Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ra đi ở tuổi 71 để lại bao nhiêu tiếc nhớ cho công chúng, bạn đọc và đặc biệt là giới văn nghệ sĩ trí thức.

Công chúng và văn giới thương tiếc nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Ông xứng đáng được như vậy”

Tiểu Vũ | 21/03/2021, 15:50

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ra đi ở tuổi 71 để lại bao nhiêu tiếc nhớ cho công chúng, bạn đọc và đặc biệt là giới văn nghệ sĩ trí thức.

160679789_1773315429493541_7170652273213703792_n.jpg
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) - Ảnh: Tư liệu

Sau những vinh quang và cay đắng trên cõi đời, cuối cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng rời cõi tạm vào chiều ngày 20.3.2021 tại nhà riêng ở Hà Nội.

Dù biết quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” là điều không thể tránh khỏi trong kiếp nhân sinh, nhưng cuộc ra đi của ông đã để lại vô vàn thương tiếc cho giới văn chương và công chúng trong, ngoài nước.

Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn được đánh giá là cao nhân trên văn đàn Việt Nam đương đại. Ông cũng là ngọn cờ đầu trong cách tân văn học thời sau đổi mới với cách viết trần trụi thẳng thắn qua một loạt truyện mang tính đột phá như Tướng về hưu, Không có vua, Tuổi 20 yêu dấu, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết....

huy-thiep-8335-1616250393.jpg
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi ra mắt "Tuổi 20 yêu dấu" năm 2018. - Ảnh: Hà Đỗ.

Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp luôn sống động bởi đó là những câu chuyện xảy ra trong đời sống quanh ông. Bằng góc nhìn đó, ông đã ghi lại một cách chân thật rõ ràng. Ví dụ như truyện Tướng về hưu của ông mang đến một góc nhìn mới và đột phá về người lính thời hậu chiến khác hẳn với dòng văn chương được cho là “chính thống” thời đó khi người lính được ca ngợi như những người anh hùng biết chịu đựng và vượt qua mọi gian khổ…

Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp cho thấy một một sự thật trần trụi mà không phải ai cũng dám viết. Nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp là vị tướng già, sau thời thời lừng lẫy, ông trở về làm dân thường và trở nên lạc lõng trong chính gia đình của mình khi những giá trị của cuộc sống bị đảo lộn. Đồng tiền và những nhu cầu vật chất đã chi phối mọi mối quan hệ. Sự can trường dũng cảm oai phong của ông trên chiến địa đã không thể chỉ huy được một gia đình nhỏ với cô con dâu sắc sảo, người con trai nhu nhược và một bà vợ lẩn thẩn.

d5dc2-t25c625b025.jpg
Tướng về hưu - Cuốn truyện xuất sắc của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Tướng về hưu mở ra một xu hướng sáng tác mới cho văn học thời đó nhưng cũng tạo nên vô số cuộc tranh cãi và vô vàn hệ lụy cho Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyễn Huy Thiệp ra đi, những hệ lụy trần gian cũng rời xa ông, nhưng dấu ấn và tác phẩm của ông để lại là rất lớn. Văn chương Việt Nam sẽ còn lâu nữa mới có một Nguyễn Huy Thiệp thứ hai – nhiều người nhận định như thế.

Một ngày sau khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mất, giới văn nghệ sĩ trí thức trong và ngoài nước đã bày tỏ niềm thương tiếc và sự kính trọng của mình dành cho ông. Những góc khuất về cuộc đời của một nhà văn lớn cũng dần được hé mở qua những lời chia sẻ chân tình của những người yêu mến ông.

Trong một bài viết có tên Nguyễn Huy Thiệp vượt qua giai đoạn bị đồn thổi ác ý như thế nào?, cựu Phó TBT Báo Nông nghiệp Việt Nam Trịnh Bá Ninh chia sẻ: “Nhớ cách đây hơn 30 năm. Ngày ấy những kiệt tác Tướng về hưu, Con gái thủy thần, Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết... đã tạo ra bước ngoặt cho văn học hiện đại Việt Nam sau 1975. Những cuộc tranh luận trái chiều; những phê bình ác ý; những cách đọc ngoài văn bản, quy chụp... đã khiến dư luận râm ran. Rằng truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp hạ bệ thần tượng.

20-4-2017-16162475270211930284294.jpg
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp năm 2017 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Thế rồi không biết từ đâu các báo nhỏ to với nhau rằng cấp trên cấm đăng Nguyễn Huy Thiệp. Mất vài năm, không báo nào in truyện anh. Tôi đến thăm, anh hơi buồn. Là Phó Tổng biên tập kiêm Thư ký tòa soạn báo Nông Nghiệp VN, tôi chưa nhận được chỉ đạo nào bằng văn bản cũng như chỉ đạo miệng cấm in truyện của anh. Có chăng chỉ ở những cuộc giao ban nội bộ những người có trách nhiệm thường nói hiện trạng, dư luận rồi nhắn nhủ rất đa nghĩa. Lãnh đạo các báo tự hiểu và chịu trách nhiệm. Thân tình hơn thì được rỉ tai về cuộc họp ngày này, tháng này, thành phần , nội dung… Hỏi xem văn bản. Ai cũng lắc đầu. Nội bộ. Mật.

Sau khi xin phép và được Tổng biên tập đồng ý, tôi với nhà văn Văn Chinh đến đặt anh truyện ngắn cho số Tết. Anh cười cười, Nông Nghiệp VN dám đăng à. Bạo nhỉ. Rồi anh gửi truyện ngắn Thiên văn cho báo Nông nghiệp VN. Chúng tôi in. Bình thản. Trong lòng cũng hơi run. Cảm giác mơ hồ, lăn tăn. Tôi biết tòa soạn nhiều người nín thở.

Nhưng Tổng biên tập là người cơ trí. Đêm trước ngày phát hành, anh và tôi mời Thứ trưởng thường trực Bộ, trực tiếp phụ trách báo, xuống ăn tối. Lấy lý do, anh em vừa in xong báo Tết. Ý tứ để xem lãnh đạo đọc có ý kiến gì không. Nếu có, đêm ấy sẽ tháo tay in truyện Nguyễn Huy Thiệp và in lại. Nhưng thật không ngờ, đồng chí thứ trưởng khen báo Tết hay. Để cho chắc, tôi hỏi, anh thấy truyện Nguyễn Huy Thiệp có vấn đề gì không. Anh trả lời: Hay.

Báo phát hành, xôn xao một chút. Ban và Bộ, chả ai có ý kiến gì. Theo trí nhớ của tôi, Nông Nghiệp VN chính là nơi đầu tiên để Nguyễn Huy Thiệp trở lại văn đàn.

received_838120900252684.jpeg
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ra đi sau một năm chống chọi với tai biến. Ảnh từ trái qua phải: Đạo diễn Đặng Nhật Minh, hoạ sỹ Lê Thiết Cương và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh: Hai An/Vietnam+

Trên trang cá nhân, nhà báo Nguyễn Công Khế, cựu TBT báo Thanh Niên viết: “Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một văn tài của đất nước vừa qua đời . Tôi nhớ không lầm, thời tôi ở báo Thanh Niên, có đăng nhiều truyện ngắn của ông, tôi thích truyện Những bài học nông thôn được Thanh Niên đăng hai kỳ trên báo của chúng tôi vào thời đó”.

Từ nước ngoài, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu dành những lời kính trọng cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Tôi luôn phản đối việc thần thánh hóa người trần. Con người, dù anh có là ai, tài năng tới đâu, đức độ tới đâu, vẫn vô vàn khiếm khuyết. Nhưng tôi tin thần linh, cùng những huyền hoặc.

Tôi nghĩ Nguyễn Huy Thiệp đã viết văn như thần viết. Truyện ông hay không phải do học tập cần cù rèn luyện. Thượng đế đã chọn ông.

