Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, cùng một mặt bằng thể chế nhưng có những bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt, có nơi lại kém hơn. Do đó, khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.

Giải ngân vốn đầu tư công: Yếu ở khâu tổ chức thực hiện

Lam Thanh | 28/05/2022, 11:43

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, cùng một mặt bằng thể chế nhưng có những bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt, có nơi lại kém hơn. Do đó, khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.

Thảo luận tại Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra những giải pháp tạo chuyển biến tích cực trong vấn đề giải ngân đầu tư công chậm khi đã được nêu ra tại nhiều kỳ họp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết câu chuyện giải ngân đầu tư công không phải vấn đề mới. Nhìn vào số giải ngân của 5 tháng đầu năm 2022, chúng ta mới giải ngân được khoảng 22-23%. Mức này có cao hơn một chút so với cùng kỳ của năm 2021 nhưng so với kế hoạch năm là thấp.

Nhìn nhận từ khía cạnh của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết công tác chuẩn bị đầu tư của các bộ, ngành, địa phương đối với các dự án là yếu. Điều này thể hiện ở chỗ dự toán Thủ tướng Chính phủ giao không phân bổ được hết ngay từ đầu năm, chúng ta phân bổ nhiều lần trong năm.

Đến thời điểm hiện nay vẫn còn 11 bộ và 17 địa phương chưa phân bổ hết dự toán năm 2022 như Thủ tướng giao. Cái yếu trong khâu dự toán sẽ dẫn đến vấn đề chậm chạp trong khâu thực hiện, vướng vấn đề này vấn đề kia.

thanh-hung-2.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng

Điểm thứ hai theo ông Hưng là vấn đề về giải phóng mặt bằng. Trong thời gian qua giá nhà đất ở một số địa phương có tăng và đấy cũng là một yếu tố dẫn đến giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn hơn. Ngoài ra, cũng có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai thì công tác giải phóng mặt bằng cũng có chỗ này, chỗ kia gặp vướng mắc.

Điểm thứ ba là giá cả nguyên vật liệu tăng cao, nhiều chủ đầu tư thậm chí bỏ cọc để không bị lỗ thêm. Vì vậy cũng ảnh hưởng rất nhiều đến dự án.

Cuối cùng vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Cùng một mặt bằng thể chế nhưng có những bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt nhưng cũng có những bộ, ngành, địa phương giải ngân kém hơn. Khâu tổ chức thực hiện của chúng ta vẫn là một khâu yếu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ các vấn đề liên quan đến quản trị, quản trị về chiến lược đầu tư.

Mặc dù đã có chủ trương đầu tư trung hạn, tức là danh mục đầu tư trung hạn đã làm rồi, nhưng để đi đến danh mục quy hoạch đầu tư cho trung hạn vẫn có nhiều thứ chưa hoàn chỉnh. Tức là khi có sự tổng hợp từ cơ sở lên cấp xã, từ cấp xã lên cấp huyện, từ cấp huyện lên cấp tỉnh, từ cấp tỉnh lên Trung ương; từ ngành rồi mới qua chính quyền... nguyên một guồng máy để xác định, hình dung ra công việc, hình dung ra sự cần thiết của công trình trong thời điểm đó, nhiều khi chưa đủ hết khả năng quản trị của đội ngũ liên quan đến mình.

“Do đó, khi chúng ta đăng ký thì hình dung cái đó làm được nhưng khi vào thực hiện thì nhiều vướng mắc như chuyển đổi đất rừng, chuyển đổi đất lúa, đền bù,… hàng loạt câu chuyện. Thành ra chúng ta thấy bên này dễ hơn, mặc dù chỗ dễ hơn lại chưa thực sự cần thiết bằng chỗ khó bởi ngày trước chúng ta đi theo cấp độ là chỗ nào cần thiết đưa ra trước”, ông Hoan nêu.

Nhưng thực tiễn phát sinh độ khó cũng không đi theo sự cấp thiết đó, thành ra phải có sự thay đổi, điều chỉnh giữa danh mục này với danh mục kia, giữa địa phương này với địa phương kia. Đây là câu chuyện ngay cả ngành nông nghiệp cũng đang bị vướng. Do đó khâu chuẩn bị đầu tư vẫn là khâu chủ yếu.

le-minh-hoan.jpg
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề cập đến năng lực của đội ngũ tham gia cùng các bộ, ngành, địa phương cùng chủ đầu tư.

"Anh có thể là kiến trúc sư, kỹ sư giỏi, làm tài chính giỏi nhưng người quản trị lại khác. Người kết nối, hình dung tổng thể cả một câu chuyện, đòi hỏi một kỹ năng khác, kỹ năng quản trị dự án, quản trị rủi ro của dự án đó. Nhiều khi mình làm chưa hình dung được rủi ro, cần phải đặt ra được các rủi ro và lường trước được các rủi ro đó", ông Hoan nói.

Nêu ý kiến thảo luận tại Quốc hội trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết hiện chi ngân sách vô cùng khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong khi gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế thì “chưa giải ngân được đồng nào” vì 24.5, Chính phủ mới gửi danh mục dự án.

“Đặc biệt 14.000 tỉ đồng cho lĩnh vực y tế chưa có danh mục nào. Rồi chương trình “sóng và máy tính cho em”, tiền có sẵn mà không tiêu được”, ông nói và băn khoăn không biết lý do là gì vì thể chế không vướng.

Ngoài ra, không chỉ thuốc phòng chống COVID-19 mà thuốc thông thường khác cũng thiếu vì không dám mua dù ngân sách có. Ngay cả vấn đề mua sắm liên quan đến phòng chống dịch, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt nhưng xuất hiện 2 trạng thái là một số nơi không dám mua, có nơi mua thì sai. Vấn đề này phải làm rõ.

Ông dẫn lại báo cáo quyết toán ngân sách năm 2020 để thấy chuyển nguồn sang năm sau hơn 600.000 tỉ đồng do không tiêu được ngân sách, chứ không phải không có tiền.

Ông cũng nói thêm, vướng mắc giờ không chi tiêu được ngân sách và lo nhất là gói kích thích kinh tế 347.000 tỉ đồng cho các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế… chưa phân bổ được đồng nào.

“Chúng ta phải bàn vì sao lại thế này”, ông Huệ đặt vấn đề và cho rằng phải chăng là khâu chuẩn bị đầu tư. Vừa qua liên quan đến mua sắm, có tỉnh mời cả cơ quan nội chính, thanh tra, công an vào hội đồng nhưng mời thế có khi chả hợp lý đâu. Ý ở đây là muốn cho minh bạch nhưng vẫn không mua sắm, chi tiêu được, lạ thế?", ông Huệ dẫn chứng.

Bài liên quan
40 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công dưới mức trung bình
Có 40 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước, trong đó 29 bộ, cơ quan tỷ lệ giải ngân 0%.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải ngân vốn đầu tư công: Yếu ở khâu tổ chức thực hiện