Nhận định về thế hệ ca sĩ hiện giờ, danh ca Tuấn Ngọc cho biết, để làm ca sĩ không hề dễ, không hề đơn giản, cần phải có sự khổ luyện, trải nghiệm, kiên trì... Đặc biệt, danh ca khẳng định, nếu làm ca sĩ mà không tìm được lối riêng của mình, hát theo kiểu bắt chước thì họ sẽ tự giết chết tài năng, giết chết sự sáng tạo, trí óc của chính bản thân mình.

Danh ca Tuấn Ngọc: 'Muốn bắt chước hát giống anh Chế Linh cũng khó'

Một Thế Giới | 02/05/2015, 10:00

Nhận định về thế hệ ca sĩ hiện giờ, danh ca Tuấn Ngọc cho biết, để làm ca sĩ không hề dễ, không hề đơn giản, cần phải có sự khổ luyện, trải nghiệm, kiên trì... Đặc biệt, danh ca khẳng định, nếu làm ca sĩ mà không tìm được lối riêng của mình, hát theo kiểu bắt chước thì họ sẽ tự giết chết tài năng, giết chết sự sáng tạo, trí óc của chính bản thân mình.

Thời xưa, muốn bắt chước cũng khó

PV: - Với dòng nhạc trữ tình, ngoài các danh ca Tuấn Ngọc, Chế Linh, Trường Vũ,... anh đánh giá thế nào về khả năng ca hát của lớp kế cận thế hệ các anh sau này?

Danh ca Tuấn Ngọc: - Nhiều ngườihay khen thế hệ trước vì mỗi người có một nét riêng, còn ca sĩ trẻ hiện giờ thường thường hay bị giống nhau.

Theo tôi, hồi xưa làm gì có nhiều phương tiện truyền thông để truyền tải, lan truyền âm nhạc đến người nghe nhiều và hiện đại như bây giờ. Hồi xưa, có thể nhà tôi ở đầu ngõ, còn nhà anh Chế Linh ở cuối ngõ, vậy mà hai người gần như không có quen nhau, không biết làm cùng nghề, thậm chí có khi nghe tên Chế Linh còn không biết anh ấy hát như thế nào, thế nên làm sao mà bắt chước hát giống anh ấy được.

Ngược lại, hiện giờ, muốn hát giống ai, muốn hát theo ai, tôi chỉ cần lên YouTube là bắt chước được ngay. Thực ra, hành động bắt chước đó chỉ có ở những người lười, không chịu khó tìm kiếm nét riêng cho mình, thấy ai thành công thì bắt chước đi theo cho tiện. Theo tôi, đó là cách tự giết chết tài năng, giết chết sự sáng tạo trí óc của chính bản thân họ.

Nhất là trong hoạt động về nghệ thuật, sự bắt chước như vậy hoàn toàn không tốt.

PV: - Bắt chước mà hơn được thì còn đáng, đằng này khi bắt chước thì thường sẽ làm “không tới”. Anh có thấy buồn khi bị những ca sĩ trẻ phá nát ca từ, giai điệu những ca khúc mang tính “để đời” của anh như Riêng một góc trời chẳng hạn?

Tuấn Ngọc: - Đâu có, tôi thấy vui chứ, nếu họ hát hay hơn tôi thì tôi mới buồn (cười)!

Tôi đùa vậy thôi, đã gọi là bắt chước thì làm sao mà hơn được. Bắt chước có nghĩa là người ta đi đâu mình đi đó thì làm sao mà đi qua mặt người ta được. Còn nếu hơn người ta thì mình đã thành người khác rồi.

Đã làm nghệ thuật, đừng nên bắt chước, có chăng mình chỉ nên bắt chước lúc đầu thôi; giống như người ta dạy mình đi, khi mình biết đi rồi thì phải tự tìm lấy hướng đi. Đi theo, đi ké trong nghệ thuật nó hài hước lắm. _

PV: - Có phải vì vậy mà sau thế hệ của anh, rất lâu rồi làng nhạc Việt chưa có cái tên nào được tôn là danh ca?

Tuấn Ngọc: - Không phải vậy đâu, đối với tôi là thời thế tạo anh hùng. Bản thản tôi mà sinh ra ở thời này, tôi cũng không biết sẽ hát cái gì.

Tôi luôn có cảm nhận về những bản nhạc ngày xưa, nó trở thành nhạc classic (nhạc cổ điển - PV), giống như Âu Châu ngày xưa, người ta nghe Mozart, Metal... Nhạc cổ điển tồn tại mấy trăm năm, nó có sức ảnh hưởng tới mức sau này muốn làm nhạc sĩ thậm chí còn không phải học nhiều.

Vì vậy, âm nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy... đối với tôi sẽ là mãi mãi, suốt đời. Tôi cũng, cho rằng mình may mắn khi sinh ra trong thời ấy.

