Năm học 2022-2023 đã bắt đầu và chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã đi được một chặng đường dài, tuy nhiên sự đổi mới giáo dục vẫn chưa được áp dụng tốt đối với các tỉnh miền núi, vùng cao.

Đầu tư trang thiết bị dạy học ở vùng cao để thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Dạ Thảo | 24/11/2022, 20:10

Năm học 2022-2023 đã bắt đầu và chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã đi được một chặng đường dài, tuy nhiên sự đổi mới giáo dục vẫn chưa được áp dụng tốt đối với các tỉnh miền núi, vùng cao.

Thiếu thiết bị dạy học khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Bộ GD-ĐT đã tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường đầu tư vật chất để đảm bảo việc dạy học tại các tỉnh miền núi, vùng cao, hải đảo... Tuy nhiên với đặc thù ở mỗi vùng thì việc đầu tư cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, hệ thống mạng lưới trường học ở các tỉnh vùng núi vẫn còn hạn chế, đặc biệt khi Bộ GD-ĐT áp dụng chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mới nhằm phát huy tối đa năng lực của chính học sinh thông qua các giờ học bằng các trang thiết bị hiện đại trong chuyển đổi số.

Ghi nhận ở các tỉnh thành vùng cao như Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hóa, Điện Biên, Đắk Lắk... đa số các em học sinh không tiếp cận được nhiều các thiết bị dạy học trực tuyến, thậm chí ở Mù Cang Chải (Yên Bái) chỉ có 2/37 trường có thể dạy học trực tuyến khi các học sinh được nghỉ vì dịch bệnh COVID-19 vừa qua.

Tại trường THCS thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái), trong tổng số gần 700 học sinh nhưng chỉ có hơn 1/3 học sinh được tiếp cận với các thiết bị dạy học trực tuyến và nhận được các bài tập của các thầy cô qua zalo, email. Thầy giáo Lê Tiến Dũng (trường Mù Cang Chải, Yên Bái) cho biết đa số các hộ gia đình có con đi học ở trường đều là gia đình người Mông, họ không lắp đặt các đường truyền internet nên việc dạy học hay hướng dẫn học sinh qua các máy tính, điện thoại hầu như không thể thực hiện được.

Cả huyện Mù Cang Chải chỉ có 3 trường được đầu tư phòng học tiên tiến với 33 phòng/642 lớp và mới có 16/37 trường đã được cấp thiết bị phòng học Tin học - Ngoại ngữ, chiếm 43,2%. Nhiều trường chưa được cấp thiết bị phòng học Tin học hay các phòng thí nghiệm Hóa học, đây cũng là những khó khăn trong việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 khi các học sinh không thể tiếp cận được với các hệ thống công nghệ thông tin sẽ gây khó khăn trong việc tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc học nâng cao trong chương trình.

Không chỉ thiếu về đầu tư phòng tin học, phòng thí nghiệm Hóa học mà ngay cả đối với các trang thiết bị vật chất khi các trường triển khai dạy tích hợp giữa các môn học. Ví dụ như ở tỉnh Cao Bằng có gần 630 trường học với hàng trăm điểm trường lẻ nhưng chỉ có vài trường có các trang thiết bị hiện đại kết nối internet cho các em học sinh tiếp cận. Băn khoăn của Sở GD-ĐT tỉnh này chính là làm thế nào để mỗi trường có 1 phòng học máy tính, mỗi em nhỏ vùng cao được tiếp cận chương trình mới một cách bài bản. Không chỉ cần giáo viên giảng dạy, cơ sở vật chất cũng là bài toán muôn thuở với vùng cao, trong khi đó để đáp ứng việc học, một số trường đã linh hoạt thực hiện phương án là vận động thêm nguồn lực xã hội nhưng không nhiều.

Cô giáo Trần Thị Vân Anh (trường THCS Tân Lập, Háng Lìa, Điện Biên) cho biết hiện nay khi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới nhà trường còn gặp nhiều khó khăn do sự thiếu đồng bộ. Ngoài việc thiếu cơ sở vật chất thì việc thiếu giáo viên là vấn đề đau đầu ở nơi đây. Khi các thầy cô giáo được tập huấn về chương trình Giáo dục phổ thông 2018 về nhưng áp dụng vào từng lớp lại có những trở ngại riêng.

"Ngoài sự chủ động sáng tạo của mỗi đơn vị nhà trường và giáo viên, trước mắt, tôi cũng mong rằng, từ tài liệu khung, các giảng viên sư phạm có thể gợi mở hướng vận dụng, giải quyết đối với các trường học ở vùng khó khăn, mang tính đặc thù. Làm sao để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vẫn áp dụng được, mang lại lợi ích cao nhất cho học sinh, trong đó đầu tư về cơ sở vật chất cũng là điều đáng chú ý khi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018” - cô Vân Anh cho hay.

