Người Do Thái truyền cảm hứng học tập cho con bằng những câu chuyện cổ tích, những bài hát và những lời cầu nguyện.

Dạy con theo phương pháp 'tiếng vọng' của người Nhật

FN | 18/04/2019, 10:55

Người Do Thái truyền cảm hứng học tập cho con bằng những câu chuyện cổ tích, những bài hát và những lời cầu nguyện.

Cứ như thế, họ đưa mục đích học tập mỗi ngày vào những lời cầu nguyện, và những đứa trẻ ba tuổi ấy có thể từng bước thấm nhuần ý nghĩa của việc học tập và có tâm thế tốt hơn để tiếp thu những bài học.

Dạy con hiểu ba mục đích học tập

Tôi cho rằng đa số các gia đình Nhật Bản hiện nay hoàn toàn không xác định được mục đích cụ thể trong việc giáo dục con cái. Ở nhiều nước tiên tiến khác, trẻ em luôn được giáo dục với một mục đích rõ ràng, đó là lớn lên trở thành người tài giỏi và có ích cho xã hội. Ở nhiều quốc gia theo đạo Thiên Chúa giáo thì trẻ em còn được đến nhà thờ đều đặn, và cha mẹ thì được học cách nuôi dạy con đúng đắn. Đây là điều mà giáo dục Nhật Bản còn thiếu sót.

Nếu giáo dục không xác định được mục đích rõ ràng thì người học cũng không biết được mục đích học tập của bản thân. Những đứa trẻ được nuôi dạy dưới môi trường giáo dục đó sẽ tiếp thu những bài học với tâm lý hoang mang, không biết rốt cuộc “mình đang học vì cái gì ?” Thực tế, có đến hơn một nửa sinh viên Nhật Bản lúng túng khi được hỏi về mục đích học tập của bản thân.

Đa số chỉ có suy nghĩ mơ hồ về việc học tập để được vào được đại học, rồi sau đó có thể thoải mái lao vào các cuộc vui chơi. Trạng thái mất phương hướng này rất dễ khiến các tố chất của trẻ bị khai thác không đúng hướng, kết quả là tài năng cứ bị mai một dần. Vì vậy, với thiên chức là người giáo dục đầu tiên, cha mẹ phải giúp con sớm xác định được mục đích học tập, vạch ra cho con một mục tiêu để con phấn đấu vươn tới.

Quay lại với câu hỏi bản chất, “Tại sao học vấn lại quan trọng đến thế?” Câu trả lời rất rõ ràng, học vấn chính là sức mạnh thay đổi con người, thay đổi cuộc đời, thay đổi cả xã hội. Nói về học tập, câu thành ngữ cổ “Tu kỷ trị nhân” trong học thuyết của Khổng tử đã khái quát được toàn bộ vấn đề. Một người biết cách tu dưỡng nhân cách và nỗ lực vươn lên sẽ mang trong mình một tâm hồn phong phú, có thể soi đường dẫn lối cho người khác, trở thành người có ích cho xã hội, không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn các lĩnh vực khác.

Nhìn chung, việc học có ba mục đích chính:

Thứ nhất, học để trưởng thành. Nói cách khác, bất cứ ai muốn trưởng thành đều phải học tập. Trưởng thành là một quá trình hấp dẫn, đầy thú vị, mà ai cũng phải trải qua, vì thế học là điều cần thiết ở tất cả mọi người. Học vì sự tiến bộ của bản thân, vì sự trưởng thành và năng lực làm được mọi điều mình muốn.

Thứ hai, học để thành công. Mọi thành công trong cuộc sống đều xuất phát từ những nỗ lực học tập không ngừng, đây là điều không phải bàn cãi. Về bản chất, kiếm được nhiều tiền không phải là thành công, thành công chính là khi ta có thể hoàn thành trọn vẹn một mục tiêu đã đặt ra nào đó. Muốn làm được bất kỳ việc gì, bất cứ ai cũng không thể thiếu quá trình học tập. Chính vì thế, ngay từ sớm cha mẹ cần phải giúp con xác định rằng, học tập là cách duy nhất để đạt được mục tiêu, học tập là con đường duy nhất dẫn đến thành công.

Thứ ba, học để cống hiến cho xã hội. Đây là mục đích quan trọng và cao cả nhất của giáo dục và học tập. Mọi đứa trẻ đều cần phải hiểu rằng muốn trở thành người có ích cho xã hội không có cách nào tốt hơn là phải học tập thật tốt. Chỉ bằng cách tích lũy những kiến thức ngày qua ngày, sau này con mới có thể phát huy, vận dụng chúng vào việc làm có ích cho xã hội.

Biết nói “Không”

Khẩu hiệu giáo dục “Dạy trẻ không bằng xem trọng sự tự do sáng tạo của trẻ” đang dần bị biến tướng trong nền giáo dục hiện hành. Hiện nay, trong các nhà trẻ, trường mầm non cũng như các trường học khác, khẩu hiệu ấy đã bị hiểu sai thành “Không được dạy trẻ mà hãy coi trọng những gì trẻ làm”. Hệ quả là không ít gia đình tự tin nói rằng: “Ở gia đình chúng tôi, hoàn toàn không có chữ ‘KHÔNG’ với lũ trẻ”. Ngoài ra, với quan niệm cha mẹ phải đặt mình vào vị trí của con cái, nên nhiều bậc cha mẹ cho rằng để trở thành bạn của con mình, nghĩa là phải từ bỏ vai trò là người giáo dục. Phương châm giáo dục trên vốn là đúng đắn, nhưng cách áp dụng sai nên đã biến việc nuôi dạy con trở thành nuông chiều quá mức. Vì vậy mà ngày càng có nhiều đứa trẻ hư.

