Rạng sáng ngày 9.6.2010, chàng trai 18 tuổi Trần Anh Vũ 'gầy nhom, quê quê' quyết định rời gia đình ở Kiên Giang để bắt xe lên Sài Gòn tìm việc. Bốn năm sau, anh chiến thắng cuộc thi TGT3's Next Top Angel, trở thành một gương mặt được nhiều người trong cộng đồng chuyển giới biết đến với cái tên mới nữ tính hơn - Trần An Vi.

"Đất Sài Gòn rất bao dung với người chuyển giới... Ít nhất là với tôi"

Một Thế Giới | 13/08/2014, 11:13

Rạng sáng ngày 9.6.2010, chàng trai 18 tuổi Trần Anh Vũ 'gầy nhom, quê quê' quyết định rời gia đình ở Kiên Giang để bắt xe lên Sài Gòn tìm việc. Bốn năm sau, anh chiến thắng cuộc thi TGT3's Next Top Angel, trở thành một gương mặt được nhiều người trong cộng đồng chuyển giới biết đến với cái tên mới nữ tính hơn - Trần An Vi.

“Bóng lộ thì có làm sao”
Năm lớp 8 là lần đầu tiên Vivian hóa thân thành con gái, xúng xính áo đầm và trang điểm thật đẹp, dự đám cưới của một anh bạn. Chủ buổi tiệc cũng mời một nhóm hát của người chuyển giới đến góp vui. "Các chị thấy tôi ăn vận đẹp nên rủ vào nhóm luôn. Lúc đó chỉ mới bắt đầu cảm nhận là thích làm con gái, nên lúc nào cũng muốn mặc đồ con gái hết. Khi đó tôi được trả 20.000 đồng/show, rồi lên 50.000 đồng. Số tiền này khi đó lớn lắm, ở dưới quê lại càng quý. Nhưng trên hết là tôi được mặc đồ con gái và được hát", Vivian kể.
Học xong cấp 2, gia đình không có điều kiện nên Vivian Trần nghỉ học để đi làm đỡ đần gia đình. "Hồi dưới quê tôi làm nhiều việc lắm, phụ quán cà phê, quán ăn, may đồ, làm đồ handmade, bán vé số, giúp việc cho hàng xóm. Nhưng rồi tôi thấy không thể làm mãi những công việc này nên quyết tâm lên Sài Gòn học nghề, tìm việc".
Vivian lần đầu đặt chân lên Sài Gòn lúc 18 tuổi, không họ hàng thân thích, không kế hoạch cụ thể, chỉ biết phải tìm việc làm ổn định để phụ giúp gia đình. Cô tình cờ gặp lại một số người bạn đồng hương đã lên Sài Gòn trước đó. Nhờ giới thiệu, Vivian được nhận vào bộ phận phục trang của một đoàn làm phim với tay nghề cắt may “chút đỉnh”. Những ngày không quay phim, cô tranh thủ đi phụ quán cà phê.
"Tháng 2.2011 là bộ phim quay xong, tôi lại rơi vào cảnh thất nghiệp, lại đi tìm việc làm tiếp. Tôi đọc thấy thông báo tuyển nhân viên kết cườm của một nhà thiết kế nổi tiếng nên nộp đơn, vào phỏng vấn, rồi được nhận làm. Đây là công việc làm lâu dài và ổn định nhất của tôi, được hơn 3 năm", Vivian kể.
Lúc mới lên Sài Gòn, Vivian cắt đi mái tóc dài, mặc quần áo con trai đến công ty làm việc. Dần dần, cô nhận ra rằng: "Trong ngành thời trang thì người đồng tính hay chuyển giới là điều bình thường. Sếp cũng không ý kiến gì, chỉ cần tôi hoàn thành tốt công việc là được"