Nhiều người cứ dè bỉu khi một vài nhà văn Việt nghĩ tới Nobel. Xét riêng về truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp hơn đứt nhiều người đã đoạt giải thưởng này. Ví như Alice Munro, cho đến giờ tôi vẫn chưa hết băn khoăn tại sao người ta lại vinh danh tác phẩm của bà. Nhưng Nobel văn học dường như không chỉ phụ thuộc vào tác phẩm, tài năng của nhà văn. Gần đây, nó đã thành khuynh hướng chính trị, như Pulitzer. Vả lại, sách của ông chưa được dịch một cách có hệ thống sang Anh ngữ là rào cản lớn…”

tuong_ve_huu_-phim-.jpg
Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp cũng được chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 1988

Nhà văn Dạ Ngân đăng một bức ảnh cũ chụp ở vườn nhà của Nguyễn Huy Thiệp vào tháng7 năm 1993 khi bà làm đám cưới với nhà văn Nguyễn Quang Thân và chia sẻ:

“ Đành rằng ai cũng tới cõi, nhưng nỗi tiếc thương dành cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thật là thống thiết. Vì anh ấy xứng đáng được như vậy. Nền văn học này được thế giới biết đến ít nhiều, sự đóng góp của anh ấy thật lớn lao. Thôi, lại có đủ vợ chồng, thanh thản nơi ấy nhé anh".

161172422_1151302141992034_9172445442313397200_o.jpg
Bức ảnh do nhà văn Dạ Ngân chia sẻ

Trong dòng trạng thái chia sẻ trên trang cá nhân PGS – TS. Trần Lê Hoa Tranh (Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH - NV, ĐHQG TP.HCM viết có đoạn: “Ngoài đời anh ít nói, nói không hay, không hoạt ngôn, không hóm hỉnh hay loé sáng gì hết. Cứ im im ngồi, thi thoảng nói vài câu. Người như vậy để hết tâm vào con chữ rồi!

Gặp thì chỉ ba lần nhưng mình “gặp” truyện của ông thì không biết bao nhiêu lần. Tướng về hưu, Không có vua, Những ngọn gió Hua Tát, Muối của rừng, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn, Trương Chi, Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết,... cùng với Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã dệt nên thời đại huy hoàng của văn học thời kỳ đổi mới. Những trang văn gai góc, không màu mè, xoáy sâu vào tim gan độc giả với những cảnh tình nhiều khi rùng rợn và không tưởng tượng nổi.

Mình đọc đi đọc lại suốt, nhất là Không có vua, một mảnh vỡ chông chênh của những giá trị giao thời, mà khi đọc Tiệm may Sài Gòn của Phạm Thị Hoài, mình chỉ phục thôi chứ không cảm và lặng người như đọc Nguyễn Huy Thiệp. Gần nhất, năm ngoái, khi dạy SV Mỹ truyện Tướng về hưu qua bản dịch tiếng Anh, SV Mỹ rất là thích luôn. Nhiều SV bày tỏ rằng nhờ truyện này mà họ hiểu được cái tâm tình đổ vỡ của người lính hậu chiến, thì ra người chiến thắng cũng đổ vỡ chứ không phải chỉ người thua.

Mình vẫn cho rằng nếu chọn vài nhà văn lớn nhất nửa sau thế kỷ 20, có lẽ chỉ có Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh (giống như mình chọn Vũ Trọng Phụng là nhà văn lớn nhất VN nửa đầu thế kỷ 20 vậy).

161344704_10226024729186065_4146698748725508015_n.jpg
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (thứ 2 phải sang) cùng những người bạn văn tại Sài Gòn - Ảnh: Trần Lê Hoa Tranh

Một kiếp người gian truân, vất vả, nhưng để lại cho đời từng đó tác phẩm hay, âu cũng là phần thưởng xứng đáng.

Tướng về hưu, chữ “hưu” chiết tự là người tựa vào cái cây, ý là nghỉ ngơi. Từ nay, ông về với đất, chứ không phải là nghỉ dưới gốc cây nữa rồi”.

Lê Huyền Ái Mỹ (nhà báo cựu TBT Báo Phụ nữ TP.HCM) viết:

“Một Phẩm tiết văn chương Nguyễn Huy Thiệp còn đó. “Ai cũng phải thế”, không (làm) được cái quyền cao cả thì cũng bớt đi phần nào cái (sự) quyền đê tiện.

Đọc văn ông, mặc sức mà được nghĩ tiếp, ám ảnh đến khi vỡ ra đến… chết, mới thôi, rồi nghĩ nữa.

