Bằng phương pháp đặt thể hang nhân tạo, bệnh nhân mắc bệnh rối loạn cương mà dân gian thường gọi là mắc bệnh “trên bảo dưới không nghe” sẽ được trả lại chức năng đàn ông bình thường mà bấy lâu nay điều trị bằng thuốc và nhiều phương pháp khác không thành công.

Đàn ông Việt không còn lo bệnh ‘trên bảo dưới không nghe’

Hồ Quang | 24/06/2019, 19:14

Bằng phương pháp đặt thể hang nhân tạo, bệnh nhân mắc bệnh rối loạn cương mà dân gian thường gọi là mắc bệnh “trên bảo dưới không nghe” sẽ được trả lại chức năng đàn ông bình thường mà bấy lâu nay điều trị bằng thuốc và nhiều phương pháp khác không thành công.

Ngày 24.6, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho biết bệnh viện này sẽ chính thức triển khai kỹ thuật liệu pháp sóng xung kích và đặt thể hang nhân tạo để điều trị bệnh rối loạn cương vào tháng 7.2019 tới. Đặc biệt, kỹ thuật đặt thể hang nhân tạo - một phương pháp mới và hiện đại lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam trong điều trị rối loạn cương, giúp các đấng mày râu lấy lại “bản lĩnh đàn ông” khi đã điều trị thuốc và nhiều phương pháp khác bất thành.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn cương, trong đó tập trung chủ yếu là do lối sống (hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu...) tâm lý, bệnh lý (tổn thương mạch máu, chấn thương cột sống, béo phì, tim mạch)...

Rối loạn cương đang là bệnh lý ảnh hưởng đến chất lượng sống của hơn 150 triệu nam giới trên thế giới. Những rối loạn này đe dọa đời sống lứa đôi vì khiến nhiều người đàn ông rơi vào tự ti, lo lắng. Cùng với sự gia tăng của các bệnh mạn tính như bệnh mạch máu, đái tháo đường… rối loạn cương đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Tại Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, người bệnh rối loạn cương chiếm 30% số trường hợp đến thăm khám và điều trị. Đối với hầu hết các trường hợp rối loạn cương, trị liệu ban đầu theo phác đồ tiêu chuẩn là sử dụng thuốc thuốc ức chế men phosphodiesterase nhóm 5 (PDE5i). Tuy nhiên, khoảng 30% nam giới rối loạn cương không đáp ứng điều trị với nhóm thuốc này và cần thiết một phương pháp điều trị khác.

Thể hang được đưa vào bên trong dương vật có công tắc đóng mở. Khi muốn quan hệ tình dục thì nam giới mở công tắc để dương vậtcương cứng và khi kết thúc quan hệ thì đóng lại -Ảnh: T.N

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng cho biết cả 2 kỹ thuật liệu pháp sóng xung kích và đặt thể hang nhân tạo đã được bệnh viện ấp ủ từ hơn 3 năm qua. Tuy nhiên, đến nay bệnh viện này mới thực hiện 2 kỹ thuật trên là do chờ Bộ Y tế cho phép lưu hành những sản phẩm này cũng như chờ hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện thông qua. Ngoài ra, bệnh viện cũng cần có thời gian để mua sắm những dụng cụ tốt, đầu tư phòng mổ (phòng mổ vô trùng, phòng mổ áp lực dương...) và nguồn nhân lực.

Bác sĩ Dũng cho biết liệu pháp sóng xung kích cường độ thấp (LI-SWT) giúp cải thiện trong huyết động học và chức năng nội mô của dương vật, cũng như chức năng cương ở người bị rối loạn cương nặng, đáp ứng kém với các thuốc PDE5i. Trị liệu này được áp dụng cho các trường hợp bị rối loạn cương trên 6 tháng, đáp ứng kém với thuốc PDE5i, rối loạn cương do tổn thương mạch máu.

Khi sử dụng thuốc, liệu pháp sóng xung kích và các phương pháp khác vẫn không giúp đủ cương cứng cho việc quan hệ của nam giới thì sẽ sử dụng kỹ thuật đặt thể hang nhân tạo. Đây là một kỹ thuật tiên tiến hiện đại trong việc điều trị rối loạn cương lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

“Thể hang nhân tạo là một thiết bị gồm hai que hình trụ đặt vào 2 bên thể hang, một túi chứa đặt ở sau xương mu và một bơm đặt ở bìu để người bệnh có thể chủ động bật và tắt chức năng cương. Ba bộ phận này được kết nối bằng hệ thống dây dẫn nằm ẩn bên trong cơ thể. Sau khi quan hệ tình dục đạt cực khoái, nam giới có thể đóngcông tắt để cho dương vật xìu xuống. Nhiều nghiên cứu trên thế giới ghi nhận tỉ lệ hài lòng khi quan hệ tình dục ở nam giới và bạn tình lên đến hơn 90% sau phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo. Kỹ thuật này rất phù hợp với những bệnh nhân rối loạn cương do bị chấn thương cột sống, phẫu thuật vùng chậu, phẫu thuật tiền liệt tuyến...”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Liệu phápsóng xung kích cũng giúp dương vật cương cứng khi sử dụng thuốc không hiệu quả - Ảnh: T.N

Bác sĩ Dũng khẳng định với kỹ thuật đặt thể hang nhân tạo, nếu chỉ định đúng, làm đúng kỹ thuật và vật liệu đảm bảo chất lượng thì sẽ không gây biến chứng và ảnh hưởngđến chức năng sinh lý. "Thể hang nhân tạo đặt trong dương vật bệnh nhân có một công tắc đóng mở. Khi bệnh nhân muốn quan hệ tình dục thì mở công tắc, dương vật tự động cương cứng, khi đã xuất tinh hay ngưng quan hệ thì đóng công tắc dương vậttự động xìu xuống", bác sĩ Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho biết để mở đầu cho việc thực hiện 2 kỹ thuật mới này, vào đầu tháng 7 tới, bệnh viện sẽ điều trị miễn phí 50 trường hợp bệnh nhân bị rối loạn cương bằng kỹ thuật liệu pháp sóng xung kích.

Những bệnh nhân được lựa chọn điều trị miễn phí kỹ thuật này phải là những bệnh nhân rối loạn cương do tổn thương mạch máu, điều trị thuốc không đáp ứng. Tại đây, các bác sĩ sẽ hướng dẫn quá trình điều trị và bệnh nhân phải tuân thủ điều trị. Trong từng thời điểm điều trị, các bác sĩ sẽ có liệu trình hướng dẫn cho bệnh nhân phù hợp. Sau khi kết thúc liệu trình điều trị, bệnh viện sẽ có báo cáo ban đầu về hiệu quả của kỹ thuật này.

Riêng kỹ thuật đặt thể hang nhân tạo sẽ được bệnh viện thực hiện cho một trường hợp bệnh nhân bị rối loạn cương rất nặng vào ngày 27.7 tới. Đây chính là ca đặt thể hang nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam để điều trị bệnh rối loạn cương.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị
5 giờ trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đàn ông Việt không còn lo bệnh ‘trên bảo dưới không nghe’