ĐBQH Tạ Đình Thi đánh giá cao việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn TP.Hà Nội được thành lập doanh nghiệp.
Nhịp đập khoa học

ĐBQH kỳ vọng khai phá tiềm năng KH-CN từ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Lam Thanh 20:28 28/05/2024

ĐBQH Tạ Đình Thi đánh giá cao việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn TP.Hà Nội được thành lập doanh nghiệp.

Chiều 28.5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) cho rằng các quy định về chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong dự thảo luật đã có bước hoàn thiện đáng kể, bổ sung và cụ thể hóa nhiều nội dung liên quan trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu quốc hội.

Ông Thi nhất trí việc bổ sung quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn TP.Hà Nội được thành lập doanh nghiệp và cho phép viên chức làm việc tại các tổ chức đó được tham gia, quản lý điều hành doanh nghiệp với điều kiện được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức.

Theo đại biểu Thi, quy định này là nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Kết luận số 69-KL/TW ngày 11.1.2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đưa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ nhanh chóng đi vào thị trường, gắn với thực tế đời sống kinh tế - xã hội.

anh-man-hinh-2024-05-28-luc-19.45.10.png
Đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội)

Theo ông, qua đây hình thành hệ sinh thái tuần hoàn giữa nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, tái đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là phát huy tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ rất lớn của Thủ đô.

“Chính sách này cũng phù hợp với xu thế trên thế giới hiện nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, vòng đời sản phẩm và chu trình sản xuất ngày càng được rút ngắn, sự phát triển và mở rộng ngày càng nhanh quy mô mô hình đại học khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo”, ông Thi nêu.

Tuy nhiên, để bảo bảo tính khả thi của chính sách, đại biểu Thi đề nghị cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với các luật liên quan, nhất là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học và Luật Phòng chống tham nhũng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng thống nhất với quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn TP.Hà Nội được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở đó.

Với quy định viên chức của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở, tổ chức đó thành lập, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc thêm.

“Lý do là Luật Công chức, Luật Viên chức không cho phép công chức, viên chức được thành lập, điều hành doanh nghiệp. Do đó, đối với Luật Thủ đô, cần xác định rõ, phân công hợp lý”, ông Hòa nói.

Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) cũng bày tỏ đồng tình cao đối với các quy định về chính sách vượt trội trong dự thảo Luật Thủ đô nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời hoàn thiện các biện pháp đặc thù để khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển bền vững và có bước đột phá sau khi được chuyển giao về UBND TP.Hà Nội quản lý, tương xứng với vị trí, vai trò.

anh-man-hinh-2024-05-28-luc-19.44.45.png
Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang)

Đại biểu Lan tán thành với các quy định tại khoản 1 Điều 24 về phân quyền cho UBND TP.Hà Nội quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do mình thành lập phù hợp với năng lực, nhu cầu phát triển của Thủ đô.

Đại biểu cũng đồng tình cao với nguyên tắc áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất cho các dự án, hoạt động đầu tư vào khu công nghệ cao, các biện pháp ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại các khu công nghệ cao.

Bà Lan cũng đồng tình cao với việc bổ sung, hoàn thiện các quy định mang tính đột phá, vượt trội của dự thảo Luật tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 giúp cho khu công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều hơn nữa cơ hội, lợi thể để phát triển.

Trong đó, nổi bật là hai nhóm giải pháp chính sách về quy định vượt trội bố trí vốn ngân sách của thành phố hỗ trợ khu công nghệ cao Hòa Lạc nhanh chóng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là xây dựng khu nhà ở lưu trú cho người lao động thuê; cho phép nhà đầu tư sản xuất sản phẩm trong khu công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển đổi mục tiêu sang nghiên cứu phát triển, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; quy định đặc thù về xác nhận tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập trong khu công nghệ cao Hòa Lạc…

Tuy nhiên, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị, dự thảo luật cần có quy định chuyển tiếp về quản lý, sử dụng đất đai tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và thẩm quyền quản lý đất đai của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Bài liên quan
Thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), cho phép cắt điện nước với công trình vi phạm
Sáng nay (28.6), với trên 95% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế quý 2 tăng vượt kỳ vọng, mục tiêu GDP tăng đến 6,5% năm nay có đạt?
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6 - 6,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH kỳ vọng khai phá tiềm năng KH-CN từ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)