Điều gì tạo nên vị đạo sư Osho – con người gây tranh cãi nhưng cũng được mệnh danh là “một trong những vĩ nhân đã thay đổi vận mệnh Ấn Độ”?
Ngày nay, sách của Osho được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới và phổ biến tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, nhiều tư tưởng của Osho được cho là gây tranh cãi và trở thành cuộc chiến giữa những người ủng hộ ông và cả những người chống đối. Điều gì tạo nên vị đạo sư Osho – con người gây tranh cãi nhưng cũng được mệnh danh là “một trong những vĩ nhân đã thay đổi vận mệnh Ấn Độ”?
Vị đạo sư chỉ trích con người mê đường, lạc lối
Osho tên thật là Chandra Mohan Jain, sinh năm 1931 tại bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Từ nhỏ, Osho đã tỏ ra xuất chúng và nổi loạn.
Ông từng rời khỏi một tổ chức sau thời gian gắn bó ngắn ngủi vì “không thể chịu đựng được bất kỳ kỷ luật, hệ tư tưởng hoặc hệ thống từ bên ngoài”. Lấy bằng triết rồi giảng dạy triết học tại nhiều đại học, Osho bị phó hiệu trưởng một trường đại học nhanh chóng yêu cầu chuyển trường vì “được coi là một mối nguy hiểm đối với đạo đức, nhân cách và tôn giáo của sinh viên”.
Năm 1966, Osho ngừng giảng dạy, dành toàn bộ thời gian cho việc thuyết giảng tâm linh. Ông công khai công kích những nhân vật nổi tiếng (nhà cách mạng Gandi, mẹ Teresa, Khổng Tử…) cũng như các tôn giáo truyền thống của Ấn Độ. Ngoài ra, tư tưởng chống lại ràng buộc xã hội được lặp lại nhiều lần trong những bài thuyết giảng của Osho.“Con người vốn dĩ ngu dốt và luôn làm những điều ngu dốt suốt quãng đời của mình”, lời ông được ghi lại trong cuốn sách “Từ bi”, “Cứ thế, họ lặp đi lặp lại cuộc sống non nớt và nói những điều vô bổ”.
Osho ủng hộ lòng yêu thương, tiếng cười và thiền định. Ông cho rằng con người vốn rất thuần khiết và hạnh phúc khi mới sinh ra, nhưng rồi dần đánh mất đi những phẩm chất đó khi lớn lên, trở nên bất hạnh bởi những mong ước, dục vọng bắt nguồn từ ràng buộc xã hội. Những cuốn sách của Osho cổ vũ bạn đọc rũ bỏ khỏi những ràng buộc đó. “Đừng di chuyển như cách bạn di chuyển vì sợ. Hãy di chuyển như cách bạn di chuyển vì tình yêu”, ông ghi trong “Trò chuyện với vĩ nhân”.
Ma lực thu hút lòng người
Những tư tưởng của Osho, thành thật mà nói, chúng không mới mẻ. Đọc sách của ông, ta có thể liên tưởng rất nhiều đến Phật, Krishnamurti, Lão Tử, như một nhận xét: “Cho dẫu trên bình diện “hình tướng”, họ rất khác nhau, nhưng hình như họ rất gần nhau ở suối nguồn sâu thẳm nhất”.
Điều làm Osho trở nên khác biệt, có lẽ nằm ở cách ông trình bày tư tưởng của mình. Chúng không phải là những bài giảng học thuật chặt chẽ, mà được thể hiện thông qua những câu chuyện giàu liên tưởng cùng lối diễn đạt sáng sủa, cuốn hút. Họa sĩ Peter Max bình luận: “Ngôn từ của Osho giống như những nét cọ thi ca. Tự thân mỗi nét cọ đã là một vẻ đẹp và toàn bộ tác phẩm chính là một kiệt tác”.
Khi nói về chân lý hay sự giải phóng tinh thần, Osho chinh phục tuyệt đối người nghe. Tuy nhiên, khi mỉa mai tôn giáo hay chỉ trích một nhân vật tài danh, ông lại khiến họ tức giận. Thái độ cực đoan và chẳng suy suyển chút nào của ông đã đưa Osho chạm đến cả đỉnh cao của sự tôn vinh lẫn điểm đáy của sự xua đuổi.
Có tài liệu ghi khi Osho ở Ấn Độ, ông chuyển từ thành phố này sang thành phố khác vì bị cư dân địa phương chống đối, hay ông từng bị một tín đồ Ấn giáo tấn công bằng dao khi đang thuyết giảng. Những nhóm chống đối coi “đế chế Osho” như một giáo phái ma quỷ. Ông được gọi là “đạo sư tình dục” vì công khai ủng hộ tự do tình dục trong những bài giảng của mình.
Nhiều người gọi ông là “bậc đạo sư giả tạo”, kẻ chỉ buông lời triết lý hòng kiếm chác từ những kẻ ái mộ mình. Năm 1987 Osho phải rời khỏi nước Mỹ, ông bị nhiều nước khác từ chối cho cư trú và sau cùng ông về lại Pune, Ấn Độ sống những năm cuối đời. Sau khi mất, Osho được tờ báo Sunday Mid-Day của Ấn Độ tôn vinh là một trong những người có ảnh hưởng nhất quốc gia. Đến nay, nhiều cuốn sách ghi chép lại các luồng tư tưởng của ông vẫn được lưu truyền cho hậu thế.
Lời của Osho trong cuốn sách “Trò chuyện với vĩ nhân” đã vận chính xác vào cuộc đời của chính ông: "Khi họ chết đi, chúng ta tôn thờ họ, trong khi họ còn sống, chúng ta ngược đãi họ".