Tôn trọng trẻ là cần thiết, nhưng cha mẹ phải cứng rắn không được bỏ qua khi con có hành vi không đúng đắn, làm tổn thương hay gây phiền cho người khác. Việc cha mẹ bỏ qua những điều giáo dục cơ bản đó có thể khiến trẻ lớn lên mà không hiểu thế nào là đúng – sai, thiện – ác. Giáo dục con là để bảo vệ những quy tắc cơ bản trong xã hội, chứ không phải nuôi dưỡng nên những đứa trẻ ích kỉ. Nếu quá nuông chiều trong nuôi dạy con, bất kể trẻ nói gì, làm gì cũng được cha mẹ công nhận, dần dần đứa trẻ ấy sẽ trở thành những “cậu ấm”, “cô chiêu” ích kỉ, luôn nghĩ rằng mình làm gì cũng đúng. Khi lớn lên, những đứa trẻ đó sẽ trở thành những chàng trai cô gái ngang ngược, luôn cho rằng mình đúng, luôn đòi hỏi được chấp nhận.

Dạy những đứa trẻ không muốn học bằng phương pháp “Tiếng vọng”

Ở những phần tiếp theo, tôi xin dẫn ra một kinh nghiệm thực tế, minh họa cho phương pháp giúp những trẻ ghét học trở nên hứng thú học tập hơn.

Tôi có một học trò làm giáo viên tại các lớp học mùa hè. Mùa hè nọ, một bé học lớp Một bị mắc chứng chán học được đưa đến lớp của học trò tôi. Cậu bé này chẳng bao giờ nghe lời cô giáo, và cũng chẳng chịu ngồi yên để học bài. Vì bé chỉ muốn làm theo ý mình, chỉ thích chơi và không chịu học hành, nên ông của cậu đã gọi cậu là “đứa trẻ ngu ngốc nhất trên đời”. Mẹ bé cũng bất lực trước tình trạng chán học, suốt ngày chỉ làm điều mình thích của cậu.

Vì vậy, bà đã cho cậu theo học lớp này, với hy vọng bằng cách nào đó có thể khiến cậu trở nên siêng năng học tập hơn. Cậu bé biết mình bị bắt tới đây để học, nhưng vốn đã không muốn học nên cậu đã giận dỗi lớn tiếng: “Con không muốn học đâu” rồi nằm phịch xuống sàn. Mẹ cậu lập tức lên tiếng: “Không được, con không được làm như vậy”, nhưng bà chỉ nhận lại từ cậu bé những phản ứng tiêu cực.

Tôi mong mọi người hiểu một điều, rằng sự tiêu cực sẽ bị đáp trả bằng sự tiêu cực, và ngược lại. Muốn con trở nên tích cực hơn, cha mẹ phải trò chuyện với con bằng ngôn ngữ của sự khích lệ. Nếu chỉ trút lên con những lời lẽ tiêu cực thì cha mẹ chỉ nhận về những phản ứng ngày một tệ hơn của con mà thôi. Đối với cậu bé này, giáo viên đã nói với mẹ cậu rằng: “Xin chị hãy giao bé cho chúng tôi”. Sau đó, bằng phương pháp “Tiếng vọng”, các giáo viên đã thay đổi cậu hoàn toàn.

Vậy, phương pháp “Tiếng vọng” là gì?

Khi chúng ta nói “Yahooo” thì sẽ có một tiếng “Yahooo” vọng lại, đó được gọi là “Tiếng vọng”. Phương pháp này được tiến hành như sau, đầu tiên giáo viên sẽ lặp lại y chang lời cậu bé, nhưng thêm vào đó một câu hỏi mang tính tích cực. Khi đứa trẻ đó nói: “Con không muốn học đâu”, giáo viên đã đáp lại, “Vậy là con không muốn đi học hả?”, sau đó thêm vào một câu hỏi tích cực, “Vậy giờ con muốn làm gì?”. Cậu bé trả lời, “Con muốn chơi”, cô giáo nói tiếp, “Con muốn chơi hả, vậy con muốn chơi cái gì?”. Khi được hỏi muốn chơi gì, cậu bé suy nghĩ rồi rút từ trong túi ra mấy tấm thẻ Pokemon và nói: “Con muốn chơi cái này.”

“Được rồi, con muốn chơi cái này hả. Vậy con muốn chơi như thế nào?”, giáo viên tiếp tục hỏi. Cậu bé đã sưu tầm và mang theo bên mình rất nhiều tấm thẻ Pokemon, trên mỗi tấm đều có ghi một số điểm nào đó như ba mươi điểm hay một trăm hai mươi điểm. Sau đó, bé đã nói muốn chơi bằng cách phát mấy tấm thẻ này ra, ai đánh ra tấm thẻ có số điểm cao hơn sẽ thu về tấm thẻ của bên thấp hơn.

“Trò này thú vị thật đó, vậy giờ chúng ta chơi thôi”, cô giáo lắng nghe và chấp nhận điều đứa trẻ muốn. “Vậy giờ chúng ta đánh các tấm thẻ này ra, ai có điểm cao hơn sẽ thắng nhé”, cậu bé nói tiếp. Tuy mẹ cậu đã than rằng: “Thằng bé này rắc rối lắm, nếu không biết luật chơi, nó cũng không chịu nghe theo luật chơi của người khác”, thật ra đó chỉ vì cậu cảm thấy không hứng thú. Đối với điều mình thích nhất, chắc chắn mọi đứa trẻ đều có thể suy nghĩ, động não tìm ra luật chơi và thậm chí còn có khả năng giải thích rõ ràng luật chơi ấy nữa.

Trích sách 70 thói quen tốt trong việc nuôi dưỡng con theo phương pháp Shichida
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy con theo phương pháp 'tiếng vọng' của người Nhật