Ngày 15.7, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025.

TP.HCM tiếp tục tập trung tìm kiếm giải pháp giải quyết các điểm nghẽn

Tú Viên | 15/07/2023, 19:31

Ngày 15.7, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đây là hội nghị rất quan trọng, là dịp để thành phố nhìn lại, đánh giá lại tình hình, kết quả, mặt được, chưa được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, dự báo bối cảnh, thời cơ và thử thách, đồng thời bàn những giải pháp có tính đột phá, linh hoạt, sáng tạo để thích ứng với tình hình mới, tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho đầu tư phát triển, giải quyết cơ bản những vấn đề và phát sinh.

Điểm lại kết quả nửa nhiệm kỳ đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần 11, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh, năm 2021, TP.HCM cũng như nhiều tỉnh thành phía nam rơi vào "tăng trưởng âm. Song, năm 2022, sau khi kinh tế bắt đầu phục hồi, kinh tế TP.HCM đã tăng trưởng được 9,03%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, dù quý 1 có nhiều lo ngại nhưng kết thúc quý 2, kinh tế thành phố đã tăng trưởng được 3,55%.

qu.jpg
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị-Ảnh: SGGP

Bên cạnh đó, năng suất lao động của thành phố cũng đang tăng cao hơn mức cả nước, giai đoạn vừa qua tăng 4% (cao hơn cả nước khoảng 1,8 lần). Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 111 tỉ USD (tăng khoảng 32,4% so với nhiệm kỳ trước); thu hút FDI tiếp tục là địa phương dẫn đầu, thu ngân sách tăng.

Gần đây, TP.HCM tiếp tục tập trung đầu tư đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng trọng điểm; đẩy mạnh công tác chuẩn bị để tiếp tục triển khai các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng. Thường trực Ban Bí thư bày tỏ nhìn thấy sự quyết tâm rất cao của thành phố trong việc triển khai các mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Thường trực Ban Bí thư cũng nhận xét một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết 11 còn khó khăn; đồng thời yêu cầu TP.HCM tiếp tục tập trung tìm kiếm giải pháp giải quyết các điểm nghẽn.

TP.HCM cần tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nửa nhiệm kỳ còn lại với Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục khắc phục hạn chế, khó khăn, điểm nghẽn, không để hạn chế kéo dài, ảnh hưởng đến cơ hội, đến thuận lợi, đến phát huy được tiềm năng của thành phố.

“Sự phát triển của thành phố không chỉ là cho nhân dân thành phố hiện nay cũng như trong tương lai mà quan trọng còn góp phần rất to lớn cho phát triển của đất nước và phát triển của khu vực Đông Nam Bộ”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Cũng theo bà Trương Thị Mai, với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, vị trí chính trị quan trọng của cả nước thì sự phát triển của thành phố sẽ có sức lan tỏa, là sự động viên, thúc đẩy cho cả khu vực Đông Nam Bộ, khu vực trọng điểm kinh tế phía nam.

Thường trực Ban Bí thư lưu ý TP.HCM phải chú trọng đến những vấn đề liên quan thiết yếu đến cuộc sống của nhân dân như: giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, các chính sách an sinh xã hội.

“Các đồng chí phải làm sao để có thể tăng số người tiếp cận được BHYT, BHXH để đảm bảo một mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn, đảm bảo cho người dân thành phố có thể chịu đựng được những "cú sốc" có thể xảy ra về kinh tế, về dịch bệnh”, bà Trương Thị Mai đặt hàng.

TP.HCM cũng phải quan tâm đến công tác an ninh trật tự; đảm bảo quốc phòng, an ninh; không để xảy ra điểm nóng, điểm phức tạp và phải quan tâm tiếp tục xử lý nguyện vọng, tâm tư hợp pháp, chính đáng của người dân.

mmmmm.jpeg
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng có 2 điểm tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu về kinh tế-xã hội trong nửa nhiệm kỳ qua.

Thứ nhất, kinh tế TP.HCM có lúc đạt được tăng trưởng 2 con số, cao gấp 1,5-1,6 lần so với bình quân chung của cả nước nhưng đã suy giảm dần trong 10 năm qua và chạm đáy trong quý 1/2023.

Qua phân tích, thành phố đánh giá thời điểm quý 1/2023 là thời điểm bộc lộ rõ nhất những tồn tại, tích tụ qua nhiều năm do cơ chế kinh tế thành phố chậm được tái cơ cấu, do thể chế quản lý đô thị còn bất cập.

Ông Mãi cho rằng đây là vấn đề phải hết sức tập trung, phân tích làm rõ và có giải pháp thời gian tới. Phải đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế thành phố, tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý đô thị, đặc biệt đối với thành phố có quy mô dân số trên 10 triệu dân.

Thứ 2, đó là việc chậm đầu tư triển khai các công trình, dự án đồng bộ để hỗ trợ cho chuyển dịch tái cơ cấu kinh tế cũng như tạo không gian phát triển cho thành phố. Ông Mãi dẫn lời Bí thư Thành ủy TP.HCM từng nói "3 đột phá chiến lược từ thể chế, hạ tầng đến nguồn nhân lực đều có điểm nghẽn và biểu hiện rõ nhất ở TP.HCM. TP.HCM nghẽn nhiều nhất và bộc lộ điểm yếu rõ ràng nhất".

Tuy nhiên, theo ông Mãi dự báo, những tiền đề mà thành phố tạo ra từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, từ các nghị quyết của Đảng, các cơ chế, chính sách của các cơ quan trung ương đến các nỗ lực của thành phố đều sẽ phục hồi trở lại và Thành phố sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Các chuyên gia cho rằng kinh tế TP.HCM đang phục hồi và sẽ tái lập đỉnh tăng trưởng vào khoảng năm 2025-2026.

Ngoài ra, vị trí địa kinh tế cũng như các chủ trương, chính sách mới cộng với các chính sách mới của kinh tế thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo sẽ tác động tích cực và sẽ là điều kiện để thành phố phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong thời gian tới.

Bài liên quan
TP.HCM: Lần đầu tiên triển khai cổng thông tin tuyển sinh lớp 10
Ngày 27.4, Sở GD-ĐT TP.HCM mở cổng thông tin tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM tiếp tục tập trung tìm kiếm giải pháp giải quyết các điểm nghẽn