Du lịch nông nghiệp ĐBSCL với lợi thế đặc trưng cây lúa, con cá, trái cây gắn với hệ sinh thái nông nghiệp. Qua sự kết nối dẫn dắt của TP.HCM, du lịch nông nghiệp của 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL sẽ tìm được lời giải, hướng đi phát huy du lịch vùng.
Sáng 20.5, tại TP.Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn đàn kết nối du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL lần thứ 2, năm 2022.
Phát biểu tại buổi diễn đàn, ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam cho biết tổng cục đánh giá cao chủ đề của diễn đàn hợp tác và hành động với nội dung trọng tâm chuyên sâu về nâng cao chuỗi giá trị của du lịch nông nghiệp của ĐBSCL trong bối cảnh mới.
“Có thể nói, chủ đề vừa là xu hướng đổi mới phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay vừa là lợi thế đặc trưng cây lúa, con cá, trái cây của vùng ĐBSCL gắn với hệ sinh thái nông nghiệp. Với sự kết nối dẫn dắt của TP.HCM, chúng tôi tin tưởng rằng du lịch ĐBSCL sẽ tìm được lời giải, hướng đi phát huy du lịch vùng”, ông Siêu khẳng định.
Ông Siêu thông tin thêm, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã chỉ rõ thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống hướng tới phát triển bền vững và đa giá trị.
Hiện tại Bộ VH-TT-DL phối hợp tích cực với Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng ban hành chương trình chuyên đề phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó việc xây dựng nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp là một nội dung trọng tâm ưu tiên. Bên cạnh đó, chúng ta thấy rằng vùng ĐBSCL là vùng đất giàu tài nguyên nhiều tiềm năng để phát triển mạnh trong du lịch nông nghiệp.
Những năm gần đây kể từ khi có chương trình hợp tác giữa TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL đã mở ra rất nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển du lịch vùng ĐBSCL nói chung và du lịch nông nghiệp ĐBSCL nói riêng.
“Tôi cho rằng cần làm rõ chuỗi giá trị nông nghiệp khi dựa vào 3 khía cạnh nổi trội của nông nghiệp đó là lúa, trái cây, con cá. Đây chính là những sản phẩm đặc trưng của vùng và câu chuyện liên kết giữa 13 tỉnh nên cần tập trung vào nhóm này. Khi làm rõ được chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị mới thông qua trải nghiệm du lịch và thông qua sự hiện diện của khách du lịch trong tất cả các khâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Chúng ta thấy rằng trong chế biến ngành nông nghiệp đang có rất nhiều đổi mới và những sáng kiến về phát triển du lịch nông nghiệp cũng với các hoạt động chế biến, tiêu thụ, tiêu dùng nhưng đặc trưng nhất là ẩm thực du lịch. Văn hóa ẩm thực, hoạt động du lịch ẩm thực và tại diễn đàn Đồng Tháp năm 2022. Chúng ta chứng kiến việc công bố kỷ lục 200 món ăn từ sen. Đây là minh chứng tiêu biểu điển hình phát huy giá trị của nông nghiệp”, ông Siêu nhận định.
Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đối với TP.HCM - một đô thị hiện đại, nông nghiệp là một trong những tài nguyên du lịch góp phần tạo nên sự đa dạng của du lịch đô thị. “Trong khi đó, với 13 tỉnh ĐBSCL, du lịch nông nghiệp là sản phẩm đặc trưng, thế mạnh gắn với điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa của từng địa phương, là yếu tố nhận diện đặc biệt và làm nên thương hiệu riêng có của ĐBSCL. Điểm khác biệt này cũng đã được thể hiện rõ nét trong bộ nhận diện du lịch vùng giữa ĐBSCL và TP.HCM vừa được công bố thời gian qua”, ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, việc thông qua các liên kết hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng được hình thành, các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP cũng đã được tổ chức, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và TP.HCM.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong bối cảnh ngành du lịch cả nước đang nỗ lực phục hồi và đạt được một số kết quả khá ấn tượng trong thời gian gần đây, tỉnh Đồng Tháp đăng cai tổ chức diễn đàn này một lần nữa khẳng định quyết tâm của các địa phương trong nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như chủ trương của Chính phủ đã đề ra.
“ Diễn đàn lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển du lịch địa phương. Vì vậy, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, liên kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là của TP.HCM và các địa phương bạn trong vùng ĐBSCL. Đồng Tháp cam kết sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho cơ chế liên kết hợp tác phát triển du lịch liên vùng ngày càng bền chặt, hiệu quả”, ông Nghĩa mong mỏi.
Theo tìm hiểu của phóng viên Một Thế Giới, du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch do người chủ hoặc người điều hành nông trại triển khai kinh doanh nhằm mục đích nâng cao kiến thức và thời gian giải trí đối với công chúng, quảng bá các sản phẩm của nông trại và từ đó tăng thêm thu nhập cho nông trại.
Từ đó có thể hình dung du lịch nông nghiệp là hình thức mang lại lợi ích kép của hoạt động sản xuất nông nghiệp và du lịch. Du lịch là cách thức gia tăng giá trị cho các trang trại sản xuất nông nghiệp. Tài nguyên của loại hình du lịch này là tất cả những gì phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từ tư liệu sản xuất, đất đai, con người, quy trình sản xuất, phương thức tập quán, kỹ thuật canh tác và sản phẩm làm ra cho đến yếu tố tự nhiên liên quan đến sản xuất nông nghiệp như khí hậu, thời tiết… đều là cơ sở tài nguyên cho du lịch nông nghiệp.