá tốt. Chúng tôi cũng vận dụng chủ trương của Trung ương để áp dụng vào địa phương. 
Ngoài ra, Đà Nẵng còn thành lập quỹ tín dụng bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quyết định của Thủ tướng quy định có 3 thành phần tham gia vốn, là ngân sách của Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại. 
Tuy nhiên, ngân hàng thương mại không đóng góp, doanh nghiệp thì khó khăn, thiếu vốn, chỉ đóng góp có mức độ nên HĐND thành phố đã có Nghị quyết bổ sung vốn ngân sách thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ cho vay khoảng hơn 60 doanh nghiệp khó khăn về vốn, là những doanh nghiệp tiềm năng đang khó khăn để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp vượt qua. 
Đối với dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp những năm trước điểm số hơi thấp nhưng chúng tôi đã tập trung cải thiện. Thủ tục cải cách hành chính là dịch vụ công cũng được thành phố tập trung khắc phục. 
Đà Nẵng cũng giao trách nhiệm cho các Sở, ngành thực hiện kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp có hàng hóa và doanh nghiệp sử dụng để các doanh nghiệp không bị ứ đọng sản phẩm.
Chúng tôi cũng hỗ trợ thông tin, công khai hóa chủ trương chính sách của thành phố, minh bạch hỗ trợ trên cổng thông tin thành phố để doanh nghiệp bình đẳng trong nắm bắt thông tin. 
Việc hỗ trợ tín dụng, bảo lãnh tín dụng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn giải quyết kinh doanh. Mặc dù số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ còn ít nhưng cũng đã tạo sự kích thích, lòng tin của doanh nghiệp đối với TP Đà Nẵng.
Xin cảm ơn ông!
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Doanh nghiệp ‘chết yểu’ ngày càng nhiều nhưng ngân hàng vẫn sinh lời cao từ cho vay
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng doanh nghiệp "chết yểu" gia tăng, tín dụng ảm đạm đang tạo thách thức lớn đối với đà phục hồi tăng trưởng 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đà Nẵng tiết lộ bí quyết dẫn đầu về năng lực cạnh tranh