Có lẽ, không có nền kinh tế lớn nào trên thế giới lại có nhiều tai tiếng hơn Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, khi nước này đang phải đối mặt với một làn sóng dè chừng từ các quốc gia trên thế giới với các dự án đầu tư của mình trong hầu hết mọi lĩnh vực, bao gồm cả đầu tư bóng đá.

Đầu tư của Trung Quốc vào bóng đá cũng bị nghi ngờ và điều tra

Nhàn Đàm | 11/09/2016, 11:07

Có lẽ, không có nền kinh tế lớn nào trên thế giới lại có nhiều tai tiếng hơn Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, khi nước này đang phải đối mặt với một làn sóng dè chừng từ các quốc gia trên thế giới với các dự án đầu tư của mình trong hầu hết mọi lĩnh vực, bao gồm cả đầu tư bóng đá.

Vấn đề trở nên trầm trọng đến nỗi tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vừa qua, chủ tịch Tập Cận Bình đã phát cáu khi chỉ trích việc nhiều nước hủy bỏ hoặc ngưng các dự án lớn có liên quan đến Trung Quốc là một hành vi mang tính bảo hộ.

Việc ông Tập công kích các nước tẩy chay dự án của Trung Quốc bằng lý do bảo hộ chỉ là cái vỏ để giấu đi một thực tế mà ai cũng hiểu rằng lý do chủ yếu là vì các nước lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia. Nhưng có lẽ những dự án dính líu đến an ninh năng lượng như điện hạt nhân Hinkley ở Anh hay Ausgrid ở Australia chỉ là phần nổi của vấn đề. Có vẻ như đang thực sự có một làn sóng nghi ngờ tính minh bạch các dự án của Trung Quốc trên thế giới trong hầu hết mọi lĩnh vực, bao gồm cả đầu tư bóng đá.

Với những người tưởng rằng, mối quan hệ đang có chiều hướng căng thẳng giữa Anh và Trung Quốc sau sự kiện chính phủ Anh tạm ngưng dự án điện hạt nhân Hinkley Point sẽ nồng ấm trở lại sau khi thủ tướng Theresa May tuyên bố tại hội nghị G20 ở Hàng Châu rằng, mối quan hệ giữa hai nước vẫn đang ở trong kỷ nguyên vàng, thì họ đã lầm.

Dự án điện hạt nhân Hinkley Point thì vẫn chưa được cho phép chính thức triển khai trở lại, trong khi đó các động thái kiểm tra những dự án đầu tư vào kinh tế Anh từ Trung Quốc lại đang có dấu hiệu gia tăng chứ không giảm đi như nhiều người dự đoán.

Cuộc điều tra quy mô lớn mới nhất mà phía Anh chĩa mũi dùi về phía Trung Quốc, là trong lĩnh vực bóng đá. Theo đó, liên đoàn bóng đá Anh đang bắt đầu tiếnhành một cuộc rà soát các khoản đầu tư đến từ Trung Quốc vào các câu lạc bộ (CLB) bóng đá tại giải đấu cao nhất xứ sở sương mù – giải Ngoại Hạng Anh (Premier League).

Theo đó, các cơ quan điều tra của Liên đoàn bóng đá Anh sẽ kiểm tra về tính minh bạch trong các khoản đầu tư từ Trung Quốc vào các CLB tại Premier League, để xác định xem có sự gian lận về sở hữu các đội bóng hay không. Vì một trong những quy tắc quan trọng nhất tại Premier League là nghiêm cấm việc các nhà đầu tư sở hữu cổ phần đáng kể trong nhiều hơn một CLB, với mục đích ngăn chặn tình trạng một ông chủ sở hữu nhiều CLB và có thể dẫn tới nguy cơ dàn xếp tỉ số và những nguy cơ khác.

Sở dĩ Liên đoàn bóng đá Anh phải tiến hành cuộc điều tra quy mô và hệ thống này, là vì đang có một làn sóng các ông chủ và doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các CLB tại giải Ngoại Hạng trong thời gian vừa qua. Theo thống kê, trong vòng 9 tháng vừa qua, đã có khoảng hơn 500 triệu bảng Anh (tương đương 668 triệu USD) được các nhà đầu tư Trung Quốc ném vào giải Ngoại Hạng. Hiện tại đã có không dưới một CLB ở giải Ngoại Hạng có ông chủ là người Trung Quốc, có thể kể đến trường hợp của Aston Villa được mua lại bởi doanh nhân Tony Xia, hay Wolverhampton Wanderers được mua lại bởi tập đoàn Fosun International Ltd.

