Hai nhà máy nước được xây dựng để cung cấp nước sạch cho hơn 300 hộ dân vùng tái định cư dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang sau vài năm đã xuống cấp, thậm chí không hoạt động.

Dân thiếu nước sạch dù ở cạnh 2 nhà máy nước

Quang Cường | 18/07/2023, 13:44

Hai nhà máy nước được xây dựng để cung cấp nước sạch cho hơn 300 hộ dân vùng tái định cư dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang sau vài năm đã xuống cấp, thậm chí không hoạt động.

Hai nhà máy nước đầu tư tiền tỉ "có cũng như không"

Để nhường đất cho dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, người dân hai xã Hương Quang và Hương Điền (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) nằm trong quy hoạch lòng hồ phải di dời đến khu tái định cư thuộc xã Thọ Điền và Quang Thọ.

Sau khi về nơi ở mới, từ năm 2017, hơn 300 hộ dân tái định cư sử dụng nguồn nước sinh hoạt được cấp từ hai nhà máy nước được xây dựng ngay cạnh khu dân cư.

Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, hai nhà máy xử lý nước này bị xuống cấp, hư hỏng nhiều hạng mục, thậm chí không hoạt động. Trước tình trạng này, các hộ dân tại hai khu tái định cư phải chủ động tìm kiếm nguồn nước sạch bằng nhiều cách khác nhau suốt một thời gian dài.

img_9897.jpg
Nhà máy nước xã Thọ Điền cấp nước cho hơn 130 hộ dân tái định cư nhưng do một số thiết bị, hạng mục bị hư hỏng và thiếu kinh phí sửa chữa nên hiện tại nước chỉ được cho chảy tự nhiên qua hệ thống mà không có hóa chất xử lý - Ảnh: Quang Cường 

Tại khu tái định cư Khe Ná – Khe Gỗ (xã Thọ Điền), nhà máy nước sạch được Ban chuyên trách Dự án hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 8 tỉ đồng. Cuối năm 2017, nhà máy đi vào hoạt động, cấp nước cho hơn 130 hộ dân thuộc 4 thôn Kiều, Đăng, Thị, Ngân.

img_9905.jpg
Hệ thống xử lý nước của nhà máy nước Thọ Điền có bể lọc bằng bọt xốp và bể lọc bằng cát, nhưng do mấy năm qua xã không có kinh phí để thay thế các bộ phận lọc nên nước chảy qua bể gần như không được xử lý - Ảnh: Quang Cường

Anh Nguyễn Hồng Minh, người vận hành nhà máy nước Thọ Điền cho biết, sau khi chủ đầu tư xây dựng xong nhà máy và đưa vào hoạt động, cán bộ kỹ thuật của họ ở khoảng 15 ngày để hướng dẫn kỹ thuật sau đó bàn giao cho xã quản lý, vận hành.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn thì một số hạng mục của nhà máy bị xuống cấp, hư hỏng nên việc cấp nước cho dân không được đảm bảo.

“Nước nguồn được lấy từ đập Khe Ná, qua ống dẫn về và được xử lý bằng clo rồi qua một bể bọt xốp, một bể cát sau đó dẫn về nhà dân. Tuy nhiên, mấy năm nay do xã không có kinh phí để mua hóa chất và thay hệ thống bọt xốp cũng như bể cát nên nước qua nhà máy gần như không được xử lý, không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, nguồn nước từ đập Khe Ná thời gian gần đây cũng bẩn nên người dân không sử dụng”, anh Minh cho hay.

Ngoài ra, do hệ thống đường ống dẫn nước có một số vị trí cao nên áp lực nước không đủ đẩy nước đến nhà dân, vì vậy một số hộ nhiều năm qua không hề được sử dụng nguồn nước sạch từ nhà máy.

Cùng những lý do trên nhà máy nước xã Thọ Điền đang trong tình trạng "có cũng như không".

img_9900.jpg
Bể lắng của nhà máy nước xã Thọ Điền đã lâu không sử dụng nên cỏ mọc um tùm trên mặt bể - Ảnh: Quang Cường

Tại khu tái định cư Hói Trùng, xã Quang Thọ, dù người dân sống bên cạnh nhà máy nước nhưng cũng chẳng sáng sủa gì hơn.

Nhà máy nước ở đây cũng do Ban chuyên trách Dự án hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 6 tỉ đồng và được đưa vào sử dụng từ năm 2017. Nhà máy này cấp nước cho 216 hộ dân tái định cư ở 3 thôn Kim Quang, Tùng Quang và Kim Thọ.

Cũng như nhà máy nước xã Thọ Điền, hiện tại nhiều hạng mục, thiết bị ở đây bị xuống cấp, hư hỏng và không thể vận hành hiệu quả, thậm chí bị bỏ hoang.

img_9929.jpg
Nhà máy nước xã Quang Thọ có 4 cái máy bơm thì hiện tại có 3 cái bị hỏng nên không thể vận hành - Ảnh: Quang Cường

Anh Trần Thanh Hải, người vận hành nhà máy nước xã Quang Thọ cho biết công trình này đi vào hoạt động đã được hơn 6 năm. Thời gian một đến hai năm đầu thì nhà máy vẫn vận hành cấp nước, nhưng sau đó hệ thống máy móc bị xuống cấp. Hiện nay thì máy móc hư hỏng gần như toàn bộ nên không thể hoạt động.

img_9938.jpg
Hệ thống bể lọc của nhà máy nước xã Quang Thọ không được thay thế lớp vật liệu lọc nên nước chỉ chảy qua mà không được xử lý, còn bể lắng không sử dụng nên cũng đã hoang phế, cỏ dại mọc um tùm - Ảnh: Quang Cường

“Hiện tại do ba máy bơm bị hỏng, chỉ còn một máy nên sức đẩy rất yếu. Trên tổng số 216 hộ dân của 3 thôn thì hiện nay chỉ có khoảng 1/3 hộ dân của một thôn sử dụng được nước từ nhà máy. Vấn đề cấp thiết là cần thay thế hệ thống máy bơm, kiểm tra đường ống, van xả và thay thế các hệ thống lọc”, anh Hải nói.

Dân phải kéo cả đường ống lên khe núi lấy nước

Do nhà máy nước bị hỏng, hoạt động không hiệu quả, thậm chí là dừng hoạt động nên hơn 300 hộ dân tái định cư thuộc hai xã Thọ Điền và Quang Thọ từ nhiều năm nay phải tự nghĩ cách tạo nguồn nước sạch để dùng.

Bà Nguyễn Thị Hà (thôn Đăng, xã Thọ Điền) cho biết gia đình bà đã được lắp đặt hệ thống đường ống, đồng hồ, vòi nước nhưng tất cả đều bỏ phí vì thời gian gần đây nước từ nhà máy về quá bẩn, không thể sử dụng.

Hầu hết các hộ dân phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt. Tuy nhiên, nước giếng khoan dù được lọc qua hệ thống lọc tự chế hoặc máy lọc nhưng vẫn có phèn nên nhiều hộ phải xây bể tích trữ nước mưa để dùng. 

img_9880.jpg
Nguồn nước ở đập Khe Ná cấp cho nhà máy nước xã Thọ Điền thời gian gần đây bị bẩn, có phèn và mùi tanh, khi qua nhà máy không được xử lý nên người dân không thể dùng để ăn uống - Ảnh: Quang Cường

Anh Nguyễn Xuân Anh (thôn Kiều, xã Thọ Điền) cho hay: “Nước của nhà máy cấp về chảy rất yếu và không được sạch, do đó bà con không thể dùng để ăn uống. Mong cơ quan chức năng có phương pháp xử lý để bà con sớm có nước sạch sử dụng”.

Còn ở khu tái định cư xã Quang Thọ, do nhà máy gần như không hoạt động nên người dân phải tự mua ống nhựa để dẫn nước từ khe trên núi về sử dụng. Mỗi cụm khoảng chục hộ dân chung nhau một đường ống lớn dẫn nước nguồn rồi chia nhánh về từng nhà. Có một số nhà phải kéo đường ống dài đến cả hàng trăm mét.

img_9940.jpg
img_9943.jpg
Người dân ở khu tái định cư Hói Trùng, xã Quang Thọ kéo ống nhựa luồn qua rừng để dẫn nước từ khe trên núi về sinh hoạt - Ảnh: Quang Cường

Theo ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Quang Thọ, từ khi dân về tái định cư ở đây thì cơ bản là sử dụng nước của nhà máy nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Thực trạng hiện nay là máy móc hư hỏng, xuống cấp, hằng năm địa phương không có kinh phí duy tu, sửa chữa nên nhà máy không thể vận hành.

img_9922.jpg
Người dân khu tái định cư Hói Trùng chôn đường ống dẫn nước từ núi chạy qua ngay trước của nhà máy nước sạch bị hoang phế - Ảnh: Quang Cường

Vấn đề dân thiếu nước sạch, chính quyền xã thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa nhà máy nói trên đã được cử tri nhiều lần phản ánh trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Ông Phạm Quang Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Thọ Điền nói: “Đến thời điểm này thì một số cơ sở vật chất, thiết bị của nhà máy đã xuống cấp. Để tiếp tục duy trì cấp nước sử dụng cho người dân trong thời gian tới, chúng tôi kính đề nghị cấp trên, các ngành quan tâm đầu tư kinh phí để khắc phục, sửa chữa nhằm đưa nhà máy hoạt động có hiệu quả trở lại”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân thiếu nước sạch dù ở cạnh 2 nhà máy nước