Từ những tuyên bố cảnh cáo của Trung Quốc, các nhà buôn vũ khí nước ngoài miễn cưỡng bán máy bay, tàu ngầm cho Đài Loan, Đài Bắc phải tìm cách xây dựng công nghiệp phòng thủ để bảo vệ 23 triệu dân Đài Loan.

Đài Loan tự sản xuất vũ khí để phòng chống Trung Quốc

14/05/2018, 20:13

Từ những tuyên bố cảnh cáo của Trung Quốc, các nhà buôn vũ khí nước ngoài miễn cưỡng bán máy bay, tàu ngầm cho Đài Loan, Đài Bắc phải tìm cách xây dựng công nghiệp phòng thủ để bảo vệ 23 triệu dân Đài Loan.

Chiến đấu cơ Đài Loan (trái) bay gần máy bay ném bom H6-K của Trung Quốc - Ảnh: AP

Theo hãng tin AP ngày 14.5, các hoạt động gần đây của Trung Quốc đã khiến Đài Loan lo ngại. Bắc Kinh tăng sức ép bằng cách cắt quan hệ ngoại giao, nhiều lần tung máy bay và tàu sân bay Liêu Ninh tập trận gần Đài Loan.

Trung Quốc hiện có nguồn ngân sách quốc phòng lớn thứ nhì thế giới (chỉ sau Mỹ) và đã tăng cường khả năng bao vây, tấn công và thậm chí sẵn sàng chiếm Đài Loan, hòn đảo tự trị nhưng Trung Quốc gọi là một phần lãnh thổ và nếu cần thiết thì Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực để thu hồi quyền kiểm soát.

Mỹ lo chuyện bị rò rỉ công nghệ từ Đài Loan qua Trung Quốc

Cùng với những hành động phản ứng của Bắc Kinh-gồm ngưng giao lưu với quân đội Mỹ, sau khi Washington tuyên bố gói viện trợ vũ khí 6,4 tỉ USD cho Đài Loan hồi năm 2010- Mỹ vẫn lưỡng lự bán vũ khí cho Đài Loan, vì lo ngại bị rò rỉ công nghệ hiện đại và nhạy cảm từ Eo biển Đài Loan rộng 160 km qua Trung Quốc.

Dù vậy, Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Tổng thống Donald Trump năm 2017 đã trình Quốc hội Mỹ xem xét thông qua 7 hợp đồng bán ngư lôi, tên lửa và các công nghệ khác vốn có giá trị khoảng 1,42 tỉ USD.

Hồi tháng 4.2018, Washington đồng ý cho phép các công ty Mỹ có công nghệ được đóng tàu ngầm chạy bằng diesel-điện mà Đài Loan rất cần được phép giao dịch vì hải quân Đài Loan hiện chỉ có hai tàu ngầm cũ kỹ mua của Hà Lan hồi những năm 1980.

Các nhà phân tích nói việc bán công nghệ Mỹ sẽ không chọc tức Trung Quốc, chứ việc bán thẳng máy bay hoặc tàu ngầm đóng sẵn sẽ khiến Bắc Kinh có phản ứng mạnh.

Lãnh đạo lực lượng an ninh Đài Loan khẳng định: dù đã nhiều tiến bộ, Đài Loan sẽ không bao giờ có thể chấm dứt mua vũ khí hiện đại của các nước khác. Hiện Đài Loan rất cần những hệ thống đẩy và động cơ cho tàu chiến và máy bay, nhưng đôi lúc họ phát hiện chi phí nhập khẩu vẫn ít hơn so với phần tự sản xuất.

Nhưng việc mua vũ khí nước ngoài có nguy cơ bị Mỹ sử dụng để ngã giá, với hy vọng Bắc Kinh sẽ có những nhượng bộ, nhất là về thương mại.

Và trên hết, Mỹ chỉ có thể lại giúp quân sự Đài Loan phòng thủ nếu nhận thấy Đài Bắc bị suy yếu khả năng này.

Đài Loan lo ngại đến lúc không thể mua vũ khí nước ngoài

Dù Mỹ tiếp tục là nguồn cung cấp vũ khí chính, Đài Loan đang muốn thay những hợp đồng có tính chất rủi ro chính trị này bằng cách tự sản xuất vũ khí đáng tin cậy và hiện đại về kỹ thuật.

Giáo sư Alexander Huang của khoa nghiên cứu chiến lược ở đại học Tamkang (Đài Loan) nói: “Đài Loan lo ngại có thể đến lúc chúng tôi không thể mua vũ khí đúng ý muốn, nên chúng tôi thà tự phát triển công nghiệp phòng thủ”.

Mục tiêu tự trang bị vũ khí này được bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan chủ trương độc lập khỏi Trung Quốc, ủng hộ mạnh. Mảng phòng thủ được bà Thái đưa vào chương trình kinh tế nhằm cổ súy sự sáng tạo và tạo việc làm ở 8 ngành công nghiệp, và chính quyền giúp đáp ứng nhu cầu phòng vệ bằng khả năng của các công ty Đài Loan.

Nhà nghiên cứu cấp cao David An của Viện Đài Loan toàn cầu (trụ sở ở Mỹ) nói: vũ khí tự sản xuất vừa là niềm tự hào, vừa là sản phẩm cần thiết của Đài Loan.

Tập đoàn phát triển kỹ nghệ hàng không (AIDC) đi đầu trong lĩnh vực phòng thủ của Đài Loan. Chủ tịch AIDC Lin Nan-juh tuyên bố ông có thể sản xuất bất kỳ loại máy bay nào mà Đài Bắc cần.

Ngành sản xuất vũ khí của Đài Loan bắt đầu hoạt động từ những năm 1970, hơn 20 năm khi quân đội Quốc dân Đảng của tướng Tưởng Giới Thạch phải chạy ra đảo này sau khi bị quân cách mạng Mao Trạch Đông đánh tan tác và cướp chính quyền Hoa lục hồi tháng 10.1949.

Việc tiếp thu và phát triển công nghệ nước ngoài đã giúp các công ty như AIDC có điều kiện phát triển và bảo đảm an ninh, theo ông Mei Fu-shing, chủ nhiệm Trung tâm phân tích an ninh Đài Loan, một tổ chức nghiên cứu-tư vấn đặt trụ sở ở New York (Mỹ).

Ông Mei nói: “Việc tự phát triển-sản xuất vũ khí đã góp phần cụ thể vào sự phòng vệ Eo biển Đài Loan trong 3, 4 thập niên qua. Đài Loan có khả năng cải thiện cả về chất lượng lẫn kỹ thuật hiện đại, ví dụ các loại tên lửa không đối không. Họ đạt tiến bộ lớn và đang tránh lệ thuộc nguồn vũ khí nước ngoài”.

Hiện các nhà thầu Đài Loan đã đóng được chiến đấu cơ cùng vài loại máy bay, tên lửa không đối không, không đối đất và tên lửa chống hạm, tàu tên lửa và xe bọc thép.

Đài Loan từ lâu nổi tiếng thế giới về công nghiệp dân sự kỹ thuật cao, hiện có khoảng 200 công ty nhỏ và trung bình hoạt động ở mảng sản xuất vũ khí.

AIDC và Viện khoa học-công nghệ Chung-shan là những nhà thầu lớn. Doanh thu và lãi ròng quí 3.2017 của AIDC là 235 triệu USD. Tập đoàn này có 3.000 nhân viên ở mảng thiết kế máy bay.

Bảo Vĩnh (theo AP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan tự sản xuất vũ khí để phòng chống Trung Quốc