Báo cáo công bố ngày 26.7 của Trung tâm Phản gián và An ninh quốc gia Mỹ (NCSC) khẳng định Trung Quốc vẫn đang lấy cắp tài sản sở hữu trí tuệ cùng với bí mật thương mại từ công ty Mỹ nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế, quân sự của nước mình với “mức độ thấp hơn”, kể từ khi hai nước năm 2015 đạt được thỏa thuận hạn chế thực hiện hoạt động này.
Nội dung của bản báo cáo trùng khớp với phát hiện của nhiều chuyên gia an ninh độc lập khác. Báo cáo được công bố giữa lúc Mỹ -Trung đang tiến hành đánh thuế hàng hóa của nhau.
Theo báo cáo, bí mật bị Trung Quốc lấy cắp gồm mã nguồn phần mềm, công thức hóa học hay công nghệ có thể được trang bị cho vũ khí. Bắc Kinh dùng nhiều cách để sở hữu chúng, từ tấn công mạng cho tới mua lại công ty, liên doanh, hợp tác học thuật -nghiên cứu. Đặc biệt, nhiều “doanh nghiệp bình phong” đã được dựng lên nhằm lấy được những công nghệ bị chính quyền Washington hạn chế xuất khẩu.
NCSC đánh giá dù công tác ngăn chặn gián điệp kinh tế đạt được tiến bộ, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động tấn công mạng, nhắm vào nhà thầu quốc phòng hoặc công ty công nghệ thông tin/truyền thông cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các mạng thông tin chính phủ lẫn tư nhân.
“Chúng tôi tin Trung Quốc thông qua nhiều biện pháp sẽ tiếp tục là mối đe dọa với công nghệ và tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ. Nếu không được giải quyết, nó sẽ khiến chúng ta dần mất đi lợi thế cạnh tranh kinh tế trong dài hạn”, báo cáo viết.
NCSC còn cảnh báo luật lệ cùng cơ chế kiểm tra của một số quốc gia đem lại rủi ro cho doanh nghiệp Mỹ. Ví dụ như tại Trung Quốc, chính quyền nước này năm ngoái ra quy định các công ty nước ngoài phải giao nộp công nghệ truyền thông cho một đơn vị an ninh quốc gia xem xét. Tất cả công ty hoạt động tại Trung Quốc đều phải đặt cơ sở dữ liệu ở đây.
Ngoài Trung Quốc, báo cáo của NCSC còn xác định Nga với Iran là những “quốc gia ác ý” muốn xâm nhập vào hệ thống máy tính và cơ sở hạ tầng Mỹ.
Tin tặc Nga đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp y tế, công nghệ, và năm ngoái còn tấn công hệ thống máy tính của công ty năng lượng Mỹ. Trong khi đó, Tehran không ngừng nhắm vào doanh nghiệp quốc phòng hòng lấy được công nghệ quân sự nhạy cảm. Không những vậy, công ty hoạt động trong ngành năng lượng, hàng không vũ trụ, hàng không dân dụng lẫn tổ chức tài chính cũng là mục tiêu của tin tặc Iran.
Cẩm Bình (theo SCMP)