Học viên có được tương tác hay không, kết nối mạng với từng học viên ra sao và có cần điểm danh theo quy định như học trực tiếp hay không? Đó là những câu hỏi được đặt ra sau đề xuất đào tạo tập trung trên nền tảng số nghề lái ô tô của Sở GTVT TP.HCM.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM có văn bản trình UBND TP đề xuất triển khai đề án thí điểm “đào tạo tập trung trên nền tảng số và hệ thống quản trị cơ sở đào tạo nghề lái ô tô hạng B (B1, B2), C”. Cụ thể, hình thức học tập của đào tạo trên nền tảng số là sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để giảng dạy như máy tính, điện thoại, internet, phần mềm, ứng dụng, trang web.
Lý do Sở GTVT đưa ra là hiện hình thức dạy lý thuyết lái ô tô tồn tại một số điểm bất cập, mâu thuẫn giữa Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và Luật Giao thông đường bộ 2008. Đơn cử, trường hợp cơ sở đào tạo lái xe xây dựng chương trình dạy lái ô tô (hạng B2, C, D, E và các giấy phép lái xe hạng F) theo hình thức học từ xa hoặc tự học có hướng dẫn định nghĩa của Luật Giáo dục nghề nghiệp thì mâu thuẫn với quy định dạy tập trung tại cơ sở dạy lái xe theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Mặt khác, việc thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lái ô tô, thay đổi phương thức đào tạo các môn học lý thuyết từ truyền thống sang phương thức đào tạo theo mô hình tập trung trên nền tảng số phù hợp với chương trình chuyển đổi số, chiến lược phát triển chính phủ điện tử của Chính phủ.
Trước những thông tin trên, nhiều ý kiến cho rằng quy định yêu cầu học viên phải học tập trung môn lý thuyết lái xe ô tô hiện không phù hợp, cần thay đổi. Tuy nhiên, với những người không rành công nghệ thì sao?
Theo anh Vũ Trần Kiên (kỹ sư tại Công ty Bechem Việt Nam), nên song song hai hình thức trực tiếp và trực tuyến để những người không rành về công nghệ cũng có thể đi học trực tiếp nếu muốn. Học viên sẽ chọn mô hình nào linh động, phù hợp với thời gian của mình hơn là việc đến trực tiếp tại lớp học.
Bên cạnh đó, cần phải tính toán làm sao với trường hợp học viên chỉ đăng nhập tài khoản khi học trực tuyến nhưng không ngồi học nghiêm túc? Điểm danh và báo cáo như thế nào để không đi ngược lại với những quy định hiện hành? “Chương trình học lý thuyết hiện nay khá nặng. Vậy học trực tuyến có gì để chứng minh, kiểm tra hết môn trên hình thức đó hay lại phải tổ chức một buổi thi trực tiếp tại trường? Rồi bài học, bài tập có phải đưa lên trực tuyến hay không?”, anh Kiên đặt câu hỏi.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết nhiều nước trên thế giới như Mỹ hay Đức đều tổ chức học lý thuyết lái xe online nhưng khi thi thì sẽ trực tiếp đến đơn vị sát hạch để thi. Việc học lý thuyết khá dễ dàng nhưng bộ đề thi bắt buộc người học phải học thì mới thi được. Tại các trung tâm sát hạch lái xe sẽ có máy tính để học viên đến thi, nếu không đạt, sau 2 tiếng học viên có thể thi lại nếu muốn.
Một số nước ở khu vực châu Á cũng thực hiện việc học lý thuyết online, thậm chí học viên muốn học sao cũng không cần giám sát mà chỉ nắm kết quả thi cuối cùng. Nếu cơ quan nhà nước muốn đạt được hiệu quả cao trong việc học và thi có thể nâng mức phạt lên, lúc đó người dân sẽ tự ý thức được và không vi phạm.
Theo ông Bùi Quế Thịnh, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng GTVT trung ương 1, thời gian học lý thuyết với 5 môn là 168 giờ, trong đó các hạng B2, C phải học tập trung, điểm danh bằng thẻ từ vân tay và nhận diện bằng khuôn mặt tại cơ sở đào tạo.
“Cơ sở đào tạo đủ điều kiện và thực hiện nghiêm quy định nhưng đối với người học, việc phải đến để điểm danh, học tập trung là thách thức lớn. Nhiều người có nhu cầu học đã đến trung tâm đăng ký nhưng khi nhận được thông báo phải học tập trung và điểm danh thì bỏ cuộc”, ông Thịnh nêu thực tế.
Để tạo điều kiện người học trong bối cảnh công nghệ phát triển, ông Thịnh đề xuất cho phép học viên có thể học trực tuyến, khi hết môn học đến trung tâm làm bài kiểm tra, nếu đạt yêu cầu mới được dự sát hạch.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM phân tích, thời gian học tập trung đối với hạng B2 là 140 ngày sẽ rất khó cho sinh viên, cán bộ, công chức học tập trung đầy đủ theo yêu cầu.
Hiện nay có khoảng 80% người học lái xe không có nhu cầu lấy giấy phép lái xe để kinh doanh vận tải, do đó việc giám sát đối với người học là không khả thi. “Hình thức học trực tuyến sẽ tháo gỡ khó khăn này, chúng ta chỉ cần làm tốt công tác sát hạch, đúng quy định, đảm bảo chất lượng”, ông An nói.
Cũng theo ông Bùi Hòa An, việc thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lái ô tô, thay đổi phương thức đào tạo các môn học lý thuyết từ truyền thống sang đào tạo theo mô hình tập trung trên nền tảng số phù hợp với chương trình chuyển đổi số, chiến lược phát triển chính phủ điện tử của Chính phủ.
Do đó, Sở GTVT đề xuất UBND TP có văn bản kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến chấp thuận cho Công ty TNHH Ô tô Hiệp Phát thực hiện đề án thí điểm này. Sau khi được Bộ GTVT thống nhất triển khai đề án thí điểm sẽ triển khai thực hiện tại các cơ sở đào tạo lái xe khác trên địa bàn TP nhằm tránh tình trạng độc quyền.
Từ năm 2023, tất cả các học viên học lái xe phải học thêm môn học lái xe ô tô trên cabin mô phỏng, nội dung trong một khóa học khi học lái xe ô tô cũng đã được gia tăng.
Cụ thể, theo quy định tại điều 13 và điều 14 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi Thông tư 04/2022/TT-BGTVT, thời gian học thực hành lái xe trên cabin mô phỏng của mỗi học viên được quy định cụ thể.
Trong đó, học viên học bằng lái xe ô tô hạng B1, B2 và C, thời gian học lái xe trên cabin mô phỏng là 3 giờ/khóa học.
Học viên học nâng hạng bằng lái xe ô tô sẽ học lái xe trên cabin mô phỏng 1 giờ (riêng học nâng hạng từ B1 tự động số lên B1 thì không phải học thực hành lái xe trên cabin mô phỏng).