Không chỉ trong công việc, Vivian nói đất Sài Gòn rất bao dung: "Người dân cư xử lịch sự với tôi, còn họ có xì xầm sau lưng thì không biết. Một lần tôi hỏi anh chủ nhà trọ cũ ở Bình Thạnh là ‘Em thích làm con gái vậy anh có ngại không’. Anh ấy trả lời rất nhanh: ‘Có gì đâu mà ngại, em có công việc đàng hoàng, cũng đâu gây ảnh hưởng gì đến ai’".
Năm 2011, Vivian tham gia cuộc thi Miss Angel nhưng dừng bước ở vòng chung kết. Một năm sau, cô tiếp tục thử sức ở cuộc thi TGT3’s Next Top Angel và bất ngờ đoạt giải Nhất. "Cuộc sống hoàn toàn thay đổi kể từ đây, như một bước ngoặt vậy", Vivian nói, "Tôi xác định là tôi phải chuyển giới, không sống như xưa nữa. Tôi nuôi tóc dài hơn, bắt đầu tiêm hormones, dành dụm tiền làm phẫu thuật".
 Vivian Trần nhận học bổng bên cạnh người chị Jessica của cô
Năm 2014, Vivian được nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch giới thiệu nộp chương trình học bổng phát triển Viet Pride dành cho những người trong cộng đồng LGBT. Sẵn kinh nghiệm cắt may từ khi còn ở quê, ba năm làm chuyên viên kết cườm và tiếp xúc với giới thời trang, nên Vivian ao ước trở thành một nhà thiết kế. Với định hướng tương lai rõ ràng, phù hợp với khả năng bản thân, Vivian được nhận học bổng Viet Pride để theo học nghề thiết kế với nhà thiết kế Lê Thanh Phương. “Khi được ban tổ chức Viet Pride thông báo tôi được nhận học bổng, cảm giác đầu tiên là mừng muốn chết luôn, vì ở Việt Nam biết bao nhiêu người trong cộng đồng mà chỉ chọn có hai người”, Vivian nói.
“Lần 1 tan vỡ, lần 2 vỡ tan, lần 3 ngộ nhận, lần này chưa biết sao”
Người đầu tiên mà Vivian “thương thầm” là cậu bạn cùng lớp. Năm lớp 8, Vivian lấy hết can đảm, viết thư tỏ tình, và dĩ nhiên, giấu tên người gửi. Tuy nhiên, sự việc bị phát hiện vì cậu ấy mượn hết tập các bạn trong lớp để dò nét chữ. Sau lần đó, giữa hai người nảy sinh khoảng cách, cậu bạn cũng bớt tự nhiên hơn khi tiếp xúc với Vivian. “Đó là việc làm ngu ngốc nhất thời đó, tỏ tình bị phát hiện nên quê lắm”, Vivian nhớ lại.

Năm 2011, thông qua một diễn đàn, Vivian cũng quen một người đàn ông. “Anh ấy nhắn tin làm quen trước, hai bên cũng nhắn tin, trao đổi, gọi điện rồi thân hồi nào không hay”
Sau hơn 3 tháng quen nhau, Vivian và anh quyết định gặp mặt lần đầu vào đêm 13.2. “Ngày đó cả hai đều bận. Tôi đi làm đến 22g mới về, anh cũng vừa đáp chuyến tàu vào Sài Gòn. Nhưng hai đứa quyết định phải gặp. Rồi anh qua nhà tôi, chúng tôi đi với nhau suốt đêm”.
Tuy nhiên, ngay sau hôm đó thì người thương của Vivian lại thờ ơ, không vồn vã hỏi han, nhắn tin như mọi ngày nữa. Dần dần, anh tỏ tín hiệu muốn rút lui. Sự háo hức trông chờ một ngày Valentine đầu tiên của Vivian tắt vụt nhanh chóng.
“Lúc đó tôi buồn hơn cả tháng, cứ đêm về là khóc, tại tôi thương người ta thật mà. Nhưng rồi nỗi buồn nào cũng phải nguôi ngoai thôi, một thân lên Sài Gòn kiếm sống, không thể yếu đuối như vậy nữa. Từ đó tôi rất cứng rắn, không bao giờ khóc vì bất cứ điều gì, mãi cho đến khi đoạt giải tại cuộc thi Next Top Angel thì mới khóc, nhưng lần này là khóc vì hạnh phúc”, Vivian tâm sự.
Năm 2013, trong một lần đi biểu diễn, Vivian gặp một anh dẫn chương trình tại sự kiện. “Ảnh chủ động bắt chuyện, rồi về nhà lại bắt đầu nhắn tin, hỏi han, tìm hiểu. Tôi lại có cảm tình. Người chuyển giới lúc nào cũng cảm giác cô đơn nên dễ rung động khi bỗng nhiên có một người đàn ông tử tế với mình”.
Cũng trong năm này, Vivian trải qua cuộc phẫu thuật chuyển giới. “Khi đã tỉnh lại, tôi thấy toàn thân đau đớn và kêu tên anh ấy trước tiên, sau đó mới gọi mẹ”, Vivian nói.  Trong quá trình hồi phục hậu phẫu, anh qua thăm Vivian thường xuyên, “lần nào tôi ói là anh hứng hết! Khi đó, nhìn anh như vậy, tôi thương lắm”.
Tuy nhiên, sau một thời gian, chuyện tình cảm vẫn không tiến triển hơn. “Có lẽ chủ yếu là do tôi tự ‘tưởng tượng’ về tình cảm thôi. Bỗng nhiên người ta đối xử với tôi rất tử tế thì làm sao tôi không khỏi xao lòng, nhưng người ta có bao giờ nói là thích tôi đâu. Có lúc thì quan tâm, có lúc thì hờ hững, mọi chuyện cứ vậy đấy”. 
Rồi một ngày không chịu được cảnh lập lờ, không rõ ràng nữa, Vivian hỏi thẳng anh: “Vậy bây giờ mối quan hệ của anh với em là như thế nào?”, anh đáp “Thì trước giờ là anh em chứ là sao nữa”.
“Tôi cũng không biết nói sao, đành chấp nhận vậy thôi. Nhưng quả thật chính vì chấp nhận mà tôi cảm thấy thoải mái hơn. Tôi đùa giỡn với anh không cần phải e ngại, dè dặt như trước nữa”, Vivian nói.
Gần đây nhất, Vivian tiếp tục được một chàng trai để ý và làm quen trong một sự kiện của Viet Pride 2014. Cả hai vẫn tiếp tục “trường kỳ tin nhắn”, vẫn là những câu hỏi han công việc, sinh hoạt hàng ngày. “Anh ấy cũng quan tâm lắm. Nhưng lần này tôi rút kinh nghiệm những chuyện trước đây, lòng tự nhủ chỉ đang trong giai đoạn tìm hiểu thôi”.
“Ai cũng mong muốn có một bến đỗ, có một người đàn ông yêu thương và chăm sóc cho tôi. Dù là dị tính, đồng tính hay chuyển giới thì đều cần có một tình yêu. Xã hội có thể chưa cởi mở về tình cảm của người chuyển giới, nhưng tôi nghĩ tình yêu cần phải có bình đẳng từ cả hai phía. Nếu tôi đã có công việc ổn định, cuộc sống tốt, tôi toàn tâm yêu thương và chăm lo cho anh ấy, thì tôi cũng có quyền đòi hỏi được yêu xứng đáng, được tôn trọng trong tình yêu”, Vivian tâm sự
Hiện tại, Vivian chọn phương châm sống cho tương lai là “Hãy cứ sống tốt, rồi sẽ được yêu”, xây dựng ước mơ trở thành một nhà thiết kế, học tập và chăm sóc sức khỏe tốt để trở thành một cô gái hoàn hảo.