Thế nên, khi so sánh hai người ca sĩ, để công bằng thì cần phải so sánh cùng một môi trường, cùng một thời điểm. Nếu không cùng thời điểm thì sự so sánh đó không chính xác.

Ca sĩ trẻ hát nhạc xưa thì làm sao lột tả hết tinh thần của bài hát được, cũng giống như tôi, giờ bắt tôi hát nhạc trẻ, tôi cũng không hát được.

PV: - Có giọng ca trẻ nào hiện giờ gây ấn tượng cho anh không?

Tuấn Ngọc: - Thực sự, giọng hát nó chỉ là một thứ vũ khí của người ca sĩ thôi, cũng giống như dụng cụ vậy, mình phải biết sử dụng dụng cụ ấy. Tôi rất tâm đắc câu nói của người Pháp: “Quần áo chẳng làm nên thầy tu.”

Chẳng hạn, tôi mặc bộ đồ của thầy tu rất là đẹp nhưng chưa chắc hành động, cách cư xử của tôi giống như một thầy tu. Bởi thế, tôi có một giọng hát rất tốt chưa hẳn tôi đã là một người ca sĩ. Mà là người ca sĩ còn phải biết diễn tả lời hát theo ý nghĩa, tinh thần của bài hát nữa.

Thành ra, muốn làm nghề, cần phải trải nghiệm nhiều lắm. Ca sĩ càng ngày càng hát hay hơn là vì vậy. Không phải một sớm một chiều mà trở thành người ca sĩ có chiều sâu được. Trừ khi đó là thiên tài thì mình không nói.

Bởi vậy, tôi nghĩ về bản thân tôi chỉ là một người ca sĩ trung bình thôi. Nhưng để đến được cái chỗ trung bình, tôi phải học hỏi nhiều, tôi hoàn toàn không phải người đặc biệt gì hết. Thành ra, biết mình ở đâu nên tôi không trở thành người tự phụ được.

Có người nói tôi khiêm nhường, nhưng tôi cũng muốn làm người tự phụ lắm, tôi biết mình ở đâu, tôi vẫn phải học hỏi mà, tôi còn phải học nhiều hơn nữa, sao tự phụ được.

Còn những người ca sĩ trẻ, khi người ta hát chưa tới, cũng không nên nản vội, vì hát khó lắm. Tôi thấy, ca sĩ trẻ còn mắc bệnh hay cố làm gì đó khác lạ. Khác lạ thì hay nhưng nó kỳ bởi nó không giống ai, mà kỳ khôi nữa thì buồn cười lắm.

Hãy cố gắng vận dụng tư duy, óc thẩm mỹ của mình để quyết định mình phải làm sao cho đúng. Vận dụng óc thẩm mỹ còn phải nghe nhiều, lựa chọn những gì để nghe nữa. Giống như người muốn viết văn hay phải đọc sách, phải lựa sách hay để đọc.

PV: - Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Theo Chuyện đời

Nhắc về cố nhạc sĩ Phạm Duy (bố vợ của danh ca Tuấn Ngọc - PV), anh hài hước: “Trong âm nhạc, tôi và bố vợ hiểu nhau lắm, nên tôi nghĩ cứ sống sao cho vui thôi là được. Mà cũng có nhiều người hỏi tội một cách nghiêm trang rằng, “anh đến với gia đình một nhân tài như Phạm Duy, anh thấy như thế nào?”. Tôi bảo, “tôi rất thích làm con rể nhạc sĩ Phạm Duy bởi từ ngày tôi làm con rể ông, tôi không phải trả tiền bản quyền âm nhạc.”

Nhắc về những tác phẩm của bố vợ được anh truyền tải, làm xao xuyến trái tim bao người nghe, Tuấn Ngọc cho biết: “Không phải làm ca sĩ là bài hát nào cũng hát được nên thật ra, tôi phải biết chọn bài cho mình xem có hợp hay không. Nhiều người khen tôi là "sao anh Tuấn Ngọc hát bài nào cũng hay?", tôi bảo, "phải chọn bài cho hợp chứ giờ tôi hát bài không hợp, mọi người nghe sẽ chán tôi ngay. Với lại, bố vợ tôi thật sự rất yêu tiếng hát của tôi, thành ra tôi cũng không bị ông chê, hoặc là chê sau lưng tôi không biết (cười).  

Đối với tôi, không có một người nghệ sĩ nào vĩ đại bằng nhạc sĩ Phạm Duy hết. Ông ra đi không chỉ để lại sự mất mát với riêng tôi mà rất nhiều người yêu mến nhạc ông cũng sẽ cảm thấy đau buồn.

Nhưng thật ra sự mất mát đó chỉ là về vấn đề tình cảm thôi, còn vấn đề nghệ thuật thì không có sự thay đổi nhiều vì Phạm Duy đã để lại một kho tàng âm nhạc quá lớn.”


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Danh ca Tuấn Ngọc: 'Muốn bắt chước hát giống anh Chế Linh cũng khó'