Trở lại tái khám sau thời gian điều trị thành công căn bệnh tắc động mạch giữa, bất ngờ ông Nguyễn Văn T. (46 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) chao đảo, lơ mơ rồi ngất xỉu tại chỗ. Ông T. nhanh chóng chuyển đến cấp cứu và các bác sĩ xác định bệnh nhân bị liệt mặt 1 bên, yếu nửa người bên phải, phát âm không rõ.

Đang khám bệnh, người đàn ông bất ngờ bị liệt mặt, yếu nửa người

Hồ Quang | 25/09/2016, 15:38

Trở lại tái khám sau thời gian điều trị thành công căn bệnh tắc động mạch giữa, bất ngờ ông Nguyễn Văn T. (46 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) chao đảo, lơ mơ rồi ngất xỉu tại chỗ. Ông T. nhanh chóng chuyển đến cấp cứu và các bác sĩ xác định bệnh nhân bị liệt mặt 1 bên, yếu nửa người bên phải, phát âm không rõ.

Ngày 25.9, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay ông T. tới tái khám tại bệnh viện này vìcó tiền căn đột quỵ não do tắc động mạch giữa cách đây 2 năm và được điều trị nội khoa.

TS.BS Nguyễn Bá Thắng – Trưởng đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết trong lần tái khám này, bệnh nhân được chụp mạch máu não bằng CT scan thì thấy tắc mạch máu não cũ nên bác sĩ chỉ định nhập viện để chụp DSA (chụpmạch xóa hình nền) não khảo sát.

Tuy nhiên, trong lúc đang chụp, bệnh nhân đột ngột lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt mặt 1 bên, yếu nửa người bên phải, phát âm không rõ.

Theo nhận định của bác sĩ Thắng, bệnh nhân T. bị đột quỵ cấp do lấp mạch não (tắc mạch máu lớn trong não).

“Người bệnh có triệu chứng chỉ một vài phút là khởi phát ngay nên chúng tôi phải tiến hành khẩn quy trình cấp cứu đột quỵ. Lập tức một ê kíp phẫu thuật tiến hành lấy huyết khối, kết hợp hút bằng ống thông lớn và rút huyết khối cơ học bằng stent.

Các bác sĩ đã phối hợp một cách rất nhịp nhàng, tranh thủ từng phút cứu người bệnh, giúp người bệnh có sự phục hồi ngoạn mục và nhanh chóng. Chỉ sau 3 tiếng đồng hồ can thiệp, bệnh nhân hoàn toàn bình phục trở lại”, bác sĩ Thắng chia sẻ.

Phân tích của bác sĩ Thắng cho thấy có 2 nhóm kỹ thuật can thiệp tái thông mạch não là hút huyết khối áp lực âm bằng ống thông lớn, và rút huyết khối bằng dụng cụ dạng stent (stent-retrivers). Nếu sử dụng riêng lẻ mỗi phương pháp thì kết quả tái thông tốt trong khoảng 70% các trường hợp.

Tuy nhiên, nếu sử dụng kết hợp cả 2 phương pháp đúng cách, thì hơn 95% các trường hợp tắc các mạch máu lớn trong não có thể tái thông thành công với nguy cơ không quá cao. Trên thế giới gọi phương pháp kết hợp này là kỹ thuật kết hợp hút và rút (kéo) huyết khối ARTS.

Theo bác sĩ Thắng đột quỵ lấp mạch não có nguy cơ tử vong khá cao và nguy cơ để lại di chứng tàn tật ảnh hưởng cuộc sống người bệnh sau này cũng rất cao (khoảng 10 - 20% tử vong và hơn 80% di chứng nặng nề nếu không điều trị kịp thời.

Nếu người bệnh đột quỵ lấp mạch não có tắc các mạch máu lớn trong não được tiếp cận điều trị trong thời gian vàng với thuốc tan huyết khối (trong 4-5giờ đầu) và can thiệp tái thông mạch não (trong 6 giờ đầu), thì cơ hội để người bệnh hồi phục có thể tự sinh hoạt về sau là hơn 50%.

“Người dân nên kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: không hút thuốc, hạn chế bia rượu, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng, huyết áp lý tưởng, và khám sức khỏe định kỳ mỗi năm.

Khi bị đột quỵ phải được tiếp cận điều trị càng sớm thì tiên lượng càng tốt. Đột quỵ lấp mạch não có thời gian vàngrất ngắn chỉ từ 3 - 6h, nên cần nhận thức được "thời gian là não", để đưa người bệnh đến cơ sở y tế có điều trị đột quỵ chuyên sâu nhanh nhất có thể”, bác sĩ Thắng khuyến cáo.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đang khám bệnh, người đàn ông bất ngờ bị liệt mặt, yếu nửa người