ĐBQH Trần Quang Minh nhận xét: “Nhiều đại án trong những năm qua làm cho chúng ta không khỏi giật mình vì thất thoát quá lớn trong khi đất nước còn khó khăn”.
Tiếp tục kỳ họp thứ tư ngày 31.10 Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Thất thoát quá lớn
Góp ý về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) quan tâm đối với giám sát về dịch vụ công; nhiều công trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước bị thất thoát, lãng phí.
Đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, cuộc giám sát tối cao thực hiện chính sách pháp luật và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa qua là một cuộc rà soát tương đối tổng thể, quy mô đối với lực lĩnh vực công. Đây là một cuộc giám sát khó về mặt lượng hóa của sự lãng phí, giá trị của việc thực hành tiết kiệm.
“Khó khăn là vậy nhưng chúng ta dễ dàng nhận thấy sự lãng phí trong thực tế đối với các công trình, dự án, hoạt động cụ thể, từ việc lớn đến việc nhỏ ở hầu khắp các lĩnh vực được giám sát và kể cả chưa được giám sát. Nhiều đại án trong những năm qua làm cho chúng ta không khỏi giật mình vì thất thoát quá lớn trong khi đất nước còn khó khăn”, ông Minh nêu.
Ông Minh cho rằng ngoài nguyên nhân liên quan đến tham nhũng, không loại trừ nhận thức, ý thức trách nhiệm, lương tâm và trình độ, năng lực yếu kém của cán bộ lãnh đạo khi đưa ra quyết định không phù hợp, gây ra lãng phí nặng nề, tổn hại khôn lường.
Đại biểu Trần Quang Minh đưa ra điển hình về những hoạt động đầu tư ra nước ngoài hay hợp tác với nước ngoài kém hiệu quả, thua lỗ, nhiều dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; hàng nghìn ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa... Trong đó, lĩnh vực đầu tư công được cho là gây ra thất thoát, lãng phí thuộc nhóm đứng đầu.
Đại biểu Trần Quang Minh khẳng định: Người Việt Nam được cho là thông minh, chăm chỉ, cần cù, trình độ đào tạo chuyên môn ngày một chú trọng nhưng năng suất lao động không cao.
Ví dụ điển hình trong thời gian qua, đó là một trong 15 chỉ tiêu đề ra không đạt tốc là độ tăng năng suất lao động. Ngoài những lý do khách quan, chắc chắn có yếu tố chủ quan, sự lãng phí trong đào tạo, bố trí, phân luồng, sử dụng, quản lý nguồn nhân lực.
Theo đó, đối với lĩnh vực công cần phải có những công cụ thể để đánh giá hiệu quả công việc mang tính định lượng thay vì định tính như hiện nay.
Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường giáo dục ý thức xác định rõ trách nhiệm đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu.
Đồng thời cần xây dựng môi trường văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chủ động tự giác hơn để dần dần dần được thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trở thành nề nếp, ý thức sâu rộng và bền vững.
Đại biểu cho rằng, ngoài việc xác định cụ thể những tồn tại, hạn chế trong ban hành chính sách pháp luật, định mức tiêu chuẩn chế độ thì phải lượng hóa định mức tiêu cụ thể, giá trị khối lượng, địa chỉ những hạn chế, tồn tại và khắc phục được tình trạng nêu chung chung.
Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng
Báo cáo tóm tắt kết quả, Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỉ đồng. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,37% GDP. Nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,9% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại bền vững, an toàn.
Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng cho thấy việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.
Đáng chú ý, thực trạng hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ.
Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó: năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án. Có nhiều dự án phải xử lý hình sự.
Hạn chế nữa được chỉ ra sau giám sát là công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 rất chậm, còn nhiều bất cập. Giai đoạn 2016-2020, cổ phần hóa, thoái vốn chỉ đạt 30% kế hoạch. Vốn nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp chưa được bảo toàn.
Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí. Cơ bản các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất chậm tiến độ nhiều năm,... rủi ro có thể gây thất thoát, lãng phí rất lớn và ảnh hưởng đến cân đối năng lượng nếu không có giải pháp xử lý kịp thời.
Báo cáo giám sát cũng cho thấy, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm.
Nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng (Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí; TP.HCM cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở, 1.274 căn hộ và 1.303 nền đất dùng làm quỹ dự phòng, có gần 5.000 căn hộ và nền đất đang làm thủ tục bán đấu giá)…