Đó là chưa kể đến trường hợp các CLB mà nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ một lượng lớn cổ phần, hoặc đang được phía Trung Quốc hỏi mua. Chẳng hạn như Man City, có 13% cổ phần được sở hữu bởi một quỹ đầu tư Trung Quốc. Có ít nhất 3 CLB khác ở giải Ngoại Hạng cũng đang được nhà đầu tư Trung Quốc hỏi mua, là West Bromwich Albion, Hull City và gần nhất là Liverpool.

Việc có quá nhiều các phi vụ đầu tư vào những CLB đang thi đấu tại giải Ngoại Hạng từ Trung Quốc chỉ trong một thời gian ngắn, rõ ràng có thể dẫn đến nguy cơ một ông chủ đến từ châu Á có thể nắm giữ nhiều hơn một CLB, thông qua các mối quan hệ và sở hữu rắc rối và phức tạp. Đó là chưa kể đến khả năng có sự dính líu đến chính phủ Trung Quốc đứng phía sau các khoản đầu tư này.

Đây được xem là lý do khiến Liên đoàn bóng đá Anh đang phải tiến hành một cuộc điều tra quy mô nhất từ trước tới nay để xác định xem chủ sở hữu thực sự của các đội bóng trong mỗi thương vụ mua lại là ai, và điều này được dự đoán là không hề dễ dàng khi mà nó đồng nghĩa với việc điều tra và bóc tách được mối quan hệ ngầm giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính phủ Trung Quốc.

Không phải ngẫu nhiên mà Liên đoàn bóng đá Anh nghi ngờ các phi vụ đầu tư đến từ Trung Quốc. Có những dấu hiệu cho thấy sự liên đới đến chính phủ Trung Quốc trong các thương vụ này. Chẳng hạn như số 13% cổ phần của Man City, đang được nắm giữ bởi một nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực truyền thông được hậu thuẫn bởi chính phủ Trung Quốc.

Thương vụ nhà đầu tư Trung Quốc hỏi mua lại CLB Hull City cũng đang bị đình trệ vì những nghi ngờ về mối liên hệ với chính phủ nước này. Rõ ràng là, nước Anh đang có một thành kiến nhất định với những vụ đầu tư từ Trung Quốc, kể cả trong những lĩnh vực không được xem là có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia như bóng đá, đến mức sự điều tra và giám sát đang ở mức cao hơn bình thường.

Trên thực tế, không phải đến thời điểm hiện tại thì những lo ngại về các dự án đầu tư của Trung Quốc, kể cả trong những lĩnh vực được xem là vô hại với an ninh, mới bắt đầu diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Đức cũng đang xuất hiện xu hướng lo ngại về việc các nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm một số doanh nghiệp công nghệ Đức như Robot và tự động hóa. Các nhà phân tích ở Đức cho rằng việc Trung Quốc sở hữu các doanh nghiệp lớn ở Đức có thể gây xáo trộn trên thị trường và nền kinh tế do cách thức hoạt động có phần thiếu minh bạch.

Điều tương tự cũng diễn ra tại thung lũng Silicon ở Mỹ, khi nhiều doanh nghiệp ở thung lũng công nghệ nổi tiếng này đang chủ trương nói “Không” với các khoản đầu tư từ Trung Quốc, do sợ há miệng mắc quai, vì sau khi nhận được các khoản đầu tư từ Trung Quốc, thì các doanh nghiệp ở thung lũng Silicon cho biết họ thường phải hứng chịu những đòi hỏi vô lý từ phía đối tác.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan
Microsoft yêu cầu hàng trăm nhân viên rời Trung Quốc do căng thẳng Trung – Mỹ về AI và chip
Microsoft yêu cầu hàng trăm nhân viên ở Trung Quốc xem xét việc chuyển công tác ra nước ngoài trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng về các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và chip.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu tổ chức các kỳ thi năm 2024 nghiêm túc, an toàn
41 phút trước Giáo dục
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư của Trung Quốc vào bóng đá cũng bị nghi ngờ và điều tra