"Chúng tôi ấn tượng nhất bởi sự chân thành và hiền lành của Vivian khi tiếp xúc lần đầu. Nỗ lực của Vivian và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết định hướng tương lai (trở thành một trong những người chuyển giới đầu tiên thành lập nhãn hiệu thiết kế riêng tại Việt Nam) đã thuyết phục được ban tuyển chọn. Vivian là trường hợp điển hình của một người luôn chuẩn bị "sẵn sàng" để đón nhận "may mắn" đến với mình. Trong nhiều năm qua, bạn đã kiên trì làm công việc kết cườm để thu thập kinh nghiệm và tiết kiệm chi phí cho khoá học cắt may của mình. Có những lúc công việc không suôn sẻ, có những khi chịu nhiều áp lực để tồn tại ở một thành phố đắt đỏ như Sài Gòn, nhưng điều đáng quý ở Vivian là bạn đã chọn không đánh đổi nhân cách của mình để có được một cuộc sống dễ dàng hơn, vẫn chăm chỉ đi làm với đồng lương khiêm tốn, với một niềm tin mãnh liệt vào một tương lai tươi sáng hơn."
Chị Ngân Trang, đại diện Học bổng Viet Pride
Gia đình em thì… không khắt nghiệt trong chuyện giới tính của em lắm. Ban đầu mẹ cũng la, mẹ nói là con trai thì trai luôn, gái thì gái luôn, chứ đừng có lúc này, lúc kia, mẹ chóng mặt (cười). Ba em thì im lặng hơn, đàn ông mà, nhưng có mấy lần em mặc đồ diễn, trang điểm thành con gái về nhà, ba thấy, hơi chau mày xong rồi cũng không nói gì. Ngay từ nhỏ chắc ba má em đã biết giới tính thật của em, nên cũng không bất ngờ hay cấm đoán, chỉ dặn là làm sao cũng ráng mà sống cho đàng hoàng. Má em thích mấy đứa bạn bóng lộ của em lắm, lần nào dẫn về nhà chơi, tụi nó múa hát um sùm, má không la mà chỉ cười, phụ dọn đồ ăn cho cả đám. Có lẽ má thấy cả đám mặc dù là chuyển giới, là đồng tính nhưng lo làm ăn, đi hát kiếm tiền chứ không hư hỏng nên thương.
"Cuộc đời của Vivian Trần", Trích tiểu thuyết Chuyển giới của Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch
Cảnh Toàn (Ảnh NVCC)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là tài nguyên vô tận
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, KH-CN, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Đất Sài Gòn rất bao dung với người chuyển giới... Ít nhất là với tôi"