Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định dân quân tự vệ có nhiệm vụ tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng tại khoản 4 là phù hợp với trình độ sản xuất phát triển, việc ứng dụng, mở rộng công nghệ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Dân quân tự vệ có nhiệm vụ tham gia chiến tranh thông tin, không gian mạng

Bùi Trí Lâm | 28/10/2019, 10:01

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định dân quân tự vệ có nhiệm vụ tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng tại khoản 4 là phù hợp với trình độ sản xuất phát triển, việc ứng dụng, mở rộng công nghệ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

          

Sáng 28.10, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, cụm từ “Dân quân tự vệ” tại tên dự thảo Luật đã được sử dụng thống nhất trong các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, Luật Quốc phòng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, kế thừa tên gọi của Luật Dân quân tự vệ năm 2009; cụm từ này dùng để chỉ một lực lượng thuộc thành phần của lực lượng vũ trang.

Theo quy định của Luật hiện hành và dự thảo Luật, đơn vị dân quân được tổ chức ở địa phương, đơn vị tự vệ được tổ chức ở cơ quan, tổ chức nhưng thống nhất về cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức, chỉ huy, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ.

Mặt khác, tên gọi “Dân quân tự vệ” gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng này qua các thời kỳ và quen thuộc trong đời sống xã hội, quá trình tổ chức thực hiện không vướng mắc. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Về nhiệm vụ của dân quân tự vệ, dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành. Dự thảo luật quy định dân quân tự vệ có nhiệm vụ tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng tại khoản 4 là phù hợp với trình độ sản xuất phát triển, việc ứng dụng, mở rộng công nghệ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Theo đó, dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, công tác, được đào tạo và tiếp cận với khoa học công nghệ, nên có trình độ và khả năng thực hiện nhiệm vụ này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Điều 13 Luật Quốc phòng đã quy định nội hàm của phòng thủ dân sự, trong đó Dân quân tự vệ là một trong các lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này .

Hiện nay, ngoài việc phòng, chống khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, dân quân tự vệ đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Do đó, dự thảo Luật quy định nhiệm vụ này là phù hợp với Dân quân tự vệ nên đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Dự thảo luật cũng quy định kéo dài độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nhằm khắc phục tình trạng ở một số địa phương, cơ quan tổ chức thiếu người để tổ chức đơn vị dân quân tự vệ; đồng thời tạo điều kiện, thu hút công dân có kinh nghiệm, khả năng vào phục vụ trong dân quân tự vệ biển và giữ các chức vụ chỉ huy đơn vị.

Mặt khác, nhu cầu tuyển chọn công dân vào dân quân tự vệ không lớn (chỉ chiếm khoảng 3,5% so với tổng số công dân trong độ tuổi); nếu tăng độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ lên 5 năm và kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ này đến hết độ tuổi lao động sẽ không phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù quốc phòng, quân sự của dân quân tự vệ, phát sinh chi phí quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

Về tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo luật đã mở rộng diện đối tượng được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ để tương thích với Luật Nghĩa vụ quân sự.

Việc này nhằm cụ thể hóa chính sách ưu đãi đối với gia đình người có công với cách mạng, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn; tạo điều kiện cho công dân học tập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống; đồng thời không ảnh hưởng đến việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, vì nhu cầu tổ chức Dân quân tự vệ chỉ chiếm khoảng 3,5% so với tổng số công dân trong độ tuổi.

Trường hợp trong gia đình có nhiều người trong độ tuổi, người trong hộ cận nghèo; quân nhân phục viên, xuất ngũ chuyển ngành chưa xếp vào đơn vị dự bị động viên không thuộc diện chính sách ưu tiên nếu tạm hoãn, miễn cho họ sẽ không bảo đảm công bằng về quyền và nghĩa vụ của công dân. Mặt khác, hằng năm thời gian huy động dân quân tự vệ để thực hiện nhiệm vụ không nhiều (trung bình từ 20 đến 30 ngày) nên không ảnh hưởng nhiều đến gia đình của dân quân tự vệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt nêu rõ, để quy định chặt chẽ, bảo đảm tính hệ thống, đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý Điều 43 như dự thảo trình Quốc hội và giữ Điều 40, 41 và 42.

Lam Thanh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân quân tự vệ có nhiệm vụ tham gia chiến tranh thông tin, không gian mạng