Hơn một nửa số hộ dân ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) hằng năm phải chắt chiu từng giọt nước mưa để phục vụ ăn uống. Họ khấp khởi mừng thầm khi dự án xây dựng nhà máy nước 26 tỉ đồng khởi công, nhưng đã 3 năm nay họ vẫn “dài cổ” chờ đợi trong khi nhà máy chưa được bàn giao đã có một số hạng mục hư hỏng.

Dân 'dài cổ' ngóng nước sạch bên nhà máy nước 26 tỉ đồng chưa bàn giao đã hỏng

Lê Đình Dũng | 23/08/2017, 11:51

Hơn một nửa số hộ dân ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) hằng năm phải chắt chiu từng giọt nước mưa để phục vụ ăn uống. Họ khấp khởi mừng thầm khi dự án xây dựng nhà máy nước 26 tỉ đồng khởi công, nhưng đã 3 năm nay họ vẫn “dài cổ” chờ đợi trong khi nhà máy chưa được bàn giao đã có một số hạng mục hư hỏng.

40 hộ dùng chung một cái giếng nước... ruộng

Ông Phạm Viết Nam, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thông cho biết, toàn xã có 1.270 hộ, 4.950 nhân khẩu trên tổng số 11 xóm.

Từ bao đời nay, người dân ở các xóm từ xóm 7 đến xóm 11 tự khoan giếng để lấy nước sử dụng ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, ở các xóm từ xóm 1 đến xóm 6 thì không thể sử dụng được nước giếng khoan. Nguyên nhân theo vị Bí thư lý giải lànước giếng khoan ở các xóm này khi bơm lên có rỉ sắt, màu vàng đục và có mùi tanh. Vì sợ nước bị nhiễm kim loại nên người dân không dám sử dụng để ăn uống, một số gia đình có nước bơm lên hơi trong thì dùng để tắm rửa.

Đây là cái giếng khơimà gần 40 hộ dân bơm nước về để tắm giặt

Ông Nam cũng cho biết, nhiều gia đình mua thiết bị lọc nước và máy nóng lạnh về sử dụng nhưng được một thời gian thì các thiết bị này bị rỉ sét, phân hủy mạnh và hư hỏng.

Bà Đào Thị Hoa (ở xóm 1, xã Hưng Thông) nói: “Từ xưa đến nay chúng tôi đều xây bể hứng nước mưa để ăn uống, nước giếng khoan bơm lên có mùi tanh và màu vàng nên dần dần người ta cũng bỏ giếng khoan. Trước nhà tôi có một cái giếng khơi, nước từ đồng ruộng thẩm thấu vào, hiện tại có gần 40 gia đình đấu nối vòi bơm đến giếng này để bơm nước về sinh hoạt, tắm giặt”.

Theo bà Hoa, nước giếng khơi này tuy không trong sạch lắm, nhưng vì đây là nguồn nước tạm chấp nhận được cho việc tắm giặt nên người dân trong xóm vẫn bơm về sử dụng.

Cũng theo bà Hoa, đất ở đây không có mạch nước nên các gia đình không đào được giếng riêngmà phải sử dụng chung cái giếng khơi ở đầu xóm, vì giếng gần đồng ruộng nên luôn có nước thẩm thấu vào.

Nhà làm việc trong công trình cấp nước chưa bàn giao đã bị nứt nhiều chỗ

Ông Phan Văn Thế (ở xóm 1, xã Hưng Thông) buồn bã nói: “Bà con trong vùng lâu nay toàn dùng nước giếng thông với đồng ruộng để tắm giặt, khi thấy chính quyền khởi công xây dựng công trình nhà máy nước tại đây ai cũng rất phấn khởi. Vậy mà công trình chưa làm xong thì nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng trong khi dân vẫn chưa có nước sạch để dùng”.

Nhà máy nước sạch chưa bàn giao đã hỏng

Bí thư xã Hưng Thông cho biết, năm 2015, xã này được đầu tư xây dựng công trình hệ thống cấp nước sạch. Đây là công trình nằm trong dựán đầu tư xây dựng Quần thể lưu niệm cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong.

Được biết, công trình nhà máy nước sạch này do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư với kinh phí dự toán là 25,8 tỉ đồng; trong đó, chi phí xây dựng là 18,99 tỉ đồng. Nhà máy được thiết kế có công suất 1.000m3/ngày đêm; khi hoàn thànhnhà máy nước này sẽ phục vụ, cung cấp nước sạch cho hơn 1.200 hộ dân trong xã Hưng Thông.

Đến thời điểm này, công trình đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng như hệ thống nhà làm việc, trạm bơm, hệ thống điện, mạng lưới đường ống, tường bao, khu xử lý, 2 hồ chứa nước... Tuy nhiên, khi chúng tôi vào tham quan công trình này thì phát hiện nhiều hạng mục đã bị hư hỏng, xuống cấp.

Kè taluy bờ hồ chứa nước bị nứt gãy, sụt lún, có nơi được nhà thầu khắc phục bằng cách trát xi măng trên bề mặt

Cụ thể, như hệ thống kè taluy bờ hồ chứa nước có nhiều vị trí bị nứt gãy, sụt lún, một số chỗ được nhà thầu khắc phục bằng cách trát xi măng vào các vết nứt. Tường của nhà làm việc cũng xuất hiện nhiều vết rạn nứt kéo dài. Do khóa nhà bị hỏng nên kẻ gian đã đột nhập vào lấy đi các thiết bị của nhà vệ sinh.

Hiện tại, toàn bộ các hạng mục của công trình này đang nằm trơ trọi trong khuôn viên được người dân sử dụng để chăn thả bò. Máy bơm cũng chưa được nhà thầu đưa về để lắp đặt.

Hơn 1.200 hộ dân xã Hưng Thông đang “dài cổ” chờ nhà máy nước này hoàn thành

Ông Hoàng Anh Tiến, Trưởng ban Quản lý các dự án xây dựng cơ bản huyện Hưng Nguyên cho biết: “Công trình chưa bàn giao nên hạng mục nào xuống cấp, làm chưa đúng thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra và yêu cầu đơn vị thi công làm lại”.

Lý giải về việc một số hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng khi công trình chưa hoàn thành, một cán bộ phụ trách kỹ thuật của ban này cho hay: “Theo hồ sơ thiết kế, công trình được đào đất sét đắp tại chỗ. Toàn bộ công trình được xây dựng trên nền đất rất yếu, đào xuống 3 mét vẫn sình lầy nên không thể tránh khỏi sự cố. Vì thi công trong nền đất đắp, đất sét tại chỗ nên trong quá trình đắp lại vào mùa mưa lũ bị ngâm nước, sau đó khô thì bị tụt dẫn đến nứt và sụt lún”.

Quang Cường - Duy Vinh
Bài liên quan
Tổng công ty cấp nước Sài Gòn tài trợ nước sạch cho bà con huyện Tân Phú Đông
Ngày 26.4, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã tài trợ 40.000m3 nước (mỗi ngày vận chuyển 2.000m3 nước bằng sà lan), trao tặng 5.000 túi chứa nước loại 5 lít và cho xe bồn vận chuyển nước sạch đến huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) nhằm giúp người dân vượt qua hạn, mặn đang diễn ra gay gắt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân 'dài cổ' ngóng nước sạch bên nhà máy nước 26 tỉ đồng chưa bàn giao đã hỏng