Sau vụ cháy nhà trọ ở phố Trung Kính (Hà Nội), các đại biểu quốc hội đề nghị rà soát quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh.
Theo dòng thời sự

ĐBQH đề nghị rà soát quy định phòng cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh

Lam Thanh 24/05/2024 18:16

Sau vụ cháy nhà trọ ở phố Trung Kính (Hà Nội), các đại biểu quốc hội đề nghị rà soát quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh.

Sáng 24.5, vụ cháy nghiêm trọng tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy đã làm 14 người tử vong, nhiều người bị thương.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy ở Thủ đô liên quan đến nhà trọ mini, khách sạn, chung cư mini... do không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

“Nếu thường xuyên kiểm tra, đánh giá thì sẽ biết để có cảnh báo. Nếu cương quyết trong công tác này thì tất cả các nhà trọ, khách sạn, chung cư mini... ở Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và khắp cả nước sẽ không dám lơ là công tác này, hạn chế xảy ra những vụ cháy làm chết người thương tâm", ông Hòa nêu.

an-3.jpeg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Theo đại biểu Hòa, để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo ông, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị PCCC cũng rất lớn. Đặc biệt, trong công tác kiểm tra, đánh giá PCCC và đưa ra cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ.

"Trong công tác kiểm tra, đánh giá đối với trường hợp này ra sao? Nếu đánh giá là không đảm bảo an toàn PCCC thì tước giấy phép hành nghề, không cho hoạt động", ông Hòa nói.

Nêu thực tế rất nhiều vụ cháy xảy ra mà khi kiểm tra đều không có cửa thoát hiểm, thang thoát nạn, hệ thống chữa cháy yếu, hệ thống điện không đảm bảo an toàn... ông Hòa nhấn mạnh, đây là một vấn đề cần phải kiểm điểm, phải có nghiên cứu để khắc phục.

an-2.jpg
Hiện trường vụ cháy thảm khốc

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết để rà soát một cách triệt để trên địa bàn Hà Nội sẽ rất là khó, bởi số lượng chung cư mini, khu nhà trọ ở Thủ đô là rất lớn.

Theo đó, nếu xử lý theo hướng tất cả không đảm bảo tiêu chuẩn PCCC thì không được hoạt động nữa, sẽ dẫn đến 2 hệ lụy.

Thứ nhất, với chủ đầu tư, họ đang có nguồn thu nhập thì phải dừng.

Thứ hai, nếu dừng, những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống trong khu trọ ấy sẽ đi đâu, về đâu?

Dù vậy, bà Nga cho rằng các quy định PCCC đã có, trách nhiệm từng cấp từng ngành cũng đã có, điều quan trọng bây giờ là rà soát, có phương án với từng loại hình chứ không thể áp dụng công thức chung.

Ví dụ với loại hình nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều tầng, ở trong ngõ sâu, chúng ta không thể mở đường đủ cho xe chữa cháy vào được, thay vào đó có thể kiểm tra kết cấu, vì phần lớn nhà bị cháy có nhiều người tử vong là do không có lối thoát hiểm.

“Phải yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo được lối thoát hiểm. Tiếp đó, công tác tập huấn về PCCC và kỹ năng ứng phó khi có sự cố là rất cần thiết. Tôi có cảm giác chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra, khi ấy mới tập trung làm, nhưng sau đó lại bị trôi đi”, đại biểu Nga nói.

an-1.jpeg
Đại biểu quốc hội Trịnh Xuân An

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng cho biết từng đề nghị rà soát quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh.

Theo ông, rủi ro và khả năng xảy ra cháy đối với nhà ở, nhất là nhà kinh doanh rất hiện hữu, bất kể khi nào cũng có thể xảy ra, nhất là tại các thành phố lớn có khu nhà trọ, nhà cho người lao động, học sinh, sinh viên thuê. Loại hình này nếu xảy ra cháy, khả năng thiệt hại lớn về người và tài sản.

“Nhu cầu của người dân, của người lao động, của học sinh, sinh viên có nhu cầu thuê trọ lớn. Điều này lại đặt ra thách thức đối với công tác chữa cháy nếu hỏa hoạn xảy ra tại các ngõ ngách và nơi tập trung đông dân cư. Trong khi đó, tính đồng bộ trong quản lý dân cư và cơ sở hạ tầng (đầu tư nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp) chưa được triển khai nên người dân không có sự lựa chọn khác”, ông An nhấn mạnh.

Vì vậy, đại biểu An cho rằng giải pháp thời gian tới vẫn là ưu tiên công tác phòng cháy, trong đó tăng cường ý thức của người dân, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý và cấp các cấp chính quyền; rà soát chặt chẽ và kỹ lưỡng tất cả những nhà ở kết hợp kinh doanh; phải trang bị bình cứu hỏa, sắp xếp, bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm.

“Tôi cho rằng PCCC không chỉ nằm ở những tiêu chuẩn, quy chuẩn, những điều đó áp dụng đối với các công trình lớn, dự án lớn. Còn nhà ở, nhà cho thuê, nhà trọ kết hợp với nhà ở, nhà ở kết hợp cơ sở sản xuất kinh doanh, việc phòng cháy, chữa cháy đi vào những chi tiết rất nhỏ và những chi tiết tưởng chừng thừa nhưng sẽ hữu ích khi có cháy xảy ra”, đại biểu Trịnh Xuân An nêu quan điểm.

Ông An cũng đề nghị cần có biện pháp mạnh hơn nữa, tiến hành rà soát trên địa bàn nơi nào có nguy cơ cháy cao, tính mạng người dân bị đe dọa thì kiên quyết xử lý. Giải pháp lâu dài vẫn là quy hoạch đô thị, triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, giảm dần tình trạng thuê trọ tự phát với mật độ dày.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, Điều 17 Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành cũng đã quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhưng còn chung chung, chưa quy định cụ thể về giải pháp ngăn cháy, phòng ngừa tại nhà ở kết hợp kinh doanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam - Ba Lan nhất trí xem xét sớm nâng cấp quan hệ lên tầm chiến lược
6 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với Ba Lan, đối tác hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH đề nghị rà soát quy định phòng cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh