Việc nhà thầu tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) dùng băng keo để dán ở các vết nứt hầm chui dưới cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi được VEC giải thích là "biện pháp bổ sung cho việc khắc phục sửa chữa".

Dán băng keo là ‘biện pháp bổ sung’ chữa thấm dột cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

Lê Đình Dũng | 22/11/2018, 15:32

Việc nhà thầu tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) dùng băng keo để dán ở các vết nứt hầm chui dưới cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi được VEC giải thích là "biện pháp bổ sung cho việc khắc phục sửa chữa".

>> Sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

Ngày 22.11, ông Đỗ Chí Chung - Chánh văn phòng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết đơn vị này đã có bình luận chính thức về việc nhà thầu sử dụng băng keo để chống thấm hầm chui (Km86+838) trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi.

Theo phía VEC, để xử lý hiện tượng thấm, dột tại hầm chui (Km86+838), nhà thầu đã tiến hành bơm vật liệu chống thấm đặc chủng (vữa sika) vào bên trong để xử lý. Sau đó, nhà thầu đã dán băng keo bên ngoài các vị trí này để tạm thời phủ và bảo vệ vị trí đã sửa chữa (có 4 điểm thấm, tại khe lún của cống).

Hầm chui Km86+838 (nằm trên địa bàn thôn 4, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)thuộc hạng mục gói thầu A2 (Km81+150 -Km99+500) dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi, do nhà thầu Tập đoàn Cầu đường tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) thi công.

Việc dán băng keo để sửa công trình ngàn tỉ được ví như làm chơi

Người dân địa phương cho rằng cách làm này cẩu thả và phi kỹ thuật

“Việc sử dụng băng keo là không có tác dụng chống thấm, và chỉ được sử dụng như là biện pháp bổ sung cho việc khắc phục sửa chữa. Hiện tại, băng keo tại hầm chui (Km86+838) đã được tháo dỡ để tránh tình trạng dư luận hiểu không đúng và cũng để đảm bảo tính mỹ quan của công trình”, VEC thông tin.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe lưu thông và hai làn dừng khẩn cấp (giai đoạn 1), tốc độ thiết kế 100-120 km/giờ. Dự án được chia làm 13 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỉ đồng.

Dự án vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng nguồn vốn đối ứng của Việt Nam.

Ngày 2.8.2017, có 65km đoạn từ TúyLoan (Đà Nẵng) - Tam Kỳ (Quảng Nam) được đưa vào sử dụng và thu phí. Ngày 2.9.2018, dù chưa hoàn thiện nhiều hạng mục nhưng Bộ GTVT đã khánh thành toàn tuyến và đưa vào khai thác thu phí.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Sau hơn 1 năm đưa vào khai thác 65km đầu tuyến, khoảng cuối tháng 9.2018 đã xuất hiện một số hư hỏng cục bộ lớp bê tông nhựa tạo nhám dày 3cm tại một số vị trí với diện tích khoảng 70m2/3,1 triệu mét khối. Tuy nhiên, công tác sửa chữa chưa được các nhà thầu thực hiện kịp thời, triệt để, đã làm hư hỏng thêm lớp bê tông nhựa phía dưới tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Sau nhiều ngày khắc phục, các ổ gà trên tuyến đã được loại bỏ và đã được Bộ GTVT cho phép đưa vào thu phí trở lại.

Không những vậy, VEC cũng thừa nhận trên chính tuyến xuất hiện khoảng 21 vị trí/426 tổng số cầu, cống bị thấm, dột do công tác thi công hệ thống thoát nước của nhà thầu chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hoặc hư hỏng trong quá trình khai thác.

Ngoài ra, các hạng mục: hệ thống hàng rào, đường ngang, đường gom, đường hoàn trả và các ảnh hưởng trong quá trình thi công hiện VEC đang đôn đốc các nhà thầu và phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết.

Tin, ảnh: Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dán băng keo là ‘biện pháp bổ sung’ chữa thấm dột cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi