ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng việc chậm thanh toán cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 đã gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu khi chống dịch.

ĐBQH: Chậm chi trả chi phí chống dịch gây 'tổn thương' tinh thần cho lực lượng tuyến đầu

Hoài Lam | 07/01/2023, 16:42

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng việc chậm thanh toán cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 đã gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu khi chống dịch.

Chiều 7.1, Quốc hội đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2022, và đề xuất nội dung đưa vào nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, việc ban hành kịp thời Nghị quyết 30 cùng những quyết sách quan trọng triển khai nghị quyết này đã được cử tri và nhân dân đánh giá cao, tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập, đạt được nhiều kết quả thiết thực.

qh-3.jpg
Quốc hội đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2022

Theo bà Phúc, trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm, các địa phương đã huy động toàn lực để thực hiện công tác xét nghiệm, tiêm vắc xin và các công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ vùng xanh, vùng an toàn. Tuy nhiên đến nay, việc chi hỗ trợ chưa thực hiện được, hoặc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng tham gia chống dịch chưa đầy đủ.

Đại biểu cho biết, nhiều đoàn công tác từ các địa phương, các bệnh viện trung ương đã tình nguyện đến vùng dịch để thực hiện công tác phòng chống dịch. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung các nội dung liên quan vào Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ.

Ngoài ra, về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu cho rằng cần tuyên bố hết hiệu lực với các văn bản đã ban hành, ban hành các văn bản khác để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua; đồng thời cập nhật các nội dung mới phát sinh cũng như các vấn đề đã được dự báo trước đối với những diễn biến bất thường của dịch bệnh.

anh-tri.jpg
ĐBQH Nguyễn Anh Trí phát biểu

Liên quan đến việc thanh toán chế độ phòng chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) băn khoăn tại sao việc thanh toán lại chậm và cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân triển khai chậm…

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) chia sẻ, tại thời điểm đó, dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp trên thế giới, đặc biệt là với biến chủng Delta đã gây những tác hại nghiêm trọng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Mỗi ngày, số ca nhiễm tăng rất là nhanh, từ 100 ca/ngày lên tới 1.000 ca - 5.000 ca/ngày. Thuốc điều trị, phác đồ điều trị chưa có, vật tư y tế, máy móc, thiết bị, giường bệnh không đáp ứng đủ nhân lực y tế quá tải. Do đó đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tổn thương rất lớn đến sức khỏe, tính mạng người dân, ảnh hưởng đến kinh tế.

Cho rằng trong tình hình hiện nay dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, biến thể mới lại tiếp tục phát sinh, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, các hoạt động phòng chống dịch của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng chống dịch.

Trong đó, việc thanh toán chi phí phòng chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19, đại biểu đề nghị quy định trong dự thảo Nghị quyết yêu cầu các thủ tục phải đơn giản, rút gọn.

tran-hoang-ngan.jpg
ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu

Mặt khác, theo ông Ngân, việc chậm thanh toán cho các chiến sĩ, cho các lực lượng tuyến đầu đã gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu khi tham gia chống dịch.

Về nguyên nhân chưa hoàn thành thanh toán chi phí và các việc triển khai thực hiện trong thực tiễn, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, do đây là lần đầu tiên có một đại dịch như COVID-19, số lượng người mắc cao, nhiều tình huống phát sinh khó dự đoán. Các cơ quan vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn.

Thời gian vừa qua, để tập trung giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã rà soát và ban hành Thông tư, sửa đổi Thông tư 56 về những thủ tục giải quyết chế độ nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là một trong những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về mặt quy trình, thủ tục, thực tiễn để các địa phương triển khai thực hiện.

Về việc tổng kết và đưa ra thành những bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành y tế phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương để tổng kết 3 năm trong công tác phòng chống dịch; từ đó đánh giá những mặt làm được những mặt chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH: Chậm chi trả chi phí chống dịch gây 'tổn thương' tinh thần cho lực lượng tuyến đầu