Thủ tướng cho biết, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước, họ kiểm soát hàng hóa chặt chẽ hơn, do đó phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Sáng 29.5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La (TP Sơn La, tỉnh Sơn La), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân cả nước về nhiều vấn đề mà người dân đang quan tâm đến như giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau đại dịch COVID-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...) đang ảnh hưởng đến sản xuất của người dân; vấn đề đất đai và cơ chế để người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; bên cạnh đó là tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương...
Chủ đề của hội nghị đối thoại lần này là: "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".
Sốt đất ảo gây hệ lụy nghiêm trọng
Nông dân Hoàng Đình Quê cho biết, thời gian vừa qua, giá đất đai tại nhiều nơi đã tăng trưởng nóng, dẫn tới hiện tượng nhiều bà con nông dân cũng tham gia buôn bán đất đai. Việc tăng giá đất dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sản xuất nông nghiệp, cho đảm bảo an ninh, trật tự ở nhiều địa phương.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên cho biết, giá đất ở một số địa phương, một số khu vực tăng lên một cách đột biến gây nên hiện tượng sốt ảo làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an ninh ở địa phương.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Kiên cho biết sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai; bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai…
Đồng thời, công bố công khai thông tin về quy hoạch để người dân tiếp cận, không bị nhiễu thông tin để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính; quản lý chặt chẽ về việc tách thửa; xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ…
Ngoài ra, có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá; tổng kết, đánh giá sử đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó chú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất...
Ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, thời gian qua tội phạm vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai rất khổ biến, đặc biệt nổi lên ở trình trạng phân lô, bán nền đối với đất nông nghiệp, đất quy hoạch, trồng cây lâu năm, tập trung ở các tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Qua tìm hiểu, ông Hùng nhận thấy nổi lên mấy thủ đoạn: Chủ đầu tư đã rao bán khi chưa có quy hoạch cụ thể; hoặc đối với đất đã quy hoạch thì tự ý xây dựng hạ tầng sau đó phân lô bán nền trái pháp luật, đặc biệt là mua bán trên các sàn thương mại trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng.
“Đơn cử mấy năm trước chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng công an địa phương phá vụ án liên quan tới Công ty Alibaba. Công ty này đã tự vẽ 42 dự án với 620ha không có thật, chiếm đoạt 2.500 tỉ đồng. Đây là vụ án lớn mà sau khi phá được đã trở thành bài học, lời cảnh báo đối với các nhà đầu tư”, ông Hùng nói.
Về các giải pháp cho vấn đề này, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các cấp ngành thường xuyên cập nhật các thủ đoạn của các loại thủ phạm đặc biệt là xã hội đen, các nhóm giang hồ cát cứ liên kết với nhau vé ra các dự án không có thật để lừa đảo người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang làm việc rất tích cực, Chính phủ đang chuẩn bị trình sửa đổi Luật Đất đai và sắp tổ chức hội nghị về phát triển thị trường đất đai lành mạnh, bền vững, an toàn…
Với vấn đề đất đai, Thủ tướng cho rằng vừa phải có giải pháp xử lý các vấn đề tình thế, vừa phải có giải pháp lâu dài. Đất đai là nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế, đời sống người dân, chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát huy tốt nhất nguồn lực này, hạn chế thấp nhất các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng…
Trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội quá ít sản phẩm, chi phí cao
Trả lời câu hỏi của nông dân về xuất khẩu trái cây, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Cách đây mấy ngày tôi thăm trung tâm chiếu xạ ở Hà Nội để chuẩn bị chiếu xạ chuyển lô hàng nông sản đầu tiên đi Mỹ. Nông sản miền Bắc không cần chuyển vào miền Nam để chiếu xạ. Trung tâm chiếu xạ ở Hà Nội họ nói với tôi là mỗi lần chiếu xạ do có quá ít sản phẩm nên chi phí khá cao. Chuyển vào miền Nam thì chi phí chiếu xạ rẻ hơn, bởi trong đó họ chiếu xạ hoa quả quanh năm”.
