Cử tri thắc mắc khi các tổ chức, cá nhân vi phạm vượt qua được cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường.

Khó hiểu khi tổ chức, cá nhân vi phạm "qua mặt" cơ quan nhà nước một cách dễ dàng?

Lam Thanh | 01/06/2022, 10:02

Cử tri thắc mắc khi các tổ chức, cá nhân vi phạm vượt qua được cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường.

Sáng 1.6 Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Triển khai gói phục hồi kinh tế rất chậm

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội sau giai đoạn dịch 2022-2023 theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỉ đồng. Nghị quyết được thảo luận và thông qua khẩn trương, nhưng khi triển khai thì tiến độ rất chậm.

Về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỉ đồng, trong đó có 16.000 tỉ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021.

Trong khi đó, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì rất trông mong vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia này. Tình trạng giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85 %, nhiều bộ, ngành đạt dưới 20%.

“Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý. Điều này làm phát sinh khoản chi ngân sách Nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả”, bà Yên nêu.

ta-thi-yen.jpg
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên)

Theo nữ đại biểu, tiền đầu tư chủ yếu là tiền đi vay phải chịu lãi suất, phí quản lý. Do đó, vấn đề giải ngân chậm tiến độ, chậm sẽ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn.

“Việc tăng cường kiểm soát chỉ ra được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về việc triển khai chậm trễ này là việc làm cần thiết để các quyết sách của Nhà nước thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân”, bà Yên nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng nêu quan điểm, hơn 2 năm ứng phó với đại dịch COVID-19, nền kinh tế bị suy giảm; kéo theo đó là những ảnh hưởng từ biến động trên thế giới, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu liên tục tăng đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Hơn nữa, sự vào cuộc của các ngành trong việc triển khai Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 43 của Quốc hội nhưng vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc khiến cho những chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được thụ hưởng ưu đãi về vốn, về thuế mà các chương trình mong muốn mang lại.

Để các chương trình phát triển kinh tế-xã hội được đi vào cuộc sống, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất 2% năm được các doanh nghiệp và người dân rất kỳ vọng.

Theo đó, trước kỳ họp Quốc hội 3 ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại.

ta-thi-yen-tam.jpg
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm phát biểu

Bà Yên cho hay Nghị định đã hiện thực hóa việc giảm lãi suất 2% nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tạo động lực phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng; các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại diện COVID-19. Tuy nhiên, Nghị định ban hành đến nay vẫn tương đối chậm.

Vì vậy, quá trình thực hiện đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành phối hợp điều hành không chỉ linh hoạt, quyết liệt mà phải kịp thời hướng dẫn các ngân hàng thương mại, đặc biệt là với các ngân hàng thương mại đã đạt hạng mức tín dụng triển khai nhanh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân vay.

Lệch lạc trong chứng khoán, bất động sản

Ngoài ra, đại biểu Tạ Thị Yên cũng cho hay có một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin.

“Vấn đề là khi các cá nhân này lâm vào vòng lao lý thì lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý nhà nước chuyên ngành, các lĩnh vực đó. Đại biểu cho biết, cử tri thắc mắc khi thấy các tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường”, bà Yên nêu.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cũng cho rằng thời gian qua thị trường chứng khoán, thị trường vốn có sự phát triển nhất định. Tuy nhiên đã xuất hiện một số vụ việc, biểu hiện không lành mạnh trong thị trường chứng khoán, trái phiếu, như thao túng thị trường, che giấu thông tin, trục lợi… làm ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn của nền tài chính đất nước.

ly-tiet-hanh.jpg
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định)

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục giải quyết triệt để các vấn đề này. Cụ thể, các Bộ, ngành cần rà soát các quy định của pháp luật về chứng khoán và phát hành cổ phiếu doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ việc phát hành cổ phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định liên quan.

Bà cho rằng cần có giải pháp phát triển cân đối thị trường vốn, thị trường tiền tệ, làm lành mạnh hóa thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn, thực hiện các dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quyền lợi của người tham gia thị trường, hạn chế tối đa các hành vi trục lợi.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về các lĩnh vực chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường công khai minh bạch thông tin cho người dân; trang bị kiến thức cần thiết cho người dân về lĩnh vực này.

Bài liên quan
Khởi tố, bắt tạm giam Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà
Thông tin trên được Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sáng 22.4.

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó hiểu khi tổ chức, cá nhân vi phạm "qua mặt" cơ quan nhà nước một cách dễ dàng?