Cảm ơn ông, cả một vùng ký ức hỗn mang, cái đẹp vĩnh hằng cứ đứng cạnh cái trần trụi, bế tắc, quái đản, mà nhờ đó, tự khám phá mình lẫn trong tha nhân. Ngày tung hô hạnh phúc lại trêu ngươi bằng mất mát, rốt cùng là sự giải thoát”.

TS. Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc (học thuật) của Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam viết: “Tôi đã đọc truyện ngắn này của Nguyễn Huy Thiệp không biết bao nhiều lần rồi, mà lần nào cũng thấy lòng đau như dao cắt.

Là một người có từ tâm như Nguyễn Huy Thiệp mà phải sống ở nông thôn thời ấy, hẳn là hàng ngày đều chịu những vết thương tóe máu mà phải nín lặng nén vào trong. Để rồi nỗi đau bị nén lại ấy đã tràn ra đầu ngòi bút...”

163318399_1904103619737286_8172671203762638057_o.jpg
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (phải) cùng nhà văn Trần Nhã Thụy - Ảnh: Trần Nhã Thụy

Trước đó, nhà văn Trần Nhã Thụy có viết: “Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào chiều nay. Vĩnh biệt ông, nhà văn - cây bút truyện ngắn tầm cỡ của văn học Việt Nam. Một cuộc đời trầm luân nhưng đáng giá. "Danh càng lớn họa càng cao", đó là câu của Nguyễn Huy Thiệp mà tôi xem như là công án tu tập cho đời mình.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng: “Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được ví như bông hoa nở muộn trên văn đàn văn học Việt Nam sau 1975. Giới phê bình văn học cho rằng ông là một "hiện tượng lạ" trên văn đàn. Dù có rất nhiều tranh cãi của dư luận xoay quanh những tác phẩm truyện ngắn của ông nhưng không thể phủ nhận những truyện ngắn của ông mang một phong cách độc đáo và rất thu hút. Một phong cách sắc lạnh tỉnh táo đến bất ngờ, một phong cách "Nguyễn Huy Thiệp".

Nhà báo My Ly: “Nguyễn Huy Thiệp đọng lại trong tôi không phải là sự uy lẫm và tàn nhẫn như văn chương của ông, mà là niềm đồng cảm về sự mong manh của người cầm bút.

Bởi, trong những cuộc đàm đạo khi còn ở Hà Nội, tôi nhớ nhất vẫn là khi ông nói về việc người viết phải phơi bày bản thân trên trang viết. Đó là một việc làm mạo hiểm, nguy hiểm, bất an và dễ tổn thương vô cùng.

Vì qua những bài viết, những trang văn, người ta không cách nào giấu được những suy nghĩ sâu kín nhất của mình. Khi người ta trút hết ruột gan vào ngòi bút khi nguy cơ bị lột trần càng hiển hiện.

Lúc viết, chỉ có trời đất, và trang giấy kia, biết được những điều ta muốn giấu đi. Nhưng khi tác phẩm được công bố, những độc giả xa xôi nhất, xa lạ nhất cũng có thể thấu hiểu lòng ta.

Vì người sống thật tất nhiên là viết thật. Còn người sống giả, bình thường đã cười giả nói giả, không lẽ đến khi đối diện với trang viết - không gian riêng tư nhất của tâm hồn, lại viết giả nữa thì còn biết nương tựa vào đâu?

Gặp Nguyễn Huy Thiệp, chứng kiến sự giản dị, thường tình ở ông, thật khó hình dung đó là nhà văn đứng sau những truyện ngắn lẫm liệt, phũ phàng, day dứt tận cùng về cái ác và sự hèn hạ của con người. Nếu có những nhà văn diễn thuyết trước hàng nghìn người với ngôn ngữ cơ thể lôi cuốn, thì Nguyễn Huy Thiệp là mẫu người trái ngược. Ông chỉ nên gắn mình với trang viết. Đối diện nó, ông mới thật là mình. Ông viết quá thật.

Cảm ơn ông, vì đã đến trong một thời đại người ta còn kính trọng văn chương”.

Bài liên quan
Nguyễn Huy Thiệp: Nói chuyện một mình
Thường người ta xếp nhà văn cao trên ăn mày một bậc, nhà văn đứng đầu trong đám thảo dân, đứng cuối trong các phẩm trật triều đình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công chúng và văn giới thương tiếc nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Ông xứng đáng được như vậy”