Giá gạo Việt Nam xuất khẩu hiện đang "được mùa, được giá" khi đang ở mức cao nhất thế giới và dự báo còn tăng trong thời gian tới.

Gạo Việt được mùa, được giá

Sơn Lam | 23/08/2023, 13:35

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu hiện đang "được mùa, được giá" khi đang ở mức cao nhất thế giới và dự báo còn tăng trong thời gian tới.

Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ (ngày 20.7) và việc Nga tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, nhiều nước bắt đầu tăng nhu cầu trữ gạo.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 7.2023 là 619.000 tấn. Qua đó, tổng lượng gạo trong 7 tháng đầu năm lên tới 4,85 triệu tấn, tăng 19,1% và trị giá đạt 2,62 tỉ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 19.8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng loại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn, gạo cùng loại của Thái Lan có giá 561 USD/tấn.

Như vậy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn của Thái Lan 10 USD/tấn, còn gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn 57 USD/tấn. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới. Dự báo, giá gạo xuất khẩu sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc giá gạo Việt Nam tăng cao là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo tại thị trường trong nước rất có thể sẽ xảy ra. Đây là điều các doanh nghiệp cần phải lưu ý, tính toán.

gao-2.jpeg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Ông Thịnh cho rằng các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, nếu không tỉnh táo có thể phải "đu đỉnh".

Còn chuyên gia Vũ Vinh Phú đánh giá việc giá gạo tăng và nhu cầu thị trường lớn là đáng mừng nhưng đã bắt đầu có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý.

“Mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong "rổ" tính giá CPI và mặt hàng này có ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng khác. Nếu không kiểm soát, giá cả tăng đột biến sẽ xáo trộn đời sống người dân”, ông Phú nói.

Trả lời báo chí, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế.

Ông Thành cho rằng cần nhìn nhận đây không còn chỉ là vấn đề được mùa được giá của người nông dân, vấn đề kinh doanh có lãi của thương lái, của doanh nghiệp hay điều hành đảm bảo an ninh lương thực của cơ quan quản lý nhà nước chúng ta nữa. Câu chuyện về gạo lớn hơn là một lĩnh vực kinh doanh đơn thuần hay thậm chí còn lớn hơn việc đảm bảo an ninh lương thực của một quốc gia.

“Bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, khi Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng trong đảm bảo hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định và phát triển bền vững của rất nhiều quốc gia”, TS Võ Trí Thành đánh giá.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, quy mô sản xuất lúa gạo trong nước vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến có lúc khó kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu. 

gao-1.jpeg
Giá gạo Việt Nam tăng mạnh

Ngoài ra, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ; thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường. Đây cũng là một nhân tố khó đoán định.

Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15.8 mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất, thời gian tới, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn sẽ tham mưu để Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng của ngành; tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường…

Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành liên quan kịp thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ cho người trồng lúa và thương nhân sản xuất, xuất khẩu gạo để họ chuyên tâm vào sản xuất, nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến cáo tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; đồng thời, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu…

Tại Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, năm 2023, cả nước gieo trồng được 7,1 triệu hecta, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022. Với sản lượng lúa dự kiến như trên, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Bài liên quan
Nhật Bản lo dự trữ gạo trước nguy cơ do nắng nóng kéo dài
Chính phủ Nhật dự trữ 1 triệu tấn gạo, tương đương khoảng 14% lượng gạo tiêu thụ hằng năm ở Nhật Bản. Ngoài ra, các đơn vị tư nhân cũng đang trữ từ 1 triệu đến 3 triệu tấn gạo trong kho của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Loạt chính sách có hiệu lực từ tháng 5
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Giá điện được điều chỉnh 3 tháng/lần; tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gạo Việt được mùa, được giá