Với NSƯT Hoài Linh thì: "Ngồi ở chợ Hội An ăn một dĩa cơm gà, ghé Cầu Mống ăn chút bò tái, đi Đà Nẵng làm một tô bún chả cá, vô Quế Sơn ăn tô mì Quảng, qua Quảng Ngãi ăn don… đời còn gì hạnh phúc và sung sướng bằng''.

Danh hài Hoài Linh: 'Tôi thích đi dọc sông Thu Bồn, sông Hàn nghe gió hát'

Theo Zing | 07/01/2019, 12:47

Với NSƯT Hoài Linh thì: "Ngồi ở chợ Hội An ăn một dĩa cơm gà, ghé Cầu Mống ăn chút bò tái, đi Đà Nẵng làm một tô bún chả cá, vô Quế Sơn ăn tô mì Quảng, qua Quảng Ngãi ăn don… đời còn gì hạnh phúc và sung sướng bằng''.

Quê gốc ở Đại Lộc (Quảng Nam), cùng gia đình lập nghiệp tại Cam Ranh, Long Khánh… với đủ thứ nghề cơ cực. Năm 1993 sang định cư tại Mỹ, làm MC nhà hàng và diễn hài. Đó là cách Hoài Linh bắt đầu đời nghệ sĩ.

Năm 1996, sau khi đã có tiếng tăm chút đỉnh, Hoài Linh lần đầu tiên trở lại Việt Nam biểu diễn, rồi trở thành nghệ sĩ hài diễn luân phiên ở cả hai nước. Với hàng loạt các đóng góp của mình, đến năm 2006, anh trở thành nghệ sĩ có cát-xê cao nhất Việt Nam.

Đêm 6.1.2007, anh đã chính thức được kết nạp vào Hội Sân khấu TP.HCM, đây là sự việc chưa có tiền lệ với một nghệ sĩ hải ngoại. Năm 2015, Hoài Linh trở thành nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên được nhà nướcphong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

NSƯT Hoài Linh - Ảnh: Nguyên Đình

- Xa quê nhiều năm, có khi nào anh trở về thăm lại quê cha đất mẹ ở Đại Lộc, hay Quảng Nam -Đà Nẵng chưa?

Tôi là một trong số ít các Việt kiều sớm không chịu nổi đời sống của Mỹ, nên từ khi qua bên ấy, năm nào tôi cũng tìm cách chạy về, nhất là dịp Tết nhứt. Về nước, ngoài những show diễn luôn bủa vây, nếu rảnh được một hai ngày, tôi lại bay ra miền Trung.

Quê nhà miền Trung là cả một khúc ruột thân yêu, vì trong một thời gian khá dài, tôi đã phải bôn ba cầu thực ở đó. Có khi, như show diễn vừa rồi tại Đà Nẵng, xong thì đã 1 - 2 giờ sáng, nhưng tôikhông muốn ngủ, đành “cải trang” để chạy về thăm lại Điện Bàn, Đại Lộc, nhìn quê nhà chìm trong giấc ngủ yên lắng mà lòng phơi phới. Chỉ vậy thôi, nhiều khi quê cũng không cần biết tôi trở về, tôi cũng không muốn cho ai biết. Tôi thích đi dọc sông Thu Bồn, dọc sông Hàn nghe gió hát.

- Anh thích điều gì nhất ở con người và vùng đất xứ Quảng, rộng hơn là miền Trung?

Vẫn còn giữ được sự hiếu học, chơn chất và nghĩa khí đặc biệt. Riêng với Quảng Nam, đó còn là đất của địa linh nhân kiệt, đó là đất học. Tôi không có được điều kiện để ăn học tới nơi tới chốn, nên thèm học lắm, thấy ai ham học, học giỏi cũng thán phục. Nhiều khi chỉ nhìn thấy những hoàn cảnh nghèo vượt khó, nghèo học giỏi mà đã ứa nước mắt vì sung sướng, nghĩ tương lai sẽ tốt đẹp…

Tôi thiệt ra là dân đầu đường xó chợ mà, ăn gì cũng được, ăn gì cũng thấy ngon, nhưng món ăn miền Trung thì đậm đà và mặn nhất, có lẽ do gắn liền với ký ức lúc nhỏ, do gần biển. Tôi cũng khoái ăn mặn lắm.

Ngồi ở chợ Hội An ăn một dĩa cơm gà, ghé Cầu Mống ăn chút bò tái, đi Đà Nẵng làm một tô bún chả cá, vô Quế Sơn ăn bát mì Quảng, qua Quảng Ngãi ăn don… đời còn gì hạnh phúc và sung sướng bằng.

Xứ Quảng, tôi có rất nhiều thần tượng, nhưng thích nhất là thi sĩ Bùi Giáng, mỗi khi đi đi về về mà bị cảm giác mệt mỏi, chán chường, tôi lại nghĩ về mấy câu thơ của ông:“Đi về đi ở đi đi/ Đi là đi biệt từ khi đi về”, và đương nhiên cả:“Hỏi rằng người ở nơi đâu/Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà”.

Hoài Linh có đời sống thậtngoài đời rất giản dị bình dân - Ảnh:Nhân vật cung cấp

- Trong tiết mục biểu diễn gần đây, cách diễn của anh cũng đã có nhiều linh hoạt hơn, không còn rặt tiếng Quảng Nam, Bình Định… như trước, là vì sao?

Dù có diễn vở cũ, ví dụ hát bàiThan thân trách phậntheo kiểu Quảng Nam hay Bình Định, nhưng ở mỗi sân khấu, tôi phải gia giảm cho phù hợp “khẩu vị” người nghe. Biểu diễn ở miền Tây, hay ngoài Bắc mà hát rặt tiếng miền Trung, làm sao tạo được hiệu quả tốt về cảm xúc, sự gần gũi.

Hơn nữa, các vở hài kịch của tôi gần đây có thế mạnh về kịch bản, nó kể những câu chuyện có thể đi vào chiều sâu tâm tư tình cảm nên việc “pha tiếng” cũng không còn là chủ đạo.

Với lại, tôi muốn đi vào lòng người xem bằng cái “tình”, chứ không bằng cái “giọng lạ”, lạ làm gì khi diễn cho đa số đồng bào mình xem… Nói thật, tôi không sợ người ta chửi cha việc “pha tiếng”, nhưng sợ đến một ngày nào đó, mình không còn biết mình là ai. Tôi thích diễn nhiều vai khác nhau, nhưng không thích sống khác đi cái “bản sắc” của chính mình.

Hoài Linh với sinh hoạt đời thường

- Vào nghề diễn nghiệp dư ở tuổi 21 (năm 1990), mãi tới khi gần 30 mới định danh và sống được với nghề. Anh nghĩ gì về cuộc đời và nghiệp diễn của mình?

Đến giờ tôi vẫn nghĩ mình là một anh nông dân gặp may, từng không nhà không cửa rồi cũng kiếm được nhà lầu xe hơi; từng bỏ học bôn ba mưu sinh ở bến xe nhưng không bị tha hoá; không học nghề diễn nhưng lại theo nghiệp diễn; có gia đình vợ con hẳn hoi nhưng lại bị cho là “bế”, là đồng tính… Hạnh phúc và đắng cay, vinh quang và tủi nhục, được và mất… tôi đã nếm đủ cả.

Thế nhưng, tôi là người không thích phân bua. Tôi thấy mình đã quá may mắn, phân bua làm gì. Dường như định mệnh đã quá ưuđãi với tôi. Cho nên đến giờ tôi vẫn mang nguyên cái cốt nông dân miền Trung, chất phác, cục mịch để ứng xử với mọi người.

Ước vọng đời người thường to tát, cao vời, tôi cũng vậy, nhưng tôi sớm biết hài lòng và cam phận, tổ nghiệp sắp bày theo thế nào thì theo thế ấy. Tôi từng mơ làm một nhà thờ tổ nghiệp, nay đã tạm xong, vậy là đời tôi mãn nguyện, phần tiếp theo thế nào cũng được.

- Ngay cả khi cát-xê của anh cao chót vót, hơn cả ca sĩ hạng A, anh vẫn không tham vọng gì?

Thỉnh thoảng tôi mới ngang bằng với Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng (cũng dân Quảng quê mình)… về chuyện cát-xê, làm gì có chuyện hơn. Mà cho dù có hơn chút chút đi nữa, tôi cũng không nghĩ đó là chuyện quan trọng, nó không phải phương châm hay tiêu chí của con đường làm nghệ thuật. Ăn cơm góp của thiên hạ, được tổ nghiệp ngó nghĩ, ai cho gì thì mình nhận nấy, đâu dám có chuyện đòi hỏi.

Nhiều chương trình tôi chỉ dám lấy tiền xe cộ, không nhận thêm thù lao, vì họ làm ăn không thành công, sao mình dám nhẫn tâm ngửa tay ra cầm trọn. Cuộc đời và hạnh phúc của một nghệ sĩ biểu diễn, nhiều khi ngắn ngủi, mong manh lắm, đừng nên lấy những khoảnh khắc thoáng qua hay cát-xê, vật chất này kia làm lẽ sống cho cả một đời.

- Câu cuối, tại sao anh đi tìm “cái cười”, và anh nghĩ gì về nó?

- Đây là một câu hỏi lớn và rất khó, vì cái cười cho mỗi người, mỗi địa phương là rất khác nhau. Đó là chưa nói việc đi tìm cái cười cho chính cuộc đời mình đã khó, đi tìm cái cười và mang đến cho mọi người thì khó hơn trăm bề. Trong cái cười, lúc nào cũng ẩn tàng cả cái bi. Tìm được cái cười trong cái bi, cái bi sẽ vơi đi. Tôi chỉ mong muốn giúp mọi người một chút sức mọn trong việc làm vơi đi cái bi, để tìm vui, để tìm hạnh phúc.

Văn Bảy(thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Danh hài Hoài Linh: 'Tôi thích đi dọc sông Thu Bồn, sông Hàn nghe gió hát'