Tồn tại trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó cũng do nhà đầu tư cố tình vi phạm quy định.

Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư cố tình vi phạm?

Tuyết Nhung | 19/05/2022, 18:32

Tồn tại trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó cũng do nhà đầu tư cố tình vi phạm quy định.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua đã có bước phát triển nhanh để từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, cân bằng thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, trước sự phát triển "nóng" của thị trường, xuất hiện những nguy cơ có thể gây bất ổn thị trường tài chính, dẫn đến việc Chính phủ, cơ quan quản lý đã liên tiếp có những hoạt động chấn chỉnh thị trường thời gian gần đây.

photo1638507108544-1638507108810724256050.jpg
Thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm tăng cường kỷ luật trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), hướng đến phát triển thị trường minh bạch, an toàn, bền vững.

Từ tháng 10.2021, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp bất động sản. Căn cứ kết quả kiểm tra, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; chuyển cơ quan điều tra 1 trường hợp. Ủy ban đã ban hành quyết định về hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty con của Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Hiện nay, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước đang thành lập các đoàn kiểm tra tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ cho các đợt chào bán này. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra tại các công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành có khối lượng phát hành lớn, tình hình tài chính yếu, mục đích phát hành không rõ ràng, trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo...

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, tồn tại trên thị trường tập trung vào việc nhà đầu tư cố tình vi phạm quy định để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đầu tư vào TPDN riêng lẻ mặc dù pháp luật đã cấm các đối tượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ. Hoặc phát hành ra công chúng nhưng không đăng ký chào bán TPDN với Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước

Các doanh nghiệp không phải là công ty chứng khoán nhưng thực hiện hoạt động phân phối trái phiếu. Những hành vi cố tình vi phạm thông qua việc chào bán cho nhà đầu tư cá nhân không đủ điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hoặc chào mời các cá nhân tham gia vào các hợp đồng đầu tư góp vốn cùng đầu tư vào trái phiếu như trường hợp Tân Hoàng Minh thời gian qua cần phải được chấn chỉnh nghiêm để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

"Việc xử phạt thời gian qua là cần thiết để tăng tính minh bạch của thị trường và không ảnh hưởng đến mục tiêu và định hướng phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan chủ động thực hiện ngay các biện pháp như bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu", lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Sau những động thái chấn chỉnh của cơ quan nhà nước đối với hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ và đầu tư TPDN riêng lẻ, thị trường TPDN các tháng đầu năm 2022 đã có những thay đổi, khối lượng phát hành giảm, tuy nhiên trách nhiệm công bố thông tin, rà soát điều kiện phát hành được các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch tuân thủ đầy đủ hơn, cụ thể:

Về khối lượng phát hành, trong Quý 1/2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt 138.809 tỉ đồng. Khối lượng phát hành TPDN tập trung chủ yếu trong tháng 1.2022, tháng 2 và tháng 3 khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ giảm dần. Tuy nhiên, trong tháng 4, sau khi có những thông tin về việc hủy các đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty liên quan đến Tân Hoàng Minh, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ sụt giảm mạnh và ở mức khoảng 30.000 tỉ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là 2 nhóm phát hành nhiều nhất trong quý 1/2022, chiếm lần lượt 50,98% và 18,87%; các ngân hàng thương mại chiếm 4,85%, các doanh nghiệp thương mại dịch vụ chiếm 6,8%, doanh nghiệp sản xuất chiếm 9,2%. Trong tháng 4.2022, chủ yếu là trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành (chiếm 63,4%), trái phiếu của nhóm bất động sản chiếm 11,6%.

Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tiếp tục được các doanh nghiệp thực hiện với khối lượng lớn. Trong 3 tháng đầu năm 2022, khối lượng mua lại trước hạn là 12.800 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 4.2022, tổng khối lượng trái phiếu đã mua lại trước hạn là 24.700 tỉ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11.900 tỉ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý 1.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu chủ động thực hiện công bố thông tin bất thường hoặc đính chính thông tin đã công bố về mục đích và phương án sử dụng vốn trái phiếu gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Đồng thời, sau Chỉ thị số 01/CT-BTC của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phát hành và tổ chức tư vấn đã thực hiện rà soát lại điều kiện và hồ sơ phát hành trước khi triển khai chào bán mới. Theo đó, khối lượng phát hành trong 2 tuần đầu tháng 5 tiếp tục giảm, đạt 5.200 tỉ đồng, chỉ tương đương 1/3 khối lượng phát hành cùng kỳ năm 2021.

Ổn định thị trường TPDN thời gian tới

Bộ Tài chính đã báo cáo các giải pháp ổn định thị trường chứng khoán, theo đó sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động phát hành và giao dịch TPDN, đồng thời điều hành linh hoạt, ổn định tâm lý thị trường.

Cụ thể, về hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Tài chính đang rà soát để báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi một số quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, trong đó làm rõ về phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, các điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ, quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để hạn chế đối tượng nhà đầu tư cá nhân tham gia mua TPDN mà không quan tâm, đánh giá rủi ro việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường, tăng cường chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm để bảo vệ và khôi phục niềm tin nhà đầu tư và các nội dung có liên quan để thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Trong thời gian đánh giá sửa các quy định có liên quan tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định số 153 đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ để nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành; hướng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào các sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao hơn; đưa trái phiếu vào giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán để tăng tính minh bạch trên thị trường thứ cấp; nâng cao điều kiện đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ; bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức có chức năng giám sát trên thị trường.

Về điều hành thị trường, để phát triển thị trường an toàn và bền vững, Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường, tăng cường công khai, minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành.

Trên cơ sở Nghị định sửa đổi Nghị định số 153 được Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch TPDN riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo đó, ngay sau khi Thông tư được ban hành, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận hành ngay thị trường giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ.

Đồng thời, thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thúc đẩy các định chế tài chính trung gian (doanh nghiệp bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí) tăng tiềm lực tài chính và mở rộng các sản phẩm dịch vụ để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi và tạo kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư cá nhân.

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đạo đức nghề nghiệp, năng lực quản trị của các tổ chức trung gian thị trường như công ty chứng khoán, công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp thẩm định giá khi cung cấp các dịch vụ trên thị trường TPDN.

Bộ Tài chính sẽ rà soát, đánh giá mức độ phát triển của thị trường để kiến nghị cấp có thẩm quyền quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với TPDN phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ theo lộ trình. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích các định chế trên thị trường tài chính ưu tiên đầu tư vào TPDN được xếp hạng cao.

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý giám sát thị trường và tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền: công tác quản lý giám sát sẽ tiếp tục được Bộ Tài chính thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa các cơ quan liên quan, đồng thời, tiếp tục thông tin tuyên truyền về các chính sách mới đối với phát hành, giao dịch TPDN để các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức cung cấp dịch vụ hiểu biết và tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia vào thị trường TPDN.

"Trước mắt, việc chấn chỉnh của cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN có thể ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư vào thị trường này, tuy nhiên, về dài hạn đây là việc làm cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, là cơ sở để thị trường phát triển bền vững. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường TPDN trở thành kênh huy động vốn dài hạn an toàn, hiệu quả cho mọi chủ thể trong nền kinh tế theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước", đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Bài liên quan
Bịt lỗ hổng thị trường trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư
Trước tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục những rủi ro.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư cố tình vi phạm?