Chất lượng giáo dục của huyện miền núi có nhiều đặc thù nên sẽ khó so sánh với những vùng miền khác. Về cơ bản những giáo viên có nhiều năm cắm bản đều là các thầy, cô tâm huyết với nghề, dành nhiều thời gian và tình cảm cho những đứa trẻ vùng cao vốn nhiều thiệt thòi, luôn cố gắng tạo môi trường thuận lợi nhất cho các em sinh hoạt và học tập. Cũng chính môi trường công tác đầy khó khăn và áp lực này đã khởi sinh ra nhiều sáng kiến mới, cách làm hay, phát huy tinh thần tự học của giáo viên, góp phần duy trì chất lượng dạy và học. Đó cũng là điều cơ bản để các trường ở các tỉnh miền núi, vùng cao, hải đảo bị thiếu các trang thiết bị dạy học khi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

giao-duc-pho-thong-2018.jpg
Các em học sinh ở vùng cao tiếp cận với các thiết bị dạy học trực tuyến

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Năm học 2022-2023, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết năm nay sẽ là năm trọng tâm để triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông. Ngành giáo dục vẫn còn nhiều điều phải làm, đó chính là sự đầu tư trang thiết bị vật chất dạy học cũng như nâng cao chất lượng giáo viên ở vùng cao.

Để giải quyết tạm thời việc này nhiều tỉnh thành miền núi đã cho phép các trường ký hợp đồng tạm thời với các giáo viên đã nghỉ hưu hay sinh viên mới tốt nghiệp để cung ứng dạy học cho học sinh. Bên cạnh đó, các trường cũng cử các giáo viên đi học cấp tốc các lớp bồi dưỡng để các giáo viên dạy được các môn tích hợp, Tin học... đáp ứng yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo ông Vũ Văn Dương - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng cho biết hiện nay tỉnh đang thiếu hàng trăm giáo viên tiểu học, đặc biệt là các giáo viên dạy tích hợp, dạy môn Tin học... Bên cạnh đó, để tạm thời cung ứng đủ giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo 100% học sinh từ lớp 3 phải được học đủ các môn học bắt buộc thì các trường vùng cao đang thực hiện phương án luân phiên. Ví dụ tạm thời sử dụng giáo viên cấp THCS để dạy cả cấp tiểu học. Những giáo viên được cử đi học để lấy bằng Tin học cũng có thể đứng lớp ngay trong năm học này. Đối với môn Mỹ thuật và Âm nhạc của chương trình lớp 10 thì tỉnh cũng đưa ra phương án tận dụng người có chuyên môn ở ngành văn hóa, nghệ thuật để hỗ trợ việc giảng dạy. Bên cạnh đó, một số nơi cũng cho các trường sử dụng giáo viên hợp đồng để tạm lấp chỗ trống.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết hiện tại giáo viên và học sinh khai thác được kho dữ liệu số hay tài liệu mở như bài giảng điện tử, bài giảng tuyền hình, học số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, ngân hàng đề thi mẫu, phần mềm mô phỏng... còn nhiều hạn chế. Nhiều trường đã được quan tâm đầu tư về các cơ sở vật chất nhưng để đáp ứng được điều kiện dạy học mới, thực hiện đúng chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thì các trường chưa thực hiện được. Nhiều trường đã không thể bố trí dạy môn tích hợp Mỹ thuật và Âm nhạc được vì không có giáo viên và không có phòng học chức năng.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy học ở các tỉnh miền núi, vùng cao đang là điều kiện thiết yếu để triển khai đồng bộ chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nhiều tỉnh thành miền núi khi tới các trường thì hầu hết cơ sở vật chất, hệ thống trường, lớp học tại các huyện, thị đều khó khăn. Nhiều trường thiếu phòng làm việc ban giám hiệu, phòng y tế, thư viện, phòng công vụ cho giáo viên, công trình nước sạch, các hạng mục phụ trợ, thiết bị giảng dạy, học tập, thiết bị sinh hoạt nội trú… còn thiếu hoặc đã xuống cấp. Dù đã tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng công trình thuộc các dự án phát triển giáo dục song cơ sở vật chất trường lớp học các tỉnh thành miền núi hay vùng cao chỉ mới đáp ứng ở mức tối thiểu cho yêu cầu dạy và học.

Những tồn tại và hạn chế của ngành giáo dục vùng cao, đặc biệt đối với học sinh dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế nhiều. Việc bảo đảm bình đẳng trong giáo dục so với giáo dục các vùng khác trong cả nước vẫn còn khoảng cách xa. Đặc biệt khi các tỉnh thành cùng phát triển và thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mới. Đây là bài toán được đặt ra không chỉ cho ngành giáo dục ở trung ương hay địa phương mà là toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội, cần có những giải pháp thiết thực hơn, bền vững hơn trong giai đoạn sắp tới để thực hiện bình đẳng kiến thức, thực hiện chung chương trình giáo dục.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai ở lớp 1 từ năm học 2020-2021, lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022, năm học 2022-2023 sẽ là lớp 3, 7 và 10. Căn cứ mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cơ sở vật chất, thiết bị trong dạy học và giáo dục, theo quy định cần bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 phòng/lớp. Có đủ các phòng học bộ môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Tin học, Ngoại ngữ, phòng đa chức năng. Điểm đổi mới quan trọng trong chương trình là giáo viên sẽ cần nhiều thiết bị dạy học đa phương tiện và công nghệ thông tin, tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm thực tế, trực quan mô hình, đồ dùng học tập mà không phải chỉ ngắm nhìn qua sách vở.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư trang thiết bị dạy học ở vùng cao để thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018