Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho rằng doanh nghiệp, cá nhân thắng với việc trả giá cao chót vót rồi bỏ cọc nhằm thổi giá đất, làm lợi cho một thiểu số đã dẫn tới nhiều hệ lụy.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy: Hệ lụy nguy hiểm từ đấu giá cao rồi bỏ cọc

Lam Thanh | 01/06/2022, 11:01

Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho rằng doanh nghiệp, cá nhân thắng với việc trả giá cao chót vót rồi bỏ cọc nhằm thổi giá đất, làm lợi cho một thiểu số đã dẫn tới nhiều hệ lụy.

Tình trạng thắng thầu bỏ cọc, quân xanh quân đỏ

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở Quốc hội sáng 1.6, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu ra một loạt thủ đoạn trục lợi tài sản nhà nước thông qua đấu thầu, đấu giá.

Bà Thủy cho hay thủ đoạn thắng thầu rồi bỏ cọc không còn hiếm ở nước ta. Doanh nghiệp, cá nhân thắng với việc trả giá cao chót vót rồi bỏ cọc nhằm thổi giá đất, làm lợi cho một nhóm thiểu số đã dẫn tới nhiều hệ lụy.

Ví dụ trường hợp đấu giá ở Thủ Thiêm vừa qua, nhiều nhà đầu tư lợi dụng giá trúng thầu (thực chất là giá ảo) để đẩy giá bất động sản TP.HCM lên cao nhằm bán ra một lượng lớn nhà, đất họ đã mua gom trước đó.

“Có những nhà đầu tư lợi dụng để nâng cao giá trị cổ phiếu hoặc đánh bóng giá trị tài sản bảo đảm đã vay ngân hàng mà nếu trót lọt sẽ rút ruột ngân hàng. Nguy hiểm hơn, giá đất bị đẩy lên quá cao khiến giấc mơ an cư của người thu nhập thấp ngày càng xa vời”, bà Thủy nêu.

thu-thiem.jpg
Bốn lô đất được đấu giá cao rồi bỏ cọc ở khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM)

Ngoài ra, bà Thủy cũng cho biết có tình trạng “quân xanh quân đỏ” dìm giá, thông đồng mua rẻ tài sản nhà nước thông qua đấu giá. Sự thông đồng diễn ra giữa những người tham gia đấu giá với nhau để lót đường cho một nhà đầu tư định sẵn trúng thầu với giá thấp được dìm xuống.

Việc này còn liên quan đến dùng xã hội đen đe dọa, khiến các doanh nghiệp khác phải sợ hãi, bỏ thầu. Giá trúng thầu được những đối tượng này thao túng và thấp hơn giá thị trường, chỉ cao hơn giá khởi điểm không đáng kể.

“Đây không chỉ là vi phạm về quy định đấu giá mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tài sản nhà nước”, bà Thủy nói.

Đại biểu Thủy cũng cho rằng có tình trạng bắt tay ngầm để rút ruột tài sản nhà nước. Không thể tác động được vào cuộc đấu giá nếu không có tay trong. Ở mức nghiêm trọng hơn là câu kết của những người có chức quyền nhằm trục lợi từ tài sản nhà nước.

Ở Hà Nội có vụ việc các đối tượng bắt tay với người có trách nhiệm điều chỉnh giá đất xuống còn một nửa. Nếu trót lọt thì những người này đã chiếm gần 50% tiền của Nhà nước. Hiện nay vụ án và nhiều bị can đã bị khởi tố nhưng dư luận băn khoăn liệu còn nhiều vụ chưa bị phát hiện hay không.

Cũng theo đại biểu Thủy, cơ quan thẩm định giá được trao quyền quá lớn trong khi cơ chế kiểm soát lỏng lẻo dẫn đến hàng loạt sai phạm trong đấu giá. Cùng là hành vi móc ngoặc của thẩm định viên, đối với những gói thầu mua sắm trang thiết bị thanh toán bằng ngân sách nhà nước thì giá bị đẩy cao lên, nhưng với những lô đất của Nhà nước thì giá thẩm định lại rất rẻ. Mục đích cuối cùng đều là rút ruột tài sản nhà nước và làm lợi cho một nhóm thiểu số.

“Những chiêu trò này đã gây ra những hệ lụy rất lớn đối với kinh tế - xã hội nên phải mạnh tay xử lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra. Bộ Công an cần chọn một số phiên đấu giá đất dư luận chú ý thời gian qua để xác minh, làm rõ, xử lý, tăng tính răn đe loại tội phạm này”, bà Thủy nhấn mạnh.

Chú trọng đổi mới sáng tạo trong kinh doanh

Đại biểu quốc hội Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng trong thời gian tới, nguồn lực nhà nước hỗ trợ phát triển cần tập trung hơn cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích mạnh mẽ hơn tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh; huy động tối đa nguồn lực xã hội cho hoạt động đầu tư phát triển, nâng cao năng suất lao động cho nền kinh tế.

Ngoài ra, chính sách ổn định giá cả trong thời gian tới cũng cần được thiết kế theo hướng giảm tối đa chi phí trung gian cho nền kinh tế, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại biểu Tuấn cũng đề nghị cân nhắc tiếp tục xem xét miễn, giảm, giãn thuế. Đặc biệt là thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, kể cả một số mặt hàng tiêu dùng mà nguồn cung trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.

tran-anh-tuan.jpg
Đại biểu quốc hội Trần Anh Tuấn (TP.HCM) phát biểu

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng thời gian tới cần tập trung xây dựng những giải pháp ổn định giá cả từ khâu đầu vào sản xuất, lưu thông; ổn định lãi suất trong chính sách tiền tệ, giảm tối đa các hoạt động làm phát sinh chi phí trung gian trong nền kinh tế; ổn định sản xuất, khuyến khích tiêu dùng, ổn định đời sống cho người lao động.

Đồng quan điểm, đại biểu Sìu Thị Hương (Gia Lai) cũng đề nghị phải tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường chi đầu tư cho khoa học và công nghệ, kinh phí nhà nước đầu tư tập trung cho việc xây dựng và hoàn thiện giải pháp triển khai thực hiện các mô hình mới, mô hình điểm, hỗ trợ kinh phí để nhân rộng các kết quả nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Trong bối cảnh chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rất khó đoán định như hiện nay, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến vấn đề xuất khẩu tăng mạnh nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn lớn nhất trong cấu trúc thương mại của Việt Nam.

"Năm 2021, đóng góp 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh việc xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhưng cũng đang tạo ra nhiều bất trắc, tiềm ẩn cho nền kinh tế", đại biểu Minh dẫn chứng.

Đại biểu Minh cũng cho rằng thị phần xuất khẩu và tỷ trọng của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều được thực hiện bởi các doanh nghiệp FDI. Điều này phản ánh năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy: Hệ lụy nguy hiểm từ đấu giá cao rồi bỏ cọc