Khóa đào tạo được khai giảng ngày 11.6.2020 và sẽ kéo dài trong 2 ngày. Lớp học có sự tham gia của 100 học viên là Trưởng/phó phòng CNTT hoặc Giám đốc Trung tâm CNTT và truyền thông của các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, ngành và các Sở TT-TT.
Việc tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công chức, viên chức về Chính phủ điện tử là một trong những giải pháp chủ yếu để xây dựng Chính phủ điện tử đã được Chính phủ nêu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP. Để triển khai tốt nội dung này, việc đào tạo các chuyên gia, các hạt nhân về Chính phủ điện tử trong mỗi bộ, ngành, địa phương, từ đó lan tỏa tri thức ra các cơ quan, đơn vị là biện pháp thực hiện nhanh và hiệu quả.
Ngày 28.12.2019, tại Bộ TT-TT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khởi động “Chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử” nhằm đào tạo các cán bộ CNTT trở thành lực lượng nòng cốt, là các hạt nhân triển khai Chính phủ điện tử tại bộ, ngành, địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ Bộ TT-TT giao chủ trì triển khai việc đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử, trong thời gian vừa qua, do tình hình dịch COVID-19, Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) đã tổ chức các khóa học trực tuyến cho học viên thông qua hệ thống đào tạo từ xa. Đánh dấu ngày thứ 56 liên tiếp không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, Cục Tin học hóa triển khai lớp đào tạo trực tiếp cho 100 chuyên gia về Chính phủ điện tử.
Tại Dự thảo báo cáo Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, theo Bộ TT-TT, để tạo điều kiện triển khai các nhiệm vụ phát triển Chính phủ số, Việt Nam cần triển khai các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo, nâng cao nhận thức cho các cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước, tổ chức đào tạo đội ngũ chuyên gia về Chính phủ số nhằm tạo lực lượng nòng cốt… Phát triển các nền tảng đào tạo trực tuyến về Chính phủ số cho mọi đối tượng; xây dựng hệ thống thao trường mạng và thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ số.
Tại khóa học này, ngoài việc nghe giới thiệu Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 và Hướng dẫn các bước xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử; các học viên còn được hướng dẫn triển khai về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; hướng dẫn triển khai quy định về lập đề cương dự toán chi tiết với hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; đảm bảo an ninh an toàn Hạ tầng nền tảng Chính phủ số ứng dụng Điện toán đám mây… Cũng trong chương trình này, các học viên còn được tham quan khảo sát thực tế tại Trung tâm Dữ liệu điện toán đám mây của Công ty CMC Telecom.
Việt Nam xác định việc xây dựng, phát triển Chính phủ số gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và chủ quyền số quốc gia. Theo đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, người dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước…
Với tầm nhìn xa, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI) vào năm 2030. Theo đó, các chỉ tiêu quan trọng cần đạt được bao gồm 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với các dịch vụ số của Chính phủ; dịch vụ số được thiết kế tùy biến, cá nhân hóa, tối ưu hóa trải nghiệm, tiện lợi cho người dùng…
Thu Anh