Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cùng hai chính đảng lớn tại Đài Loan ngày 2.1 đều lên tiếng về phát biểu kêu gọi thống nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đài Loan từ chối lời kêu gọi thống nhất từ Trung Quốc đại lục

Nguyễn Cẩm Bình- 0901321282- 060113793980 | 03/01/2019, 10:55

Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cùng hai chính đảng lớn tại Đài Loan ngày 2.1 đều lên tiếng về phát biểu kêu gọi thống nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chủ tịch Tập trong bài phát biểu “Thư gửi đồng bào Đài Loan” khẳng định hai bờ đều cùng thuộc một nước Trung Quốc là sự thật không thể thay đổi. Ông nhiều lần nhấn mạnh chuyện thống nhất và đặc biệt lần đầu tiên đề cập phương án “một quốc gia, hai chế độ”.

Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đáp trả phát biểu trên: “Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận ‘một quốc gia, hai chế độ’.Đa số người dân Đài Loan kiên quyết phản đối”.

Bà cũng cho biết đã làm rõ những điểm chính trong lập trường của Đài Loan về quan hệ hai bờ khi phát biểu đầu năm mới, bao gồm: Bắc Kinh cần nhìn nhận thực tế hai bên có khác biệt cơ bản về hệ giá trị lẫn hệ thống chính trị chứ không thể phủ nhận thể chế dân chủ mà Đài Loan xây dựng;tôn trọng nguyện vọng tự do -dân chủ của người dân vùng lãnh thổ này;giải quyết khác biệt bằng biện pháp hòa bình thay vì uy hiếp hay gây sức ép;đối thoại vấn đề liên quan đến chính trị hai bờ phải thông qua người dân giám sát và do cá nhân/cơ quan chính quyền tiến hành.

Người phát ngôn đảng Dân Tiến (DPP) Hà Mạnh Hoa phản đối việc Chủ tịch Tập dựanguyên tắc “một Trung Quốc” để diễn giải hai bờ cùng thuộc một nước, cáo buộc nguyên tắc này nhằm mục đích xóa sổ Đài Loan rồi đưa hòn đảo này đặt dưới sự cai trị của Bắc Kinh theo kiểu“một quốc gia, hai chế độ”.

Cựu lãnh đạo Mã Anh Cửu, người từng giữ vị trí Chủ tịch Quốc dân Đảng, đánh giá điều kiện cho thống nhất chưa chín muồi. Ông cũng lưu ý “Đồng thuận 1992” nêu rõ mỗi bên có quyền tự do giải thích nguyên tắc “một Trung Quốc” theo ý mình chứ không như những gì Chủ tịch Tập phát biểu.

Cũng theo cựu lãnh đạo Mã, thống nhất phải đạt được bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với ý chí của người dân Đài Loan.

Trang Focus Taiwan dẫn lời một nguồn tin nội bộ Quốc dân đảng đánh giá: “Phía Bắc Kinh nên hiểu chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’không đủ sức hút với Đài Loan”.

Người dân Đài Loan khó chấp nhận “một quốc gia, hai chế độ” trong thống nhất - Ảnh: UDN

Một số nhà phân tích cũng đưa ra nhận định tiêu cực với bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Giáo sư quan hệ quốc tế Jean-Pierre Cabestan của đại học Baptist (Hồng Kông) cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc hơi nóng vội, và mặc dù đảm bảo lợi ích cũng như thịnh vượng của dânĐài Loan thông qua cách tiếp cận “một quốc gia, hai chế độ” trong thống nhất nhưng ông Tập vẫn bảo lưu phương án dùng vũ lực nên người dân hòn đảo tự trị khó mà chấp nhận.

Không những vậy, phía Đài Loan có thể dựa vào tấm gương Hồng Kông để từ chối “một quốc gia, hai chế độ”, theo giáo sư Cabestan. Người sáng lập đảng Dân chủ Hồng Kông Lý Trụ Minh, chuyên gia Lưu Chiếu Giai thuộc Hiệp hội nghiên cứu Hồng Kông và Macau có quan điểm tương tự.

Nhà bình luận Tim Culpan của trang tin Bloomberg đánh giá Chủ tịch Tập nhấn mạnh chuyện thống nhất hai bờ vào lúc này để đánh lạc hướng dư luận quốc tế khỏi vấn đề kinh tế Trung Quốc đang bất ổn.

Chuyên gia Bonnie Glaser ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định hai nhà lãnh đạo Tập -Thái cùng đưa ra phát biểu quan trọng là dấu hiệu cho thấy quan hệ hai bờ khó cải thiện, nhưng chưa đến nỗi đem lại nguy cơ bùng nổ xung đột.

Cẩm Bình (theo CNA, Focus Taiwan, SCMP, UDN, The New York Times)
Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
22 phút trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan từ chối lời kêu gọi thống nhất từ Trung Quốc đại lục