Theo đó, để chi phí chiếu xạ thấp, các tỉnh phía bắc như Sơn La, Bắc Giang xem lại để chiếu xạ một lần với số lượng lớn để giả giảm chi phí. Để chiếu xạ phải thuê chuyên gia người Mỹ để giám định, kiểm soát quá trình với chi phí rất đắt vì vậy cần phải chiếu xạ nông sản với số lượng lớn và thường xuyên để giảm chi phí.
Ông Hoan cho rằng đã cùng với Bộ KH-CN kiến nghị quy trình với phía đối tác Mỹ để giảm chi phí. Nhưng nếu Việt Nam cứ với tinh thần đi buôn chuyến, lâu lâu có một hai chuyến sẽ đội chi phí lên rất cao.
Về vấn đề chiếu xạ, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-CN, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xử lý, giải quyết nhanh và thỏa đáng, không để doanh nghiệp phải vào tận TP.HCM để chiếu xạ, làm tăng chi phí và thời gian.
Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính
Riêng câu hỏi xuất khẩu về thị trường Trung Quốc, Bộ NN-PTNT cho rằng xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch là cả một quá trình.
“Chúng ta không chỉ bán ở tiểu ngạch ở cửa khẩu biên giới mà cần phải bán sâu vài nội địa phía bắc của Trung Quốc thì mới đảm bảo tính an toàn. Thực tế có rất nhiều địa phương đàm phán với các thương nhân Trung Quốc đưa nông sản vào sâu nội địa”, ông Hoan nêu.
Ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay hai năm vừa rồi, Trung Quốc áp dụng chính sách "Zero COVID" nên việc thông quan nông sản gặp nhiều khó khăn. Mặt khác nữa, một số mặt hàng nông sản của chúng ta, trong đó có trái cây chưa ký được hiệp định hiệp thư với phía Trung Quốc.
Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng nên còn ách tắc.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương duy trì chính sách giao thiệp với Trung Quốc để thống nhất với nhau về cách thông quan hàng hoá. Đồng thời, tiếp cận việc ký Nghị định thư về xuất khẩu nông sản. Việc ký Nghị định thư này trách nhiệm thuộc về Bộ NN-PTNT, tuy nhiên Bộ Công thương đã hết sức phối hợp cùng với để thực hiện.
Theo ông Diên, trong thời gian tới để giải quyết việc xuất khẩu nông sản sang chính ngạch Trung Quốc, điều trước hết cần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, từ tư duy sản xuất tự phát sang sản xuất theo tín hiệu thị trường. Điều này, các địa phương cần có chiến lược rõ ràng, quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và có hướng dẫn rất cụ thể về quy trình canh tác, quy trình sản xuất đảm bảo được chất lượng sản phẩm của chúng ta đạt tiêu chuẩn.
Thứ 2, mặc dù chúng ta thống nhất với nhau là không nên quá phụ thuộc vào một thị trường, nhưng phải khẳng định rằng Trung Quốc là thị trường lớn, và thị trường ấy phù hợp với nền sản xuất của chúng ta. Có điều thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước đây.
Phía Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt tiêu chuẩn về hàng hóa. Đặc biệt, Trung Quốc đã tham gia hiệp định RCEP với cùng với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN. Đề nghị các địa phương, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất nên sản xuất theo tín hiệu thị trường, sản xuất theo xuất khẩu chính ngạch, sản xuất theo tiêu chuẩn và đáp ứng được tiêu chuẩn.
Thủ tướng cho biết đã có giao thiệp với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản. Tuy nhiên, chính sách chống dịch của Trung Quốc và của Việt Nam khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan tác động đến việc xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc.
“Trung Quốc cũng không còn dễ tính như trước đây, họ tăng cường kiểm soát hàng hoá chặt chẽ hơn; quy định của họ cũng ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung Quốc muốn tăng cường xuất nhập khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch”, Thủ tướng nói và cho rằng muốn xuất khẩu được hàng hoá thuận lợi sang Trung Quốc buộc phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch, nâng cao chất lượng sản phẩm…