Chiều 20.9, sân khấu Thiên Đăng dưới sự dẫn dắt của NSƯT Thành Lộc đã chính thức ra mắt với vở nhạc kịch "Giáng Hương" (tác giả và đạo diễn NSƯT Thành Lộc). Đây là tác phẩm được NSƯT Thành Lộc chuyển thể sang nhạc kịch từ kịch bản cải lương “Sân khấu về khuya” của cố NSND Năm Châu.
Khi tấm màn nhung khép lại, NSƯT Thành Lộc đã trải lòng: “Chúng ta, mỗi người ai cũng có một ước mơ. Có người xây dựng được ước mơ ấy, có người không xây dựng được. Nhiều người có cùng một ước mơ và để đạt được ước mơ đó, chúng ta phải đánh đổi cả mồ hôi, xương máu. Có người trong chúng ta chấp nhận sẽ chết để đạt được khát vọng mà chúng ta mong muốn. Tôi chết ngày hôm nay để ước mơ đó hình thành cho thế hệ sau tôi. Đó là thông điệp mà tập thể nghệ sĩ Thiên Đăng muốn gửi gắm, và tôi tin tất cả các anh chị em nghệ sĩ đồng nghiệp có mặt trong buổi tối hôm nay đều đồng ý. Dù chúng ta chết hôm nay, cũng chết cho một nền nghệ thuật tử tế mai sau”.
Những dòng tâm sự kể trên của NSƯT Thành Lộc cũng đã thể hiện ngay trong vở diễn Giáng Hương. Ở đó, là sự giằng xé giữa cô đào nổi danh Giáng Hương (Lê Khánh) và người chồng, soạn giả kiêm kép chánh nổi danh Lĩnh Nam (NSƯT Thành Lộc). Họ là cặp bài trùng lý tưởng trong nghệ thuật bền bỉ theo thời gian.
Đến một lúc, một bên vẫn trung thành với lời tâm nguyện sân khấu là thánh đường thiêng liêng, không chấp nhận chạy theo thú giải trí rẻ tiền; còn một bên là người lung lay lý tưởng và chấp nhận chạy theo nhu cầu của một nhóm đối tượng khán giả thừa tiền lắm của nhưng thiếu mỹ cảm nghệ thuật.
Sự giằng xé này, chính là sự đấu tranh nội tại của rất nhiều nghệ sĩ sân khấu kịch nói riêng và giới nghệ sĩ làm nghệ thuật tử tế trong bối cảnh hiện nay. Họ bị đặt vào hoàn cảnh khó xử rằng nếu dựng lên vở tuồng hay và đẹp, nội dung sâu sắc nhưng ít người xem hơn những vở hài kịch gây cười với lớp vỏ bề ngoài hời hợt thì họ có nên tiếp tục giữ vững niềm tin vào khái niệm “nghệ thuật là thánh đường”.
NSƯT Thành Lộc, dù anh không tuyên ngôn nghệ thuật nhưng thông điệp gửi gắm trong vở kịch cho thấy Thiên Đăng đã có sự lựa chọn hướng đi tử tế. May thay, tại TP.HCM cũng có vài sân khấu chấp nhận bù lỗ để trung thành với lối đi này. Nhờ thế, khán giả thực sự yêu kịch nghệ với một tiêu chuẩn nghệ thuật khắt khe, sẽ có nơi để tìm kiếm vẻ đẹp trong cảm xúc.
Trở lại với vở nhạc kịch Giáng Hương. Đây là một bản dựng hoàn hảo. Sân khấu về khuya của cải lương có hình thức thể hiện là cải lương còn Giáng Hương có hình thức thể hiện là nhạc kịch nên hai bản dựng khác nhau hoàn toàn. Ở đó, đạo diễn Thành Lộc đã biết lồng ghép tân nhạc và cổ nhạc một cách vừa vặn và hợp lý. Chỉ hát vào những tình huống cần thiết. Chính thế, cái hình thức nhạc kịch trở nên dễ chịu cho người nghe. Một điểm không thể bỏ qua của Giáng Hương là vũ đạo. Nghệ sĩ múa trong nhân vật Huyền Trân công chúa đã nhiều lần đi trên mũi chân của mình để tạo nên hình dáng đẹp mắt. Các diễn viên múa còn lại trẻ đẹp và có ngôn ngữ hình thể sinh động. Tất cả họ tạo nên những tình tiết múa được lồng ghép hợp lý, tạo hiệu ứng tốt.
Lê Khánh trong vai Giáng Hương là một thành công mới của một nữ diễn viên vốn có thế mạnh về hài. Giáng Hương của Lê Khánh có chiều sâu nội tâm, có bi kịch nhưng không sầu não. Có những lúc Giáng Hương đau khổ nhưng rồi cô đã đứng lên và đâu đó trong quá trình muộn phiền, hụt hẫng cô đã biết cách gây cười. NSƯT Thành Lộc trong vai Lĩnh Nam vẫn như thế: đầy cảm xúc, đầy bản lĩnh sân khấu.
NSUT Hữu Châu trong phần đầu câu chuyện rất lặng lẽ trong vai trò của một người giúp việc trong gánh hát ở phần hai, anh đã tỏa sáng khi lộ thân phận mình từng là một anh kép tài danh. Cảnh NSƯT Hữu Châu cầm đàn và hát là một tình huống đánh vào cảm xúc rất mạnh. Dường như ở những vở diễn do Thành Lộc đạo diễn, vai diễn của Hữu Châu luôn đi vào trí nhớ của người xem kiểu như thế.
Tương tự, vai chị Sáu giúp việc của Hoàng Trinh người xem cứ ngỡ là một vai phụ hoàn toàn, nhưng đạo diễn vẫn dành cho cô những mảng miếng rất đắt tương xứng với tài năng và vị trí. Vân Trang trong vai Mỹ Tiên vẫn diễn hay như cô vốn có. Don Nguyễn bằng sự hoạt náo tạo nên sinh khí vui nhộn cho vở diễn. Tuấn Khải và Hương Giang tròn vai. Trong đó, một gương mặt mới gây chú ý là Trang Tuyền trong vai Giáng Kiều, con gái của Giáng Hương và Lĩnh Nam. Những giọt nước mắt tuôn chảy và cái nhìn ngơ ngác của Giáng Kiều cho thấy Trang Tuyền mạnh về diễn xuất nội tâm và là nghệ sĩ có triển vọng trong tương lai.
Được biết, NSƯT Thành Lộc sẽ hướng các vở diễn ở Thiên Đăng theo phong cách nhạc kịch. Đặc biệt, anh cũng hỗ trợ một nhóm nhạc nhạc kịch Broadway đúng nghĩa với các nghệ sĩ người Việt hát hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nhóm nhạc kịch này sẽ trình diễn mỗi tháng 1 lần.