Trong bối cảnh hàng loạt DNNN xin được hỗ trợ, khi mà chúng ta tuyên bố sẽ cải cách nền kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa đầu tư nhiều hơn, thì trên thực tế, số doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia đầu tư ngày càng nhiều.

Đằng sau việc hàng loạt DNNN xin hỗ trợ

Nhàn Đàm | 14/04/2016, 11:39

Trong bối cảnh hàng loạt DNNN xin được hỗ trợ, khi mà chúng ta tuyên bố sẽ cải cách nền kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa đầu tư nhiều hơn, thì trên thực tế, số doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia đầu tư ngày càng nhiều.

Một trong những sự kiện gây sốc nhất trong nền kinh tế xét trên nhiều phương diện thời gian gần đây không gì khác ngoài việc dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên của TISCO vốn đã bị ngưng trệ và trùm mền vài năm nay bỗng dưng đề xuất muốn tiếp tục hoàn thiện và xin thêm vài ngàn tỉ đồng đầu tư, đưa chi phí từ mức 3.800 tỉ đồng ban đầu lên mức 9.031 tỉ đồng hiện nay, chưa kể một loạt các đề xuất xin ưu đãi như giảm thuế, trong khi máy móc đã phơi nắng phơi sương 7-8 năm trời. Đây là trường hợp tiếp nối một loạt các sự việc những nhà máy và khu công nghiệp - chế xuất nhà nước trên toàn quốc thi nhau xin những ưu đãi để bao biện cho khả năng hoạt động kinh doanh kém hiệu quả của mình. Nhưng trường hợp nhà máy gang thép Thái Nguyên của TISCO thì lên đến đỉnh điểm, và gây sốc nặng, bởi không những lãng phí hàng ngàn tỉ đồng và chưa thể đi vào hoạt động, bị đánh giágần như không thể tồn tại và hoạt động hiệu quả, mà vẫn tiếp tục xin thêm tiền Nhà nước để hoàn tất dự án.

Câu chuyện nhà máy gang thép của TISCO, cùng hàng loạt các dự án thuộc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) liên tục đòi hỏi những ưu đãi trong thời gian vừa qua, trên khía cạnh kinh tế vĩ mô, đang đi ngược lại với định hướng điều hành kinh tế của Nhà nước và Chính phủ. Chương trình tái cơ cấu các DNNN đã được khởi động từ năm 2012, và sức ép cổ phần hóa DNNN đang ngày càng trở nên mạnh hơn khi nhiều thương hiệu lớn ăn nên làm ra như Vinamilk cũng nằm trong diện sẽ được cổ phần hóa, nhằm giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế và nâng cao khả năng hoạt động của các DNNN thông qua việc loại bỏ các DN yếu kém. Trong bối cảnh đó việc các DNNN yêu cầu hỗ trợ do khả năng hoạt động yếu kém của mình rõ ràng là điều không thể chấp nhận, nó đang kéo lùi các nỗ lực cải cách khu vực kinh tế nhà nước đã được tiến hành từ vài năm qua.

Trong bối cảnh đó, việc TISCO đề xuất xin thêm hàng ngàn tỉ để tiếp tục một dự án bị hầu hết các chuyên gia nhận định là không thể đem lại hiệu quả sau thời gian đắp chiếu quá lâu và nhất là trong bối cảnh thép Trung Quốc đang tràn ngập thị trường, không thể chấp nhận được. Không chỉ vì tính khả thi của việc tiếp tục dự án là quá thấp, mà còn vì việc đề xuất xin ngàn tỉ để cứu một dự án chết trong khi ngân sách quốc gia đang khó khăn hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ ngân sách quốc gia đang trở nên khó khăn như thời điểm hiện tại, khi tổng mức chi trả nợ trong năm 2016 được dự tính sẽ lên đến 26% tổng thu ngân sách quốc gia. Chưa kể tình trạng hạn hán, thiên tai tại đồng bằng sông Cửu Long cũng đang khiến Nhà nước phải chi hàng trăm hàng ngàn tỉ đồng để hỗ trợ và xử lý hậu quả. Tình hình trở nên nguy ngập đến mức Chính phủ đã phải tính đến phương án phát hành 3 tỉ USD trái phiếu quốc tế bằng đồng USD để chữa cháy dù đây là một phương án có rất nhiều rủi ro đi kèm đã được nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo. Lẽ ra đây là thời điểm mà hiệu quả kinh tế của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải được đẩy lên mức cao nhất có thể, và tất cả những dự án có hiệu quả kinh tế kém sẽ bị đình trệ và cắt giảm, thì việc TISCO ngang nhiên xin vài ngàn tỷ để cứu một dự án chết là đòi hỏi chi tiêu vô tội vạ, khi nợ công chồng chất, ngân sách quốc gia đã ở chân tường.

Quả thực, ở thời điểm hiện tại, các dấu hiệu cải cách trong nền kinh tế đang là quá ít, trong khi các dấu hiệu đi ngược lại với cải cách thì lại quá nhiều. Trong khi tần suất các DNNN xin các trợ cấp và ưu đãi để cải thiện tình hình kinh doanh kém cỏi đang ngày càng tăng lên, vốn là một biểu hiện đi ngược lại với nguyên lý kinh tế thị trường và đi ngược lại với định hướng cải cách nền kinh tế, thì các rào cản đang được đặt ra nhiều hơn trong nền kinh tế khiến cho môi trường đầu tư kinh doanh đang ngày càng bức bối hơn. Chỉ trong 3 tháng đầu năm các loại thuế phí đánh lên doanh nghiệp ngày càng nhiều, từ phí môn bài cho đến bảo hiểm xã hội và chi phí lao động ngày càng gia tăng, đang đánh thẳng vào khả năng hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Không phải ngẫu nhiên khi số doanh nghiệp ngưng hoạt động và giải thể trong vài tháng qua đã lên tới trên con số 20.000.

Vì thế, nhìn vào nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể thấy một sự trái ngược lớn lao, đó là sự trái ngược giữa những mục tiêu to tát mà Việt Nam đặt ra và thực tại đang ngày càng tồi tệ hơn trong thực tế. Khi những bài báo ca ngợi về việc Việt Nam sẽ trở thành công xưởng thế giới thay Trung Quốc ngày càng nhiều thì thực tế là hàng hóa Việt Nam không những không cạnh tranh được với hàng hóa Thái Lan trên sân nhà, mà giờ đây còn đang bị hàng hóa Campuchia lấn lướt nữa. Và khi mà chúng ta tuyên bố sẽ cải cách nền kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa đầu tư nhiều hơn, thì thực tế là số doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia đầu tư ngày càng nhiều hơn bất chấp việc các bộ ngành mỏi miệng tuyên truyền đầu tư vào các lĩnh vực trong nước. Không ít doanh nghiệp Việt Nam thừa nhận thẳng thắn, lý do chủ yếu khiến họ chọn sang Campuchia đầu tư là vì tỷ lệ thuế phí/lợi nhuận thấp hơn hẳn so với Việt Nam, chỉ khoảng 25-26% so với mức 39-40% ở Việt Nam.

Nói cách khác, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang rơi vào tình trạng “nói một đằng làm một nẻo”, bên ngoài thì tuyên bố sẽ cải cách nền kinh tế và tuân thủ các nguyên tắc của kinh tế thị trường một cách nghiêm ngặt hơn, nhưng thực tế thì xu hướng đi ngược lại với các động thái cải cách lại đang diễn ra ngày một nhiều hơn. Sự bất nhất đó đang đem lại những hậu quả lớn mà Việt Nam đang phải gánh chịu. Cũng chẳng lạ khi mà theo thống kê mới đây nhất, Indonesia và Thái Lan mới là hai quốc gia nhận được nhiều đầu tư từ Nhật Bản nhất trong những năm qua chứ không phải là Việt Nam, bất kể việc hai nước này không phải là thành viên của TPP. Lý do chủ đạo khiến các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Thái Lan và Indonesia dù hai nước này không có những hiệp định thương mại lớn mà Việt Nam đang sở hữu, là ở chỗ cả hai quốc gia này đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và an toàn và tạo được sự an tâm cho các nhà đầu tư, và đó lại là thứ mà Việt Nam không có, kể cả một thực tế là trong bảng xếp hạng chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh, Indonesia đứng dưới Việt Nam gần 20 bậc.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, The Saigon Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đằng sau việc hàng loạt DNNN xin hỗ trợ