Danh hài Tùng Lâm, người được mệnh danh là quái kiệt của làng hài Việt Nam, vừa qua đời ở tuổi 90.
Thông tin từ gia đình cho biết, do tuổi cao bệnh tật kéo dài, nghệ sĩ Tùng Lâm đã mất lúc 5 giờ ngày 15.10.2023 tại nhà riêng ở Bình Thạnh, TP.HCM, hưởng thọ 90 tuổi.
Nghệ sĩ Tùng Lâm tên thật là Lâm Ngươn Phẩm, sinh ngày 1.3.1934 tại Sài Gòn. Ông là con út trong một gia đình có đến 10 người con. Nghệ sĩ Tùng Lâm có năng khiếu văn nghệ từ bé, ông dùng tài đàn hát để kiếm sống đây đó ở Sài Gòn và khi qua Campuchia. Tại đây ông gặp được một nhạc sĩ dạy thêm về âm nhạc và từ đó Tùng Lâm trở thành một nhạc công vừa chơi mandoline vừa hát rất hay.
Năm 1948, Đài phát thanh Pháp Á mở cuộc thi tuyển lựa ca sĩ nhí cho đài. Cậu bé Lâm Ngươn Phẩm đã giành giải nhất với bài hùng ca An Phú Đông của tác giả Lê Bình. Năm 1952, ông tiếp tục giành giải nhất trong cuộc thi tuyển ca sĩ cho Đài phát thanh Sài Gòn với bài tân nhạc Tiếng dân chài của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Từ cột mốc đó, Lâm Ngươn Phẩm lấy nghệ danh là Tùng Lâm để tiếp tục theo con đường ca hát chuyên nghiệp. Trong những năm 1950, tam ca Lam Phương - Vân Hùng - Tùng Lâm thường xuyên lên sóng trong chương trình ca nhạc của các đài phát thanh tại Sài Gòn.
Một thời gian sau, 3 nghệ sĩ đã tách riêng để tạo dựng tên tuổi cho mình. Vân Hùng đi theo sân khấu kịch, Lam Phương chuyển sang viết nhạc, riêng Tùng Lâm thì vẫn đi hát những bản nhạc vui hài hước như Cô Tây đen (Vũ Chấn), Rượu đế với khô mực (Lê Bình), Chỉa bài (Văn Trung)... tại các phòng trà, vũ trường ở Sài Gòn để kiếm sống. Cái tên Tùng Lâm cùng với biệt hiệu “quái kiệt” cũng bắt đầu từ đó.
Từ năm 1958, Tùng Lâm bắt đầu tham gia nhiều loại hình nghệ thuật, được các hãng phim đương thời mời làm diễn viên lồng tiếng cho các nhân vật trong phim Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ chiếu tại Việt Nam. Ông cũng trở thành một trong những nghệ sĩ diễn tạp kỹ nổi tiếng đắt show cho các nhà hát ở Sài Gòn.
Năm 1960, nghệ sĩ Tùng Lâm lập Ban tạp lục Tùng Lâm biểu diễn mọi loại hình nghệ thuật được công chúng ưa chuộng, đồng thời tiến hành đào tạo ca sĩ chuyên hát tại các phòng trà và đại nhạc hội. Từ bàn tay ông, hàng loạt nghệ sĩ thành danh như Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Trang Kim Phụng, Trang Kim Yến, Giang Tử, Duy Phương, Phương Hoài Tâm, Phượng Mai, Kim Tuyến, Trần Quang Bình, Tùng Sơn, Thanh Hùng, Thế Linh...
Sự nghiệp của nghệ sĩ Tùng Lâm đạt đỉnh cao nhất vào thập niên 1970, khi ông cùng các nghệ sĩ Hoàng Mai, Khả Năng, Phi Thoàn, Thanh Hoài, Thanh Việt, Văn Chung được báo chí mệnh danh là “Thất hài đế”, trong đó Tùng Lâm thường được xếp trên cùng.
Sau năm 1975, nghệ sĩ Tùng Lâm có một thời gian dài không hoạt động nghệ thuật. Đến năm 1983 ông được cử làm Phó đoàn ca múa nhạc Hậu Giang. Thời gian này ông chỉ làm công tác quản lý nên rất ít biểu diễn trên sân khấu. Trong những năm giữa của thập niên 1980, nghệ sĩ Tùng Lâm thực hiện một loạt các băng video hài về nhân vật Hai Nhái do chính ông thủ vai. Sản phẩm của ông được công chúng nồng nhiệt đón nhận.
Năm 2005 nghệ sĩ Tùng Lâm tuyên bố giải nghệ và sống với gia đình ở quận Bình Thạnh cho đến ngày qua đời.
Video nghệ sĩ Tùng Lâm xuất hiện trước công chúng chia sẻ chuyện đời chuyện nghề lúc sinh thời: