Hài cốt binh sĩ Mỹ tử trận vừa được CHDCND Triều Tiên trao trả hôm 27.7 sẽ được đưa đến một phòng thí nghiệm quân sự Hawaii và trải qua một quy trình xác định danh tính phức tạp.
Công tác nhận dạng phụ thuộc vào nhiều manh mối khác nhau, mất khá nhiều thời gian. Thậm chí một số trường hợp trải qua nhiều thập niênvẫn chưa xác định được danh tính.
Hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn Charles Prichard của Cơ quan tìm kiếm binh sĩ mất tích trong chiến tranh thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA) cho biết thẻ bài quân nhân được tìm thấy cùng hài cốt có thể có ích, hoặc mẩu quần áo sót lại giúp xác định chất liệu của đồng phục binh sĩ. Răng có thể được đối chiếu với hồ sơ nha khoa,và các chuyên gia dựa vào xương để ước lượng chiều cao. Hình dạng xương đòn gánh cũng là manh mối quan trọng, có thể đối chiếu hồ sơ chụp X-quang vài chục năm trước.
Nếu cần phải tiến hành phân tích DNA, các mẫu hài cốt sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm tại căn cứ không quân Dover tọa lạc ở bang Delaware. Timothy McMahon, giám đốc Đơn vị phân tích DNA (DNA Operations) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết việc này chỉ cần mẫu xương hay răng nhỏ hơn xương trong đốt cuối ngón tay cái là thực hiện được.
Mỗi mẫu sẽ được làm sạch bề mặt, nghiền thành bột, sau đó qua xử lý bằng chất hòa tan xương và để lại DNA phân tích. DNA này sẽ được so sánh với DNA của những người thân còn sống của binh sĩ bị cho mất tích. Quân đội Mỹ kể từ năm 1992 đã cho thu thập DNA và tiếp cận người thân của gần 7.500 quân nhân bị cho mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Mục đích của phân tích là nhằm giúp tìm ra quan hệ huyết thống cụ thể. Kết quả sẽ được gửi về Hawaii, kết hợp với các manh mối khác để xác định danh tính hài cốt.
Kể từ ngày 1.10.2017, phòng thí nghiệm tại Hawaii đã nhận dạng được 25 quân nhân tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên. Trong khoảng thời gian một năm trước đó, danh tính của 42 bộ hài cốt được xác định thành công.
Người phát ngôn Prichard cho biết nếu đối chiếu xương đòn gánh với hồ sơ X-quang cho kết quả trùng khớp thì chỉ cần 3 ngày để nhận dạng. Tuy nhiên, một vài trường hợp mất cả vài thập niên. Có không ít hài cốt được trao trả trong khoảng thời gian 1990-2005 vẫn đang chờ được xác định danh tính.
Đối với Jan Curran, con gái trung úy Charles Garrison (bị bắt năm 1951 và qua đời tại Triều Tiên khi bị cầm tù), đợt hồi hương hài cốt ngày 27.7 thắp lên hy vọng cho bà.
“Chúng tôi biết cơ hội rất nhỏ nhoi, nhưng chỉ có thể hy vọng. Thật tuyệt vời”, bà Curran chia sẻ.
Bên cạnh hồi hương và nhận dạng hài cốt binh sĩ, Mỹ cũng chú trọng thúc đẩy công tác hợp tác tìm kiếm số hài cốt binh sĩ còn lại. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ngày 27.7 thông báo đang cân nhắc gửi nhân sự sang Triều Tiên để tiến hành việc này.
Trong khoảng thời gian 1996-2005, một nhóm công tác chung Mỹ-Triều đã tiến hành 33 hoạt động thu gom 22 hài cốt quân nhân Mỹ. Tuy nhiên, nỗ lực phục hồi và hồi hương hài cốt đã bị ngưng trệ trong hơn một thập niênkhi quan hệ hai nước xấu đi do Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân, còn Washington lo ngại về an toàn cho các chuyên gia nước này khi tham gia nhóm công tác.
Cẩm Bình (theo AP, Reuters)