Reuters ngày 13.5 dẫn tin Tân Hoa Xã: tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng đã rời cảng để bắt đầu chạy thử trên biển, một cột mốc mới nhất trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Tàu sân bay ‘made in China’ đầu tiên chạy thử trên biển

13/05/2018, 14:26

Reuters ngày 13.5 dẫn tin Tân Hoa Xã: tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng đã rời cảng để bắt đầu chạy thử trên biển, một cột mốc mới nhất trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Tàu sân bay Type 001 A của Trung Quốc - Ảnh: Military today.com

Tân Hoa Xã trong một tuyên bố ngắn xác nhận chiếc Type 001A đã rời khỏi ụ của xí nghiệp đóng tàu Công ty Công nghiệp đóng tàu Đại Liên (DSIC) tại tỉnh Liêu Ninh để ra khơi chạy thử, chủ yếu để kiểm tra độ tin cậy và sự ổn định của hệ thống máy móc cùng các phương tiện khác.

Giới truyền thông nhà nước trưng các ảnh chụp chiếc tàu sân bay chưa có tên chính thức, tạm gọi là tàu sân bay Type 001A - rời khỏi ụ trong màn sương sớm.

Cùng thời gian này năm 2017, chiếc Type 001A được hạ thủy, nhưng sau đó còn trải qua khâu lắp đặt vũ khí cùng các hệ thống khác, nên chưa thể đi vào hoạt động.

Theo Reuters, các chuyên gia quân sự Trung Quốc nói chiếc Type 001A chỉ có thể đi vào hoạt động từ năm 2020 sau khi có đủ phương tiện và vũ khí.

Nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố mẫu thiết kế dựa theo chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, là chiếc Liêu Ninh đã được Ukraine bán như “hàng đã qua sử dụng” cho Trung Quốc hồi năm 1998.

Chiếc Type 001A có lượng choán nước từ 60.000-65.000 tấn, sẽ có thể chứa 48 chiến đấu cơ Shenyang J-15 của Trung Quốc. Như chiếc Liêu Ninh, chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc cũng chạy bằng dầu, sử dụng hệ thống động lực truyền thống và đường băng kiểu “nhảy cầu”, không có công nghệ máy phóng máy bay dùng hơi nước như “siêu” tàu sân bay lớp Nimitz dùng động cơ năng lượng hạt nhân của Mỹ, loại tàu chiến lớn nhất thế giới.

Chiếc George H.W. Bush lớp Nimitz có lượng choán nước 102.000 tấn và thường chứa được 56 máy bay.

Truyền thông nhà nước dẫn lời các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần ít nhất 6 tàu sân bay và phải mất vài thập niên mới có thể đóng xong. Trong khi đó, Mỹ sở hữu 10 tàu sân bay đang hoạt động và dự kiến đóng thêm 2 chiếc.

Theo Reuters, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo đuổi một kế hoạch tham vọng: nâng cấp quân đội Trung Quốc trở thành lực lượng đẳng cấp thế giới vào năm 2050.

Kế hoạch này chú trọng phát triển công nghệ quân sự mới, đầu tư vào chiến đấu cơ tàng hình, tàu sân bay và tên lửa chống vệ tinh, vào lúc Trung Quốc tăng cường hiện diện trên Biển Đông và quanh Đài Loan.

Vài tháng qua, hải quân Trung Quốc phô trương thanh thế rầm rộ, với các tàu chiến mới hoạt động thật xa bờ cõi, trong khi chiếc Liêu Ninh giữ vai trò tàu huấn luyện, đã đi quanh Đài Loan để thị uy hoặc diễn tập ở Biển Đông.

Đa số các chuyên gia nhất trí: kế hoạch phát triển một nhóm tàu sân bay đòi hỏi hàng chục năm, nhưng tiến bộ đạt được từ chiếc Type 001 A tạo một giá trị uy tín nhất định cho Bắc Kinh, vào lúc Trung Quốc đang muốn xóa bỏ ưu thế quân sự của Mỹ tại khu vực này.

Bảo Vĩnh (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu sân bay ‘made in China’ đầu tiên chạy thử trên biển