Viện Pasteur TP.HCM nên phối hợp với Sở Y tế TP.HCM đánh giá lại nguyên nhân tại sao có nhiều người có con trong độ tuổi tiêm chủng lại không cho trẻ đi tiêm.
Thông tin Y học

Đánh giá lại nguyên nhân vì sao nhiều người dân không cho trẻ đi tiêm chủng

Hồ Quang 18:15 28/11/2024

Viện Pasteur TP.HCM nên phối hợp với Sở Y tế TP.HCM đánh giá lại nguyên nhân tại sao có nhiều người có con trong độ tuổi tiêm chủng lại không cho trẻ đi tiêm.

Đó là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tại hội nghị trực tiếp và trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, diễn ra hôm nay (28.11).

Bệnh nhân nghi mắc sởi tăng gần 53 lần

Theo Bộ Y tế, sau đại dịch COVID-19, số ca mắc sởi tăng cao trên toàn thế giới với 10,3 triệu ca, tăng 20% so với năm 2022, trong đó có hơn 107.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.

danh-gia-lai-nguyen-nhan-vi-sao-nhieu-nguoi-dan-khong-co-tre-tiem-chung-hinh-anh.png
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị về công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, ngày 28.11 - Ảnh: BYT

TS Nguyễn Lương Tâm - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tại Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi (TP.HCM 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca). So với cùng kỳ năm 2023 số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần.

Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TP.HCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.

Từ ngày 1.9 đến ngày 19.11, Bệnh viện Nhi trung ương ghi nhận 195 ca sởi dương tính. Trong đó, tháng 9 có 41 ca, tháng 10 có 90 ca, đặc biệt trong 11 ngày tháng 11 có đến 64 ca. Trong đó, tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng sởi) chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.

“Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng như các đối tượng khác để có đề xuất phù hợp”, ông Tâm cho biết thêm.

Theo ông Tâm, hiện nay cả nước đã có 31 tỉnh thành triển khai đợt tiêm vắc xin phòng bệnh sởi tại vùng nguy cơ cho trẻ em từ 1 - 10 tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh thành triển khai chưa đảm bảo tiến độ.

Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cũng cho biết bệnh ho gà cũng tăng cao gấp hơn 23 lần so với cùng kỳ với hơn 1.000 ca mắc, 1 ca tử vong.

Một số dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, bạch hầu… có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Số ca mắc cúm mùa cũng có xu hướng giảm, tuy nhiên số tử vong tăng 7 trường hợp (Bình Định 4 ca, Hà Nội 2, Khánh Hòa và Phú Yên mỗi địa phương 1 ca).

Đặc biệt, trong năm 2024, Việt Nam ghi nhận 1 ca mắc bệnh bại liệt ở Đắk Lắk. Từ đầu năm đến nay, cả nước cũng ghi nhận rải rác các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại các địa phương, với 73 ca mắc, chủ yếu tập trung tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam.

Vì sao nhiều người không cho trẻ đi tiêm chủng

Ông Tâm cho biết trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động công tác giám sát trường hợp bệnh, giám sát tác nhân gây bệnh và xử lý triệt để ổ dịch với các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết...), các bệnh dự phòng bằng vắc xin (sởi, ho gà, bạch hầu), bệnh viêm phổi nặng do vi rút và các bệnh lây qua đường hô hấp (cúm mùa, cúm gia cầm độc lực cao...).

Đồng thời sẽ có giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, trên thế giới và Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Hiện tại, một số dịch bệnh vẫn có nguy cơ và tỷ lệ mắc tăng cao như sởi, ho gà, bạch hầu, bệnh bại liệt có một ca, cũng là cảnh báo trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam.

“Cục Y tế dự phòng phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương chỉnh sửa thông tư số 10 hướng dẫn về công tác tiêm chủng được Bộ Y tế ban hành ngày 13.6.2024, bổ sung 2 vắc xin HPV triển khai từ năm 2026, và PVC bắt đầu bổ sung từ năm 2025. Dự trù kinh phí mua vắc xin từ ngân sách nhà nước, không để hiện tượng chậm muộn trong việc cung cấp vắc xin khi triển khai tiêm chủng”, bà Hương đề nghị.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Viện Pasteur TP.HCM phối hợp với Sở Y tế TP.HCM đánh giá lại nguyên nhân tại sao nhiều người dân có con trong độ tuổi tiêm chủng không cho trẻ đi tiêm, để tìm cách khuyến cáo, động viên họ đưa trẻ đi tiêm. “Các địa phương tiếp tục tập trung phòng chống dịch, đặc biệt lưu ý quy trình kiểm soát lây nhiễm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh”, bà Hương nói.

Bài liên quan
Số ca mắc bệnh sởi gia tăng, TP.HCM lập tổ chuyên gia điều trị
Sở Y tế TP.HCM vừa thành lập Tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi trên địa bàn TP. Các chuyên gia trong tổ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức, cấp cứu và các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phân tích về quy định khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm
5 giờ trước Giáo dục
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, vì xét tuyển sớm, nhiều học sinh có tâm lý đã trúng tuyển rồi nên không quan tâm chuyện học hành nữa, đến lớp chỉ để ngồi chơi. Nhiều em vào lớp 10 trường chuyên gần như yên tâm trúng tuyển rồi và không tập trung vào học toàn diện.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh giá lại nguyên nhân vì sao nhiều người dân không cho trẻ đi tiêm chủng